Số trẻ bị bỏng gia tăng

Thứ năm, ngày 11/03/2010 09:11 AM (GMT+7)
NTNN - Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1, dịp Tết vừa qua số lượng trẻ bị bỏng tăng gấp 10 lần so với năm ngoái, nhiều cháu nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, có biến chứng nhiễm trùng.
Bình luận 0

img

Đủ dạng bỏng nhập viện

Bé P.L.R, 10 tháng tuổi, ở TP. HCM về quê ở Cà Mau ăn Tết. Trong lúc chơi một mình trên sàn nhà, bé cầm khăn trải bàn kéo xuống và bị đổ ca nước sôi trên bàn vào người gây bỏng ở nhiều nơi: Đầu, lưng, bụng, tay và chân trái. Tỉ lệ da bị bỏng lên đến 25%, phải nằm viện điều trị.

Bỏng trẻ em, đứng đầu vẫn là bỏng do nước sôi. Bỏng nước sôi hay xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở nhóm 1 - 4 tuổi. Hầu hết tai nạn bỏng xảy ra khi trẻ đang ở một mình, vật chứa nước nóng để trên bàn hay dưới đất trong tầm nhìn của trẻ, khi chúng với lấy sẽ làm nước sôi đổ vào người.

Ngoài bỏng nước sôi, các bé cũng hay bị bỏng lửa. Bé L.T.K.N, 3 tuổi ở An Giang, bị té vào ụ tro đang cháy dở, gây bỏng sâu độ 2-3 ở các vùng tay, mông và 2 chân với tỉ lệ lên đến 35%.

Tuy nhiên, do người nhà sơ cứu bằng cách bôi nước màu nên cháu bị nhiễm trùng huyết, phải ghép da và điều trị rất lâu tại bệnh viện.

Bỏng lửa ở trẻ em chỉ chiếm khoảng 1/5 các trường hợp nhập viện nhưng lại là những ca bỏng nặng nhất do nhiệt độ  cao hơn nhiều so với nước sôi. Trẻ bị bỏng do lửa thường phải trải qua thời gian điều trị lâu dài, đau đớn với nhiều lần phẫu thuật, cấy ghép da và hậu quả phải mang nhiều di chứng nặng.

Bỏng do bàn ủi, pô xe hay bỏng do điện tuy ít gặp hơn hai dạng trên nhưng tỉ lệ nhập viện cũng cao và gây hậu quả nghiêm trọng. Các tai nạn do bỏng bàn ủi, pô xe, điện cũng chủ yếu do người nhà không trông chừng trẻ, để trẻ đang ở tuổi tò mò, thích khám phá xung quanh nên dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Sơ cứu để tránh biến chứng

Nếu chẳng may bị bỏng, việc cần làm ngay lập tức là làm mát vùng da bị hỏng bằng cách đặt ngay vết bỏng dưới vòi nước chảy hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng trong vài phút.

Phần lớn những ca bỏng ở trẻ em xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.  Tùy theo mức độ bỏng mà để lại sẹo xấu nhiều hay ít. Mặc dù điều trị rất phức tạp nhưng hậu quả vẫn ảnh hưởng ít nhiều tới sinh hoạt và hòa nhập với xã hội sau này của trẻ.

Theo BS Hải Thoa (BV Nhi Đồng 1), khi tai nạn chẳng may xảy ra, việc sơ cứu bỏng đúng cách giúp tránh biến chứng và giảm nhiễm trùng ở trẻ sau này.

Việc cần làm là ngay lập tức làm mát vùng da bị bỏng không cho nhiệt gây tổn thương da hơn nữa bằng cách đặt ngay vết bỏng dưới vòi nước chảy hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng trong vài phút. Tiếp sau đó bôi phủ vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị bỏng.

Ở trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên dùng loại pomade trong thành phần có sulphadiazine bạc 1% để giúp vết bỏng mau lành. Băng vết thương lại bằng gạc sạch để bảo vệ vết thương và phải đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu vết bỏng rộng, sâu, hoặc ở những vị trí nguy hiểm ảnh hưởng chức năng cơ thể hoặc thẩm mỹ như bàn tay, mặt, mắt, tai, bàn chân, bộ phận sinh dục. Trẻ sơ sinh bị bỏng cũng phải được đưa đến khám tại cơ sở y tế ngay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem