Sơn La: Văn nghệ kích cầu kinh tế phát triển

Thứ tư, ngày 23/05/2012 14:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Văn nghệ không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển..." - ông Hoàng Sương - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, nói vậy.
Bình luận 0

Mỗi chi hội là một đội văn nghệ

Sau mỗi buổi đi làm đồng về, những nông dân như chị Lò Thị Hương, Lò Thị Thanh, Lò Văn Tăng, Lò Văn Thích… ở bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La lại tập hợp nhau ở nhà văn hoá bản. Có thể bàn chân họ vẫn còn lấm bùn, mái tóc vẫn còn khét nắng… nhưng tất cả đã nhanh chóng hoà mình vào những đêm sinh hoạt văn nghệ của chi hội bản.

img
Đội Văn nghệ bản Tông, xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La là một trkiều thiện

Chị Lò Thị Hương, ở bản Phiêng Ngùa bảo: Hơn chục thành viên trong đội văn nghệ bản đều là nông dân. Những tiết mục mà đội vẫn tập và biểu diễn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Thái: Múa nón, khăn piêu, xoè, ong eo... Bên cạnh đó, nhiều người còn sáng tác được những bài hát tiếng Thái theo kiểu hát giao duyên, mỗi khi biểu diễn được bà con cổ vũ rất nồng nhiệt.

Ông Hoàng Sương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La cho biết: Phát triển các đội văn nghệ bản mà nòng cốt là hội viên nông dân là một trong những chủ trương của tỉnh Sơn La trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Với hơn 2.000 đội văn nghệ thôn bản hiện nay, Sơn La là tỉnh có số lượng đội văn nghệ bản lớn nhất toàn quốc.

Văn nghệ kích cầu kinh tế phát triển

Tính chất "hương đồng, gió nội" trong các đội văn nghệ bản ở Sơn La rất cao, vì hoạt động của các đội chủ yếu để phục vụ bà con trong xã, bản những dịp lễ, tết, những sự kiện của đất nước, của địa phương.

Ông Vàng A Châu - Chủ tịch Hội ND xã Kim Bon, huyện Phù Yên tâm sự: Nông dân vùng cao nghèo về vật chất nhưng đời sống tinh thần rất phong phú. Các đội văn nghệ ở đây đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Những thói hư, tật xấu, mặt trái của xã hội như: Tệ nạn cờ bạc, mại dâm, tảo hôn, lười lao động… đều được các đội văn nghệ sáng tạo thành những tiểu phẩm hài, những bài hát tiếng dân tộc để đả kích, phê phán, điều chỉnh. Nhờ vậy, môi trường sống, đời sống văn hoá của các thôn, bản ngày càng được cải thiện.

“Tuy tự lập là chủ yếu nhưng đến nay có hàng trăm đội văn nghệ bản có chất lượng biểu diễn rất cao. Nhiều du khách khi đến đây, được tham dự những đêm văn nghệ bản cứ nghĩ rằng đó là văn công tỉnh đóng thế...”.

Đến bản Pá Vệ của đồng bào Mông ở xã Mường Cai, huyện Sông Mã, nghe già bản Sồng Pá Động, hơn 80 tuổi, kể: Nông dân chân lấm tay bùn nhưng khi lên sân khấu cũng đẹp lắm.  Nhìn diễn viên của bản biểu diễn mà không tin đấy là con, là cháu mình. Có những chuyện không tốt, không hay, nói mãi mà chưa sửa được, nhưng khi đội văn nghệ bản mang ra sân khấu biểu diễn thì ai cũng thấy cần phải sửa.

Ngày xưa, người Mông ở đây, mỗi khi có người già chết, con cái cứ mổ trâu, bò, lợn cúng bái; tốn kém rất nhiều, lại say sưa bao ngày, chẳng ai làm được việc gì. Thế mà khi đội văn nghệ bản đưa lên thành tiểu phẩm kịch, biểu diễn một vài lần, ai xem cũng nhận thấy làm ma như thế là lãng phí, là hại chính mình, nên họ tự nguyện bỏ đi. Nay đám ma chỉ kéo dài 1-2 ngày, mổ mấy con gà, con lợn là xong. Tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chứ không ít đâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem