Ký ức Hà Nội: Những ranh giới cảm xúc khó quên khi dịch Covid-19 bùng phát

Vũ Thị Thảo Thứ hai, ngày 25/09/2023 08:09 AM (GMT+7)
Khi dịch Covid-19 ập đến, tôi nhận ra những điều tưởng như bình thường ngày hôm qua, hôm nay bỗng trở thành nỗi mong chờ. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn con đường vắng lặng, thèm nghe tiếng còi xe thúc giục, nhớ cả mùi xăng khét lẹt ...
Bình luận 0

Từ ngày 24/7/2021, Hà Nội thực hiện các đợt giãn cách xã hội. Trước đây, mỗi khi trở về nhà, tôi thường cảm thấy mệt mỏi trước cảnh xe cộ đông đúc và ùn tắc. Nhưng khi dịch Covid-19 ập đến, tôi nhận ra những điều tưởng như bình thường ngày hôm qua, hôm nay bỗng trở thành nỗi mong chờ. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn con đường vắng lặng, thèm nghe tiếng còi xe thúc giục, nhớ cả mùi xăng khét lẹt và khói bụi. Đối diện với dịch bệnh tôi càng thấm thía sâu sắc giá trị của sự yên bình.

Khi đó tôi và các đồng nghiệp trong trường chuyển sang dạy học trực tuyến thay cho việc lên giảng đường. Thời gian đầu tôi rất bối rối khi không được nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ và trong trẻo của sinh viên, không được tương tác trực tiếp với các em như trước. 

Thỉnh thoảng đang giảng bài, tôi giật mình dừng lại để hỏi xem các em có nghe thấy tiếng tôi không, các em còn ở đó không. Khi nghe thấy tiếng học trò của mình cười khúc khích, nhìn thấy những biểu tượng nhí nhảnh hay những dòng tin các em gửi trên màn hình tôi mới yên tâm giảng tiếp. Cô trò chúng tôi đã nỗ lực xóa bỏ khoảng cách bằng những kết nối đặc biệt, những phần hỏi đáp kiến thức gần gũi, những chia sẻ cởi mở và những lời động viên khích lệ đầy ấm áp.

Ký ức Hà Nội: Những ranh giới cảm xúc khó quên thời điểm dịch Covid-19 bùng phát - Ảnh 1.

Các chốt kiểm soát dịch Covid-19 lập ở Thủ đô.

Có những buổi sáng trời chưa rõ, tôi và người dân khu phố đều thức giấc bởi tiếng kẻng rất to, nhưng không một ai cảm thấy khó chịu. Mọi người vui vẻ đeo khẩu trang đi ra đầu ngõ, đứng cách nhau một khoảng an toàn rồi lần lượt từng người tiến đến cái bàn rất to. Trên bàn nào là rau muống, mùng tơi, su su, củ khoai lang, cà tím... Đây là rau của những người tốt bụng trong phố, mọi người tặng cho những gia đình không mua được rau ăn. 

Tôi lựa một mớ mồng tơi mang về, vừa nấu canh vừa nghĩ đến người biếu, thấy nghẹn ngào xúc động trước tấm lòng sẻ chia của người dân Hà Nội trong những tháng ngày không dễ dàng này. Những gia đình khó khăn ở phố tôi còn được chính quyền mang đến cho bánh đa, củ hành khô, túi thuốc, cân gạo. Mọi người gắn kết với nhau, thương nhau như những người thân mà đùm bọc nhau vượt qua khốn khó.

Tôi cực kỳ xúc động trước hình ảnh các bác ở tổ dân phố. Các bác tóc đã bạc, gương mặt hằn sâu dấu vết của thời gian, mỗi lần trái gió trở trời thường đau lưng nhức gối nhưng vẫn hăng hái lập các chốt ở đầu ngõ để kiểm soát "vùng xanh" và hỗ trợ cho những người làm công tác chống dịch. 

Có bác mải mê làm quên cả thời gian, đến khi mọi người giục giã mới pha vội gói mì tôm, vừa ăn vừa trêu chọc mấy anh dân quân tự vệ khi các anh ngoài ba mươi mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Tiếng cười nói rộn ràng của mọi người phá tan không khí nặng nề của những ngày con số thương vong tăng.

Có một đêm khi đang soạn giáo án, tôi nhận được tin nhắn của học trò, em hỏi tôi đã xem bộ phim "Ranh giới" trên ti vi chưa? Tôi tạm gác lại tài liệu đang đọc, mở máy xem chương trình em nói. Và trong màn đêm tĩnh mịch ấy, sợ con mình thức giấc, mím chặt môi cố không bật ra tiếng khóc, tôi run lên vì nức nở trước những nỗi đau có thật của những mảnh đời trong phim.

Ký ức Hà Nội: Những ranh giới cảm xúc khó quên thời điểm dịch Covid-19 bùng phát - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng phát nhu yếu phẩm cho người dân khi dịch Covd-19 bùng phát.

Bộ phim tài liệu tái hiện sự khốc liệt trong cuộc chiến giành giật bệnh nhân với tử thần của đội ngũ y bác sĩ, những nỗi buồn và tâm nguyện đau đáu của những người phụ nữ bị nhiễm Covid-19 khi đang mang thai. 

Lúc đó tôi đang mang thai em bé thứ hai, tôi càng hiểu rõ tấm lòng của một người mẹ với em bé mình đang mang trong bụng. Giữa lằn ranh sinh tử, những người mẹ ấy đều muốn ưu tiên những điều tốt đẹp nhất cho sinh linh bé nhỏ của mình. Lòng tôi thắt lại khi chứng kiến những "thiên thần áo trắng" rơi nước mắt, bất lực khi nhìn sự sống của bệnh nhân tuột khỏi tầm tay.

Nhưng, tôi và mọi người biết rằng mình không thể chìm mãi trong những đau buồn. Chúng tôi phải đứng dậy để biến nỗi đau thành sức mạnh nên vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh vừa học tập, lao động sản xuất. Trên hành trình đó tôi không cô đơn, người dân Hà Nội vẫn luôn bên tôi, cùng tôi vượt qua tất cả.

Dịch Covid-19 đi qua để lại nhiều đau thương và những cuộc chia li đẫm nước mắt, nhưng mỗi người dân đều đang nỗ lực hàn gắn vết thương để tiến về phía trước. Mỗi sớm mai thức dậy, tôi cảm thấy mình may mắn vì còn có cơm để ăn, áo để mặc, nhà để trở về và người thân ở bên. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang có và đối diện khó khăn với tâm thế của người đã từng đi qua bão giông.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem