Theo các chuyên gia tài chính, việc trích lập dự phòng quá lớn là nguyên nhân khiến các nhà băng lớn dù có doanh thu thuộc dạng “khủng” nhưng kết quả lợi nhuận vẫn bị sụt giảm. Điều này cho thấy tình hình nợ xấu vẫn là nỗi lo chưa thể dứt điểm ở hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD).
Doanh thu “khủng”, lợi nhuận chưa hẳn... đã cao
Đứng đầu danh sách các TCTD lớn nhất hiện nay là Ngân hàng Vietcombank (VCB) với giá trị vốn hóa hơn 136.000 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 cho thấy, VCB có doanh thu đạt hơn 18.529 tỷ đồng, lợi nhuận 6.845 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 28% so với năm 2015.
Trong khí đó, ACB hiện chỉ có giá trị vốn hóa trên thị trường hơn 23.000 tỷ đồng (bằng 1/6 VCB) nhưng năm 2016, nhà băng này mang về doanh thu 6.892 tỷ đồng, lợi nhuận 1.325 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 29% so với năm 2015.
Với kết quả này, có thể nói ACB là ngân hàng mang lại lợi nhuận dẫn đầu trong hệ thống các TCTD hiện nay. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu ACB thời gian gần đây vượt trội hẳn so với nhiều ngân hàng khác với giá trị lên tới 25.000 đồng/CP, xếp thứ 2 trong bảng xếp loại giá trị “cổ phiếu vua”, chỉ sau VCB.
Một nhà băng khác cũng có kết quả kinh doanh khá tốt là Ngân hàng Quân đội (MBB), năm 2016 dù doanh thu của MBB chỉ tăng 9% (đạt 7.979 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận lại đạt 2.884 tỷ đồng, tăng tới 15% so với năm 2015.
Tương tự, Vietinbank (CTG) với doanh thu hơn 22.405 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015, lợi nhuận cũng đạt 6.825 tỷ đồng, tăng 19%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại thì một loạt các nhà băng khác cũng có doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận cũng chỉ “bình bình”, thậm chí là sụt giảm so với năm 2015. Chẳng hạn, năm 2016 BIDV cũng mang về doanh thu hơn 23.738 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015, nhưng kết quả lợi nhuận lại chỉ đạt 6.248 tỷ đồng, giảm 2%.
Nhưng “bết bát” nhất có lẽ là kết quả kinh doanh của Sacombank, theo ghi nhận doanh thu 2016 của nhà băng này là 5.119 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2015; lợi nhuận cũng chỉ đạt 373 tỷ đồng, giảm tới 67% so với năm 2015.
Quỹ dự phòng “ăn mòn” lợi nhuận
Thực tế, nhìn vào khoản trích lập dự phòng của các nhà băng mới thấy được khoản tiền “khủng” mà các TCTD này chi ra để đảm bảo “mức độ an toàn vốn”. Tại Sacombank, nhà băng này dành tới 57% tiền lời kiếm được (1.232 tỷ đồng) để trích lập 700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế còn 531 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của Sacombank thời điểm hiện tại cũng khá cao, ở mức 5,4% do nợ xấu của Ngân hàng Phương Nam chuyển sang.
Tương tự, BIDV cũng khá “bạo tay” trong trích lập dự phòng. Cụ thể, năm 2016 nhà băng này đạt lợi nhuận 17.009 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng 9.274 tỷ đồng (gần 55% lợi nhuận) thì lợi nhuận trước thuế chỉ còn 7.735 tỷ đồng. Vietcombank cũng dành tới 43% trong tổng số 14.927 tỷ đồng lợi nhuận kiếm được cho trích lập dự phòng, vì vậy lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Vietcombank chỉ đạt 8.517 tỷ đồng. Các ngân hàng Vietinbank và VIB cũng dành 37% và 46% trong tổng lợi nhuận kiếm được năm 2016 cho khoản dự phòng,…
Tuy nhiên, “sốc” nhất vẫn là khoản trích lập dự phòng của Eximbank. Cụ thể, nhà băng này dành tới 70% lợi nhuận năm 2016 để trích lập dự phòng với hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2016, số nợ xấu của Eximbank tăng mạnh 63% lên 2.558 tỷ đồng, so với mức 1.574 tỷ đồng của năm 2015.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay tại ACB là việc xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều nhất vẫn là khoản nợ 5.765 tỷ đồng liên quan đến nhóm 6 công ty của “bầu Kiên”; kế đến là 2 khoản nợ xấu liên ngân hàng lớn gồm 400 tỷ đồng nợ xấu tại Ngân hàng Xây dựng (CB) và 772 tỷ đồng tại GPBank. Tuy nhiên, thời gian qua việc xử lý nợ xấu của ACB khá khả quan.
Cụ thể, với khoản nợ 5.765 tỷ đồng, ACB dùng 1.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng trong số 1.500 tỷ đồng dự phòng năm 2016. Ngoài ra, theo phương án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt, khoản nợ 400 tỷ đồng tại CB sẽ cơ cấu thành một khoản vay kỳ hạn 5 năm với 20% vốn vay được trả mỗi năm. Theo đó, khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng trụ sở của CB với giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá hơn 400 tỷ đồng. Riêng với khoản nợ 772 tỷ đồng tại GPBank đã được ACB xử lý bằng cách mua tài sản đảm bảo để gán nợ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.