Sóc Trăng: 2 "chiêu" giúp cây lúa đẻ khoẻ, sai trĩu bông, nông dân thích thú

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 19/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Nhờ áp dụng 2 "tuyệt chiêu" là sạ cụm bằng máy và bón phân chuyên dùng của Bình Điền, nông dân ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thu lợi nhuận cao hơn 4,55 triệu đồng/ha so với kiểu sạ hàng, bón phân tự do.
Bình luận 0

Canh tác lúa thông minh, nhà nông Sóc Trăng tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận 

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác công tư (PPP) hoạt động khuyến nông, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Kim Hồng tiếp tục phối hợp triển khai mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. 

Theo đó, trong vụ hè thu 2022, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Long Phú, UBND xã Long Đức triển khai thực hiện trình diễn mô hình tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú.

Mô hình có 4 hộ tham gia, với diện tích 2ha. Mục tiêu của mô hình nhằm thúc đẩy ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến “1 phải 5 giảm”; tăng cường ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá và thiết bị công nghệ tiên tiến. Đặc biệt là giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Sóc Trăng: 2 "chiêu" giúp cây lúa đẻ khoẻ, sai trĩu bông, nông dân thích thú kéo đến xem - Ảnh 1.

Bà con nông dân xã Long Đức thích thú trước ruộng lúa tốt bời bời, bông sai trĩu nhờ áp dụng sạ cụm, bón phân chuyên dùng, áp dụng các kỹ thuật canh tác thông minh. Ảnh: Văn Đây

Cụ thể, hộ ông Huỳnh Văn Chính và Phạm Hoàng Trân áp dụng kỹ thuật sạ cụm bằng máy, bón phân chuyên dùng của Công ty CP BÌnh Điền. Mô hình đối chứng là sạ hàng, bón phân tự do (bà con tự mua). Còn hộ bà Trần Kim Loan và ông Nguyễn Ngọc Hưởng áp dụng kỹ thuật sạ hàng, bón phân bón chuyên dùng của Bình Điền, trong khi diện tích lúa đối chứng cũng sạ hàng, nhưng bón phân tự do. 

Tại Hội thảo đầu bờ diễn ra sáng 18/8, bà con nông dân vô cùng thích thú khi nhận thấy sự khác nhau rõ rệt giữa 2 ruộng lúa. Theo đó, trong ruộng sạ cụm, bón phân chuyên dùng, lúa đều tăm tắp, các khóm lúa to, bông sai trĩu hạt, ít sâu bệnh hại. Trong khi ruộng đối chứng cũng sạ hàng nhưng bón phân tự do thì khóm lúa nhỏ hơn, do vậy số bông lúa cũng ít hơn. 

Sóc Trăng: 2 "chiêu" giúp cây lúa đẻ khoẻ, sai trĩu bông, nông dân thích thú kéo đến xem - Ảnh 2.

Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tại xã Long Đức, huyện Long Phú. Ảnh: Ngô Đây

Về chi phí sản xuất, theo ông Ngô Văn Đây - nguyên Phó trưởng bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam Bộ cho biết, trên nền phân bón Bình Điền và sạ cụm thì tiết kiệm vật tư hơn so với sạ hàng, bón phân tự do (tiết kiệm được hơn 2,5 triệu đồng/ha). 

Trên nền sạ hàng, bón phân Bình Điền, lượng phân bón cũng ít hơn so với mô hình sạ hàng, bón phân tự do với mức 1,712 triệu đồng/ha. Như vậy có thể thấy, mô hình sạ cụm tiết kiệm được 861.000 đồng/ha so với phương pháp sạ hàng. 

Qua thu hoạch thực tế cho thấy, ruộng lúa sạ cụm của ông Huỳnh Văn Chính và Phạm Hoàng Trân đạt lợi nhuận cao hơn so với sạ hàng là 4,55 triệu đồng/ha. 

Sóc Trăng: 2 "chiêu" giúp cây lúa đẻ khoẻ, sai trĩu bông, nông dân thích thú kéo đến xem - Ảnh 3.

Ông Võ Quốc Trung - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng chia sẻ với bà con nông dân về hiệu quả của mô hình canh tác lúa thông minh. Ảnh: Ngô Đây

Theo đánh giá của ông Ngô Văn Đây, qua nhiều mô hình trình diễn ở cả vụ hè thu và vụ đông xuân cho thấy, phương thức sạ cụm đã giúp giảm được lượng hạt giống lúa sử dụng, giảm được nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời gia tăng năng suất lúa, gia tăng hiệu quả kinh tế ở điều kiện thâm canh khác nhau, trên nền phân bón khác nhau. Phương pháp sạ cụm sẽ phát huy ưu thế hơn nữa nếu kết hợp với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khác, ở đây là phương pháp sạ cụm trên nền phân bón chuyên dùng của Bình Điền.

Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Hưng Lợi ở ấp An Hưng, xã Long Đức cho biết, HTX đã triển khai mô hình canh tác lúa thông minh từ nhiều vụ trước. Ngoài máy sạ cụm, bà con còn áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, tưới nước ướt - khô xen kẽ... 

Nhiều năm qua, bà con đã quen canh tác theo kiểu sạ dày, tới 20 - 30 kg lúa giống/công, nước bơm vào tràn lan ngập ruộng ngập đồng. 

Vì vậy, khi phổ biến kỹ thuật mới, không ít người nghi ngại, lo lắng năng suất không đạt. Tuy nhiên, sau đó thấy chi phí giảm mà lúa tốt bời bời, bông nặng trĩu, ít bị ngã đổ, năng suất lúa hơn cách làm cũ nên ai cũng phấn khởi. 

Ngoài ra, bà con còn thấy được lợi ích từ phương pháp sạ lúa thưa đã giúp giảm được phân bón, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh hại, lúa đẻ nhánh to và nhiều. Cây lúa cứng cáp nên cũng dễ thu hoạch, ít bị hao hụt. Không những vậy, bà con còn tiết kiệm được 30-40% lượng nước bơm vào ruộng, nên chi phí, công sức cũng giảm theo.

Hiện, HTX Hưng Lợi có 538 hộ thành viên, canh tác trên cách đồng liên kết sản xuất hơn 600 ha và 100% nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ. Như vậy có thể hình dung, trên cánh đồng 600ha đó, các thành viên HTX Hưng Lợi đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ biện pháp canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem