Sở GTVT lên tiếng về tuyến vận tải hành khách mới tới Sa Pa, Lào Cai

Thế Anh Thứ sáu, ngày 06/12/2024 11:46 AM (GMT+7)
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc mở các tuyến vận tải từ bến xe Giáp Bát đến bến xe TP. Lào Cai và từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Sa Pa được xem xét dựa trên tình hình giao thông thực tế, bao gồm khả năng xảy ra ùn tắc và các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông.
Bình luận 0

Hà Nội thí điểm mở các tuyến vận tải liên tỉnh từ bến xe Giáp Bát đến bến xe TP. Lào Cai và từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Sa Pa. Động thái này đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến lo ngại rằng việc thí điểm này có thể dẫn đến cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải. 

Liên quan tới vấn đề này, bên lề tọa đàm "Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?", ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, đề xuất này được đưa ra sau khi Chi nhánh Hà Nội Công ty CP vận tải Futa - Hà Sơn đề nghị được chạy thí điểm tuyến vận tải mới từ Bến xe Giáp Bát đến Bến xe TP Lào Cai, Bến xe Sa Pa và từ Bến xe Nước Ngầm đến Bến xe Sa Pa trên cơ sở đăng ký khai thác tuyến cố định.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội tính toán để doanh nghiệp này không khai thác vào khung giờ cao điểm (tức từ 6h - 9h sáng và từ 16h - 19h30 chiều).

img

Sở GTVT đang nỗ lực tìm giải pháp tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xe.

Ông Tuyển cho biết, hiện nay, các tuyến xe khách từ miền Trung ra Hà Nội chỉ dừng lại ở Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát khiến khách có nhu cầu đi Lào Cai, Sa Pa khó tiếp cận tới các nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, Sa Pa, vốn chỉ hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình. Từ đó, xe trá hình "mọc lên", cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị tuyến cố định.

Tuyến mới đang được thí điểm sẽ chạy theo đường cao tốc và vành đai, không đi xuyên tâm vào thành phố. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính kết nối và đáp ứng được nhu cầu cho hành khách từ tỉnh Lào Cai đi các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, TP.HCM... và ngược lại.

Tuyến mới này đi theo hướng cầu Thanh Trì, thực tế cầu Thanh Trì hiện nay vẫn có tuyến vào Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Việc tổ chức như thế hoàn toàn phù hợp với tổ chức giao thông, không chạy xuyên tâm.

Quá trình hoạt động, tuyến mới này được quản lý qua giám sát hành trình, thông qua đó xem các xe đi có đúng hành trình không; kiểm soát chặt chẽ phương án chạy xe của đơn vị để làm sao xe đến bến cũng phải sau 19h30, thời gian hoạt động khung giờ tối và ban đêm; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng liên ngành.

"Hết thời gian thí điểm, sẽ còn phải đánh giá quá trình hoạt động ra sao, có phù hợp với nhu cầu của người dân hay không. Bởi khi lượng khách vừa phải, xe vào nhiều quá lại sinh ra cạnh tranh không lành mạnh", ông Tuyển cho biết.

Theo ông Tuyển, việc mở tuyến mới phải căn cứ vào tình hình giao thông, có ùn tắc không, có đảm bảo an toàn không. Cùng đó, căn cứ các quy định của pháp luật, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông, công tác tổ chức giao thông của Thành phố và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trước đó, dựa trên cơ sở đề xuất của Chi nhánh Hà Nội Công ty CP vận tải Futa - Hà Sơn, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND TP.Hà Nội thí điểm tuyến vận tải mới từ bến xe Giáp Bát đến bến xe TP Lào Cai, bến xe Sa Pa và từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Sa Pa trên cơ sở đăng ký khai thác tuyến cố định.

Hành trình di chuyển chủ yếu trên đường cao tốc theo hướng từ tỉnh Lào Cai đi QL4D, tới nút giao IC 19 vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai trước khi tới QL2 đến đường Võ Văn Kiệt, ra QL5 kéo dài đến cầu Đông Trù.

Từ đây, xe tiếp tục theo QL5 kéo dài tới đường Nguyễn Văn Linh , QL1A tới cầu Thanh Trì - đi Ngọc Hồi, Giải Phóng đến các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm (TP.Hà Nội).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem