Sốc phản vệ là nỗi ám ảnh lớn của bác sĩ phẫu thuật

Diệu Linh Thứ hai, ngày 26/12/2016 13:48 PM (GMT+7)
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội) cho biết, phẫu thuật nào cũng có nguy cơ tử vong do sốc phản vệ sau khi được gây mê.
Bình luận 0

Theo bác sĩ Thái, sốc phản vệ là nỗi ám ảnh rất lớn của các bác sĩ phẫu thuật, rất khó lường trước. “Bất cứ chất lạ nào đưa vào cơ thể đều có thể gây ra sốc phản vệ, đặc biệt là sốc phản vệ do thuốc, chế phẩm máu, hóa chất. Có khi bệnh nhân mới chỉ được gây tê đã bị sốc phản vệ. Do đó, dù rằng tiểu phẫu hay đại phẫu, cơ sở y tế đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu nhất, đặc biệt là có phương tiện, trang thiết bị để cấp cứu khi có bệnh nhân sốc phản vệ. Đồng thời đội ngũ y bác sĩ cũng phải được đào tạo để nhuần nhuyễn các kỹ năng cấp cứu” – bác sĩ Thái thông tin.

Bác sĩ Thái cũng cho biết thêm, việc 2 bệnh nhân liên tiếp bị sốc phản vệ do gây mê tại một bệnh viện cũng khá hiếm gặp nhưng không phải không thể xảy ra. Trước đó, năm 2014, tại Bệnh viện 87 (Khánh Hòa) đã xảy ra vụ 3 trẻ tử vong do sốc phản vệ sau khi được gây mê trong chương trình phẫu thuật hở hàm ếch do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) tài trợ.

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, nếu bệnh nhân bị sốc phản vệ được cấp cứu đúng trong vòng 10 giây thì cơ hội sống là 80-90%, càng chậm thì nguy cơ tử vong càng lớn.

Theo GS Bình, khoa Hồi sức tích cực thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị sốc phản vệ. Nguyên nhân gây sốc phản vệ rất nhiều, như bị côn trùng đốt, dị ứng thức ăn, do các chế phẩm máu, thuốc, hóa mỹ phẩm… với diễn biến lâm sàng rất đa dạng, phức tạp và khó lường. Các phản ứng sốc có thể là mẩn ngứa, phù miệng, lưỡi, họng hoặc co thắt phế quản, gây ngạt thở; trụy mạch, tụt huyết áp khiến mạch máu không tuần hoàn, không thể cung cấp ôxy cho các cơ quan… Bệnh nhân thường bị ngạt thở rất nhanh.

img

Bệnh viện Trí Đức, Hà Nội 

Bác sĩ Thái nhấn mạnh, để hạn chế sốc phản vệ thì các cơ sở y tế cần phải có sự kiểm tra trước khi tiêm, truyền thuốc, hóa chất hay chế phẩm máu cho bệnh nhân. Đồng thời, trước khi phẫu thuật ê kíp hồi sức cấp cứu phải thường trực, sẵn sàng để cấp cứu.

Trước đó, ngày 25.12, tại Bệnh viện Trí Đức (Hà Nội), 2 bệnh nhân đã tử vong liên tiếp cùng nghi ngờ do sốc phản vệ sau khi được gây mê phẫu thuật. Một bệnh nhân (nữ) có chỉ định phẫu thuật tuyến giáp và 1 bệnh nhân (nam) được chỉ định cắt amidan. Hai bệnh nhân này bị sốc phản vệ chỉ cách nhau 10 phút. Tuy đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng hai bệnh nhân đều không qua khỏi. Hiện vụ việc đang được công an vào cuộc điều tra.

Ngày 26.12, bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y (tìm độc chất) ở lô thuốc gây mê khiến 2 trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức.

Theo bà Hà, thuốc gây mê dùng cho hai bệnh nhân gần giống nhau, chỉ điều chỉnh liều lượng cho phù hợp với cân nặng. Thuốc này là thuốc được Bộ Y tế cho phép và có hóa đơn chứng từ mua bán đầy đủ. Sở Y tế cũng đã kiểm tra danh sách bác sĩ tham gia khám chữa bệnh và quy trình hồ sơ khám chữa bệnh của Bệnh viện Trí Đức. Kết quả, các bác sĩ ở đây đã thực hiện đúng quy trình, thuốc cũng được đảm bảo đúng quy định. Bà Hà cho biết, lô thuốc gây mê đã sử dụng cho hai bệnh nhân T và P. trước đó đã sử dụng cho các bệnh nhân khác và các bệnh nhân vẫn có sức khoẻ bình thường. Hiện tại, sau 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y (tìm độc chất) của lô thuốc gây mê cho hai bệnh nhân trên. Lúc đó mới có thể kết luận nguyên nhân vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem