Sơn La: Giã từ "nàng tiên nâu", dân Long Hẹ trồng cây ăn quả, vừa khoẻ vừa có tiền

Tuệ Linh Thứ ba, ngày 22/09/2020 14:02 PM (GMT+7)
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sùng Chờ Nó - Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ (Thuận Châu, Sơn La), chia sẻ: Sau khi cây thuốc phiện bị triệt phá vào đầu những năm 2000, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Bình luận 0

"Tổng vốn đầu tư trong nhiều năm qua lên tới hàng chục tỷ đồng; từ tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tới hỗ trợ cây giống, con giống để bà con thay đổi cách làm từ nguồn thu mới. Chính vì thế cây mận hậu, cây chè, cây táo Sơn La, cây dược liệu, cây dâu tằm, đàn gia súc, gia cầm… của Long Hẹ mới tăng trưởng nhanh chóng. 

Nguồn thu mới nhiều hơn, mạnh hơn, đời sống an sinh đảm bảo hơn nên bà con ở Long Hẹ nói riêng và đồng bào các dân tộc ở Sơn La mới giã từ triệt để cây thuốc phiện đấy" - ông Nó cho biết. 

Nở rộ nhiều mô hình làm ăn hiệu quả - Ảnh 1.

Người dân bản Co Nhừ, xã Long Hẹ thu hoạch quả sơn tra. Ảnh: Tuệ Linh

Theo đó, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào người dân tộc thiểu số như cung cấp giống bò, lợn, gà; giống cây ăn quả, cây táo mèo, cây lương thực năng suất cao lần lượt được triển khai thực hiện. 

Ngoài ra, từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt… được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. 

Các hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ; tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt. Bà con biết bảo ban, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

"Trước đây, gia đình tôi trồng chủ yếu cây ngô, cây sắn, lúa. Canh tác cây lương thực ngắn ngày tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp. Sau khi được cán bộ xã vận động, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng 1ha cây sơn tra. Nhờ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đến nay, đồi sơn tra gia đình tôi đã cho thu hoạch. Trồng cây này không tốn nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn cây ngô, cây sắn. Mỗi năm, từ bán quả sơn tra, gia đình tôi cũng thu được từ 20 - 30 triệu đồng" - ông Vàng Giống Xào (bản Há Tầu) tâm sự.

Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ thông tin thêm: Từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, nhiều hộ dân như hộ ông Thào Giống Sếnh, Thào Súa Nhìa, Và Phòng Xá… đã mạnh dạn đưa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài tượng, nhãn ghép vào trồng thay thế cây ngô, cây sắn. Nhờ đó các hộ gia đình đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định. 

Đến nay, Long Hẹ có 596ha cây sơn tra, 52,25ha xoài, 15,5ha nhãn, 13,6ha chanh leo và 9,8ha. Xã cũng đã thành lập được 3 hợp tác xã nông nghiệp giúp người dân tổ chức phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem