Mẹ chồng em mất sớm nên trong nhà chồng hiện toàn đàn ông. Ngoài bố chồng, sống cùng với vợ chồng em còn có hai cậu em chồng nữa.
Nói là em chồng nhưng chú thứ 2 lớn hơn em 3 tuổi, chú út thì cùng tuổi. Các chú ấy lớn tuổi hơn em nên ăn nói bạo dạn, thường xuyên trêu chọc đến nỗi em đỏ hết cả mặt.
Hơn nữa, toàn đàn ông sống với nhau nên quen lối tềnh toàng, vô ý vô tứ như đi vệ sinh không thèm đóng cửa, về đến nhà là 4 bố con đều cởi trần, mặc quần đùi, ngồi gác chân lên ghế, ăn nói thì ồn ào, bỗ bã. Quần áo thay ra cũng vứt mỗi nơi mỗi cái. Bố con đều hút thuốc văng tàn khắp nơi, em theo dọn rất mệt.
Em có càu nhàu với chồng thì anh ấy bảo: “Bố với các em có gì mà xấu hổ”. Nhưng em rất ngại, và bực. Em phải góp ý thế nào để mọi người cùng thay đổi mà không mất lòng bố và các em?
Lê Dung (Sóc Sơn)
Đúng là nhà ít phụ nữ nên cánh đàn ông đã quen với lối sống bỗ bã, ồn ào như chỉ có những người đàn ông với nhau. Thậm chí, họ còn là bố con nên cái “bệnh” vô ý vô tứ ấy còn “nặng hơn”. Họ chưa quen ứng xử kín đáo, ý tứ khi có sự hiện diện của em. Vừa làm dâu đã phải đối diện với những ngại ngần như vậy, chắc chắn em sẽ cảm thấy lúng túng, khó xử.
Trước mắt, dù bực bội, khó chịu đến đâu em cũng không nên góp ý thẳng thừng, họ sẽ hiểu lầm em ghét bỏ, coi thường họ, tình cảm anh chị em sẽ xa cách. Em nên giữ thái độ hòa nhã, lịch sự, ăn nói mềm mỏng. Em cũng không chỉ quan tâm đến chồng mà nên “chia đều” sự chăm sóc cho cả bố và các em chồng bằng những bữa cơm nóng sốt, sự quan tâm ân cần.
Thậm chí, khi quần áo lót của bố và các em đã cũ, em cũng nên sắm sanh cho bố và các em đồ mới hơn. Khi đó, em có thể tế nhị lựa chọn những trang phục kín đáo và dài hơn để họ diện mà mình cũng đỡ “sốc”.
Về phần em cũng nên ăn mặc kín đáo, giữ gìn cư xử cho đúng mực, cũng không nên có ý âu yếm hay “thiên vị” chồng trước mặt các em. Khi nói chuyện, nhờ vả em chồng làm gì cũng nên xưng hô cho đúng với vai trò làm chị dâu, như vậy các em chồng mới không vô ý trêu chọc. Sự dịu dàng, chu đáo của một người phụ nữ chắc chắn sẽ lay chuyển được những người đàn ông quen nếp sống thô kệch.
Em nên động viên, thậm chí “bắt ép” chồng em làm gương ăn mặc “lịch sự, kín đáo” khi ở nhà, đồng thời bớt nói suồng sã, thưa gửi cẩn thận với bố, tình cảm với em, nhất là trong những sinh hoạt chung có sự hiện diện của em. Chỉ cần sự thay đổi trong trang phục và lời nói của chồng em cũng sẽ khiến bố chồng và các em trai phải để ý hơn đến lời nói, hành động và cách ăn mặc của mình.
Tơ Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.