Sơn La: Vùng sông nước, nông dân có biệt tài "ép" con trai nhả ngọc, thuần phục loài cá đặc sản thu chục tỷ đồng/năm

Trần Quang Chủ nhật, ngày 11/04/2021 13:00 PM (GMT+7)
Những người nông dân từng một thời tham gia cuộc đại di dân để xây dựng công trình thủy điện Sơn La năm nào giờ đều đã thành những triệu, tỷ phú nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Trong đó, có người nuôi trai lấy ngọc, người đã thuần phục và nuôi thành công loài cá đặc sản đạt doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0
Nơi nông dân biết "ép" sông nhả ngọc, thuần phục loài cá đặc sản thu chục tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Triệu phú Lừ Văn Tuyên ở bản Chiềng Ơn, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La giới thiệu với các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về quy trình nuôi trai lấy ngọc ở lòng hồ thủy điện Sơn La.

"Ép" con trai nhả ngọc quý, kiếm chục tỷ đồng/năm nhờ nuôi cá đặc sản

Ngày 10/4, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đi thăm mô hình chăn nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo di dân tái định cư thủy điện Sơn La, nay trở về chứng kiến những người dân nơi đây làm giàu tại nơi tái định cư và trên lòng hồ thủy điện, đồng chí Thào Xuân Sùng tỏ ra rất vui mừng.

"Thấy bà con đồng bào mình có cuộc sống ngày càng ấm no, ổn định và giàu hơn tại nơi ở mới. Nhiều nông dân còn mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, nuôi trai lấy ngọc trên sông có thu nhập cao, tôi thấy rất mãn nguyện và vui mừng", Trưởng Ban chỉ đạo di dân tái định cư thủy điện Sơn La xúc động nói.

Trong cuộc đại di dân để xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (tại thời điểm đó), huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện di chuyển 8.435 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc 9 xã, 99 bản, xóm, 36.000 nhân khẩu, bằng 2/3 khối lượng công tác di dân trong toàn tỉnh.

Chia sẻ với người thủ trưởng năm xưa của mình nay là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thu - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết, sau khi tập trung hoàn thành việc giao đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư; thực hiện đầy đủ các chính sách bồi thường theo quy định của Nhà nước, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực của Nhà nước, nguồn xã hội hóa để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. 

Điểm nhấn là, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2010, huyện đã triển khai nuôi thí điểm 20 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La và đến giờ mô hình này đã được nhận rộng và có nhiều đột phá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con tại các xã của Quỳnh Nhai.

Theo ông Thu, riêng về lĩnh vực chăn nuôi thủy sản đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có khoảng 47 hợp tác xã nuôi cá lồng với trên dưới 7.000 lồng cá trên mặt lòng hồ thủy điện cho sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm.

"Trong đó, có các hợp tác xã, mô hình chăn nuôi cá lồng đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm", Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai khẳng định.

Là đơn vị đang chăn nuôi khoảng 200 lồng cá trên lòng hồ thủy điện, ông Nguyễn Hữu Sơn - Giám đốc HTX Hợp Lực ở xã Chiềng Ơn cho hay: Việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

"Đến giờ chúng tôi đã nuôi và thuần phục thành công nhiều loài cá đặc sản trên lòng hồ như trắm đen, cá lăng nha, lăng đen... Trung bình mỗi năm chúng tôi có doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng", ông Sơn tiết lộ.

Bên cạnh khu nuôi cá lồng của HTX Hợp Lực, mô hình chăn nuôi cá lồng "xen canh" với nuôi trai lấy ngọc của ông Lừ Văn Tuyên cũng đang nổi lên là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở địa phương.

Cùng với việc nuôi cá lồng, năm 2019 ông Tuyên mạnh dạn đầu tư nuôi thủ nghiệm trai lấy ngọc. "Sau gần 2 năm thả nuôi, các con trai của tôi đã bắt đầu "nhả" ngọc, dù tỷ lệ trai cho ngọc mới đạt 50% nhưng sản phẩm ngọc rất to đều, sáng đẹp không thua kém gì sản phẩm ở các địa phương khác", anh Tuyên bộc bạch.

Nơi nông dân biết "ép" sông nhả ngọc, thuần phục loài cá đặc sản thu chục tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệm, đến giờ mô hình nuôi trai lấy ngọc trên lòng hồ thủy diện Sơn La của ông Lừ Văn Tuyên ở xã Chiềng Ơn đã thu được thành công ban đầu.

Khi bắt tay vào chăn nuôi trai lấy ngọc, anh Tuyên được địa phương hỗ trợ 100% con giống, kỹ thuật nên mọi công việc của gia đình rất thuận lợi. "Đến tháng 6/2021 tới, gia đình sẽ thu hoạch lứa ngọc trai đầu tiên và cung cấp cho đơn vị bao tiêu ở Thái Nguyên với giá từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng/viên ngọc thô. Dự định trong năm tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích thêm để có thêm sản phẩm cung cấp cho thị trường", anh Tuyên chia sẻ.

Theo Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai Nguyễn Văn Thu, sau gần 2 năm thử nghiệm đến nay mô hình nuôi trai lấy ngọc với số lượng 2.500 con đến nay đã đạt được những thành công ban đầu. Theo kế hoạch, đến tháng 6/2021, các đơn vị chuyên môn sẽ cùng bà con nhân nuôi thu hoạch và đánh giá kết quả để tiếp tục nhân rộng mô hình cho bà con làm giàu.

Nơi nông dân biết "ép" sông nhả ngọc, thuần phục loài cá đặc sản thu chục tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Cận cảnh ngọc trai thu hoạch tại mô hình nuôi trai lấy ngọc trên lòng hồ thủy diện Sơn La của ông Lừ Văn Tuyên ở xã Chiềng Ơn.

Cần quy hoạch đồng bộ để phát triển du lịch

Dù Quỳnh Nhai đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế nhưng người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn băn khoăn vì một số mô hình chưa thực sự bền vững. 

Tâm sự với bà con, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chỉ rõ: Việc phát triển các mô hình chăn nuôi cá lồng, nuôi trai lấy ngọc trên lòng sông cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đa phần bà con mình vẫn chủ yếu xuất bán cá tươi, sản phẩm thô và  phụ thuộc nhiều vào thương lái, thị trường tự do nên hay bị thua thiệt".

 Trưởng đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu lãnh đạo địa phương cần sớm kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào hợp tác, liên kết với người dân để chăn nuôi cá theo chuỗi và đầu tư sâu vào chế biến nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm.

Nơi nông dân biết "ép" sông nhả ngọc, thuần phục loài cá đặc sản thu chục tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình nuôi cá đặc sản trong lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

"Các loại cá đặc sản nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La có chất lượng rất thơm, ngon nếu chỉ bán tươi thì chũng ta mãi thua thiệt. Chính vì thế nên bà con phải thay đổi tư duy đi sâu vào chế biến sâu mới bền vững dược", đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, huyện Quỳnh Nhai dự kiến là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Lòng hồ thủy điện ở Quỳnh Nhai có tiềm năng du lịch lớn; đến đây, du khách được tham quan hệ sinh thái bán sông nước độc đáo, trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc.

Lưu ý thêm với lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai, đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý địa phương phải sớm lập quy hoạch lại vùng chăn nuôi thủy sản, vùng dân cư tại một số xã trên địa bàn để có kế hoạch đầu tư phát triển du lịch đồng bộ và hiệu quả hơn.

Nhắc lại bài học kinh nghiệm từ đợt di dân lịch sử xây dựng thủy điện Sơn La, đồng chí Thào Xuân Sùng căn dặn cán bộ, lãnh đạo tỉnh Sơn La và huyện Quỳnh Nhai khi tiến hành di dân để phục vụ phát triển du lịch hay phát triển kinh tế cần làm tốt công tác quy hoạch các khu, điểm tái định cư đảm bảo 4 yếu tố: đủ đất ở; đủ đất sản xuất; có nguồn nước tự chảy; có đủ điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo được sự đồng thuận của cảc hộ dân tái định cư và nhân dân sở tại.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem