Sống cạnh dòng sông ô nhiễm, người dân lo sợ dịch sốt xuất huyết tấn công
Sống cạnh những "con sông chết", lo sợ dịch sốt xuất huyết tấn công
Ngọc Huyền
Thứ tư, ngày 27/09/2023 07:16 AM (GMT+7)
Số bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội đang tăng đột biến với hơn 2400 ca/tuần. Điều này cũng khiến nhiều người dân sống quanh khu vực sông Nhuệ, Lừ, Sét lo lắng vì lòng sông ô nhiễm, là môi trường tốt cho muỗi phát triển, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ổ dịch.
Những con sông Nhuệ, sông Lừ, sông Sét hay Tô Lịch từ lâu đã mang danh "con sông chết" giữa lòng thành phố. Không tôm cá, không dòng chảy, nước sông luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi nồng nặc bất kể điều kiện thời tiết.
Không dừng lại ở vấn đề ô nhiễm, những con sông này còn là nơi lý tưởng cho ruồi muỗi phát triển, khiến dân cư sinh sống trong khu vực lo lắng; hất là khi dịch sốt xuất huyết đang có những diễn biến nghiêm trọng hiện nay.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, khu vực sông Nhuệ thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm – nơi tập trung nhiều dân cư đông đúc đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự quá tải hạ tầng, ô nhiễm trầm trọng nguồn nước. Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ đã diễn ra nhiều năm nay.
Hai bên sông và các nhánh nhỏ đều vô cùng rậm rạp, là nơi thích hợp để ruồi muỗi sinh sống và phát triển. Xung quanh lại tập trung đông dân cư, khả năng hình thành ổ dịch cao.
Sống cạnh nhánh nhỏ sông Nhuệ, bà Lan luôn "thủ sẵn" những chai xịt muỗi trong nhà. Thấy người bệnh sốt xuất huyết ngày càng nhiều, bà lại càng thêm lo lắng.
"Ở khu này rất nhiều muỗi, nhất là ban đêm. Dù nhà tôi đã đậy hết bể nước, không dự trữ nước trong chậu, chum nhưng vẫn có nhiều muỗi bay vào nhà. Tôi đoán do nhà gần sông nên vậy. Sông này như ao tù, lại rậm rạp, bẩn thỉu mới thế", bà Trần Thị Lan (54 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh với gia đình bà Lan, những cư dân sống trong khu vực sông Lừ, sông Sét cũng không khỏi lo âu khi nước sông trong tình trạng ô nhiễm nặng. Nước sông đen, rác thải, bùn đất trôi nổi, không có sinh vật nào sống ngoài côn trùng, ruồi muỗi.
Di chuyển đến con đường dọc bờ sông Lừ, mùi hôi tanh bay thẳng lên mũi người đi đường. Không những thế, ven sông đều chất đầy rác thải. Khi phóng viên ghi nhận tại đây, một đường ống đang trực tiếp xả thải ra con sông này.
Hà Nội đang vào mùa mưa, các bãi rác tự phát trên các dòng "sông chết" đầy rác thải không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, lây truyền bệnh, nguy cơ thành dịch sốt xuất huyết…
Bà Lê Thị Hà (52 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cùng gia đình sống tại phường Phương Liệt luôn lo sợ khu vực sẽ trở thành ổ dịch sốt xuất huyết. Bà Hà bày tỏ: "Trời mưa ẩm ướt, dịch sốt xuất huyết lại đang bùng phát mạnh khiến tôi rất lo ngại. Vừa sống trong nhà thấp, vừa ở gần sông đầy rác thế này thì dễ mắc bệnh lắm".
Cùng chung suy nghĩ này, anh Nguyễn Hữu Hùng (32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Chỗ tôi ở cũng bắt đầu có vài người bị sốt xuất huyết. Tôi nghĩ những hộ gia đình sống cạnh sông Sét sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do môi trường thích hợp để muỗi vằn đẻ và phát triển".
Theo thống kê, số bệnh nhân sốt xuất huyết tại địa bàn thành phố Hà Nội tăng đột biến, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng. Trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 2.404 người mắc sốt xuất huyết và 95 ổ dịch, cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Tính từ đầu năm 2023, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 3 ca tử vong.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).
Cùng với đó, tuần qua Hà Nội ghi nhận thêm 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 14 ổ dịch, quận Hoàng Mai có 13 ổ dịch, Đống Đa có 11 ổ dịch…
Được biết, tại nhiều bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện ở thể nặng có xu hướng tăng. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đậy kín dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy.
Đặc biệt, các hộ gia đình sống trong khu vực sông Sét, Lừ, Nhuệ cần vệ sinh không gian sống thường xuyên, rửa dụng cụ chứa nước và lật úp các dụng cụ không chứa nước. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.