Sống khổ trên quê mới

Thứ hai, ngày 09/01/2012 14:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến nơi ở mới tránh được những hiểm hoạ từ các con đập và hệ thống sông suối dày đặc, song nhiều hộ dân ở khu tái định cư thôn Nà Nhàn, xã Mường Lai, Lục Yên, Yên Bái đang sống trong cảnh thiếu điện, nước...
Bình luận 0

Điện, nước... vẫn là ước mơ

Có mặt tại thôn Nà Nhàn những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, bà con nơi đây đang hối hả hoàn thành việc xây dựng nhà ở. Ai cũng vui vì đến nơi ở mới tránh được những hiểm hoạ từ các con đập và hệ thống sông suối dày đặc.

img
Bà Hoàng Thị Thoa lo lắng việc con trai cưới vợ lấy đâu ra đất để ra ở riêng.

Song, bên cạnh niềm vui là nỗi lo vì họ đang phải sống trong cảnh không điện, không nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Điều than thở: "Gia đình tôi chuyển ra đây đã một năm, nhưng vẫn phải thắp đèn dầu; nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày phải đi rất xa để lấy".

Xã Mường Lai có 3 đập nước lớn, đó là: Roong Đeng, Từ Hiếu và Tặng An, được nhà nước đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2000 phục vụ sản xuất nông nghiệp cho xã Mường Lai và các xã lân cận.

Thực hiện chủ trương của tỉnh "Di dân khẩn cấp ra khỏi các vùng thiên tai, lũ quét", năm 2009 Mường Lai được tỉnh đầu tư, quy hoạch và xây dựng khu tái định cư tại thôn Nà Nhàn với diện tích trên 8ha.

Theo đó 149 hộ ở Mường Lai nằm trong diện phải di dời đã được bố trí đến khu tái định mới. Mỗi hộ được cấp 300m2 đất ở và hỗ trợ 10 triệu đồng di dời nhà cửa. Đến nay 60 hộ đã đến sinh sống trên khu tái định cư mới.

Theo thiết kế, khu tái định cư có đầy đủ các hạng mục công trình thiết yếu như điện, bể nước tập chung. Tuy nhiên đến nay, điện, nước vẫn chỉ là niềm mơ ước của các hộ.

Ngụ cư nơi phố núi

Theo ông Hoàng Sang - Chủ tịch UBND xã Mường Lai, 70% số hộ phải di dời đều nghèo. Ông Hoàng Văn Hiệp - một người dân nơi đây cho biết: "Gia đình tôi sinh sống tại thôn 13 đã trên chục năm, các công trình như bể nước, nhà vệ sinh, vườn tược, ao cá rất thuận tiện cho sinh hoạt. Ra khu tái định cư, được hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình tôi phải vay mượn trên chục triệu đồng mà nhà ở vẫn chưa làm xong, lấy đâu ra tiền để xây các công trình phụ".

img Ra khu tái định cư được hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình tôi phải vay mượn trên chục triệu đồng nữa mà nhà ở vẫn chưa làm xong, lấy đâu ra tiền để xây các công trình phụ. img

Là xã thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào ruộng nương và chăn nuôi, ra nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 300m2, chỉ đủ dựng nhà. Nhiều gia đình khi chuyển nhà sàn 4 gian đến nơi mới phải tháo dỡ một gian thì mới vừa với diện tích đất. Đất ít nên từ cây rau, củi đun... nhiều nhà phải đi mua. Còn trâu, bò, do không có nơi chăn thả nên nhiều nhà đành ngậm ngùi bán đi "đầu cơ nghiệp" của mình. Để có cái ăn, nhiều người hàng ngày phải đi hơn chục cây số quay lại nơi ở cũ để canh tác.

Ông Lý Văn Tám cho biết: "Nhà tôi có 2 sào ruộng thôi, vẫn biết đi lại rất xa nhưng không còn cách nào khác. Vác cày ra đến ruộng cũng đã mất nửa buổi. Cuối vụ thu được hạt thóc về bán đi chưa chắc đã đủ tiền mua xăng đổ vào xe máy. Do không có đất canh tác nên nhiều hôm cả nhà 6-7 người "ngồi chơi, xơi nước". Những ngày nông nhàn thanh niên chỉ biết ngủ. Nếu kéo dài tình trạng này nguy cơ dẫn đến nghèo rất lớn”.

Ông Hoàng Văn Sang - Chủ tịch UBND xã không giấu được lo lắng: "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền để được giúp đỡ, tuy nhiên đây là dự án do tỉnh trực tiếp đầu tư và quản lý nên chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp nào".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem