Sợ zona thần kinh, nhiều người tiêm vaccine thủy đậu

Phuong Vy Thứ bảy, ngày 25/11/2023 09:18 AM (GMT+7)
Nhiều người đi tiêm vaccine thủy đậu với mong muốn phòng được bệnh này và tránh được cả các biến chứng do zona thần kinh (hay còn gọi là giời leo) gây ra.
Bình luận 0

Đến tiêm vaccine thủy đậu tại VNVC Gò Vấp (TP HCM), anh Phạm Việt Hưng (30 tuổi) cho biết cả cha và mẹ anh đều mắc zona thần kinh và bị "hành" mỗi khi trái gió trở trời.

"Gần đây, giời leo khiến cha mẹ tôi đau nhức khắp người. Mẹ tôi thì mọc mụn nước ở bắp đùi, gây đau nhức, đi lại khó khăn. Khi mẹ tôi vừa khỏi thì đến lượt cha tôi mọc đám mụn nước ngay gần mắt nên phải đi bác sĩ da liễu khám, cho thuốc vì sợ mụn lan lên mắt, gây mù mắt. Ba mẹ tôi nghe lời khuyên của bác sĩ nên về bảo tôi đi chích vaccine thủy đậu để ngừa cả zona thần kinh", anh Hưng kể lại.

Sợ zona thần kinh, nhiều người tiêm vaccine thủy đậu - Ảnh 1.

Nhiều người ý thức phòng bệnh zona thần kinh bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Tương tự, chị Mai Anh (36 tuổi) dẫn con gái 5 tuổi đi tiêm vaccine thủy đậu tại VNVC Đà Nẵng. Chị Mai Anh cho biết vừa qua, chị cùng con gái về quê chơi thì con trai lớn ở nhà mắc thủy đậu, diễn tiến viêm phổi phải nhập viện.

"Cứ nghĩ thủy đậu là bệnh thông thường nên gia đình không chú trọng tiêm ngừa cho con, đến khi vào viện thì hối hận không kịp. Nên anh trai bị xong, gia đình ngay lập tức tiêm ngừa cho em gái để tránh lây nhiễm và còn phòng cả bệnh zona thần kinh cho con", chị Mai Anh giải thích.

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết thủy đậu và zona thần kinh có cùng tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster. Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus Varicella Zoster vẫn còn nằm lại trong các hạch thần kinh và tái hoạt động khi gặp điều kiện thuận lợi như tuổi cao, căng thẳng, hệ miễn dịch suy yếu… gây bệnh zona thần kinh. Chủng ngừa thủy đậu cũng được xem là cách ngừa biến chứng zona thần kinh trong bối cảnh chưa có vaccine zona thần kinh.

Hiện nhiều người vẫn còn tin rằng thủy đậu chỉ là bệnh lành tính, và hậu quả chỉ dừng lại ở các nốt mụn nước nổi vài ngày trên da, tuy nhiên nếu điều trị không đúng, thủy đậu có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như: nhiễm trùng da biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm thận cấp... thậm chí là tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước khi có vaccine mỗi năm thế giới có khoảng 140 triệu ca mắc, 4,2 triệu ca biến chứng và 4.200 ca tử vong do thuỷ đậu.

Sợ zona thần kinh, nhiều người tiêm vaccine thủy đậu - Ảnh 2.

Hình ảnh zona thần kinh có thể gây loét người, mất thẩm mỹ. Ảnh: ResearchGate

Theo thống kê tại Mỹ, khoảng 99,5% người từ 50 tuổi trở lên đã nhiễm virus Varicella zoster gây bệnh thủy đậu nên có nguy cơ khởi phát bệnh zona thần kinh. Cứ 3 người mắc bệnh zona thần kinh, có một người có nguy cơ mắc biến chứng đau thần kinh sau zona kéo dài. Người có bệnh lý nền hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tăng nguy cơ đau dây thần kinh sau zona lần lượt là 20% và 53%.

Biểu hiện của bệnh zona thần kinh là phát ban và mụn nước tập trung thành từng chùm, thường chỉ một bên của cơ thể. Mụn nước khi vỡ tạo thành những vết loét, rỉ dịch, nếu không được chăm sóc tốt có thể gây zona bội nhiễm để lại vết thâm hoặc sẹo xấu. Các mụn nước có thể gặp ở miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục ảnh hưởng thẩm mỹ và cản trở việc sinh hoạt tình dục.

Đặc biệt, zona thần kinh có thể gây phát ban da hoặc ở dạng tiềm ẩn không phát ban. Ở dạng tiềm ẩn, virus có thể gây viêm mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu cơ tim…

BS Chính nhấn mạnh, vaccine thủy đậu hiện là cách phòng bệnh hiệu quả, không chỉ cho bệnh thủy đậu mà còn cả zona thần kinh. Người dân có thể tiêm chủng vaccine thủy đậu để phòng virus Varicella Zoster, ngừa biến chứng zona.

Các vaccine thủy đậu hiện nay đã được chứng minh có hiệu quả lên đến 89-98%. Trung tâm tiêm chủng VNVC hiện đang có đầy đủ 3 loại vaccine phòng thủy đậu gồm Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn.

Bên cạnh phòng ngừa bằng vaccine, BS Chính cho biết người dân cần phối hợp các cách phòng bệnh lây qua đường hô hấp như giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, không tiếp xúc với người bệnh, nghi nhiễm, giữ vệ sinh, ăn uống đủ dinh dưỡng và vận động hợp lý.

Từ ngày 23 - 25/11/2023, Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên 2023 và Hội nghị nghiên cứu da liễu Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hội nghị do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế Lâm Đồng và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng tổ chức, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham gia, cập nhật và chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực hành và ứng dụng mới trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ.

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia đã đề cập đến vấn đề phòng các bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng lên da như thủy đậu, zona thần kinh, sởi, thủy đậu, rubella. Tại báo cáo khoa học "Vaccine phòng bệnh da liễu - Hiệu quả vượt ngoài giá trị cơ bản", BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Hệ thống tiêm chủng VNVC đã dẫn chứng nhiều nghiên cứu giá trị cho thấy phòng bệnh bằng vaccine hiệu quả, đơn giản, tiết kiệm và dễ thực hiện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem