Sông mịt mùng sương (Phần 3)

Thứ năm, ngày 03/02/2011 09:13 AM (GMT+7)
Dân Việt) - Uống cạn chén rượu, đặt ly, ông Tưởng nhìn bạn hồi lâu. - Tôi tính vài ngày nữa ta phải xử thằng quan đồn, không để nó nhờn mãi được.
Bình luận 0
img
 

- Cũng là đến ngày đến tháng của nó rồi, để tôi dần cho nó một mẻ.

- Nghe thằng thông ngôn khuyếch khoác khoe chủ mà lộn cả ruột, nó bảo thằng này đã từng đạp sóng vượt bể Địa Trung Hải, không rõ thực hư thế nào, dễ Địa Trung Hải là bể nước mưa nhà tôi. Ông Ộp nghe thế thì cười khùng khục trong cổ họng, vừa cười ông vừa liếc mắt nhìn lên góc tường, nơi có treo một đống dây tơ gộc bện kỹ với những chùm lưỡi câu bắt cá lớn. Hết cười ông rót cho bạn một ly rượu mới, ông cũng một ly rượu mới, họ cùng nâng ly ngang mặt, mắt gờm gờm nhìn vào nhau như mắt hổ dữ, xong cạn một hơi, khà.

Như đã thầm hẹn nhau, đúng ba hôm sau ông Ộp ngồi lên con thuyền nan hai mái chèo từ cống sông lách theo con lạch đi sâu vào bãi soi. Dấu thuyền sau bụi rậm, ông bước lên bờ, tay xách theo chiếc bị cói, bên trong có một con ba ba, kèm theo là đầy đủ phụ gia dùng cho một nồi om tiêu chuẩn quốc tế - Là vì hôm nay chính là ngày họ tổ chức tiếp khách quốc tế.

Lúc này trong lều đã có đủ ba bố con nhà ông Tưởng, là ông Tưởng anh Tường và chị Chiêm.

- Ông đến rồi đấy à, chuẩn bị đủ cả chưa.

- Đủ rồi.

- Là tôi hỏi việc ngoài sông kia mà.

- Thì tôi cũng nói việc ngoài sông.

Ông Ộp quẳng cái bị cói xuống đất, hất hàm dặn Tường, hai đứa ở nhà lo nồi om cho tử tế, không ra gì là khốn với tao. Rồi ông quay sang thì thầm với bạn mình, đợi lát nữa hãy ra, sương đang xuống, với lại tôi lo chiều nay lất phất mưa, không biết thằng này có sợ lạnh không. Chắc chắn nó sẽ ra, tôi biết, lạnh với ông và tôi chứ nó là đứa đẻ trong tuyết, sợ gì lạnh.

Hai ông già nhanh chóng ra chỗ dấu thuyền. Thuyền nan lướt ra sông nhẹ nhàng như chiếc lá. Quả là ngoài sông hôm nay có mưa. Một chiều mưa một chiều sương. Chẳng mấy chốc họ đã vòng sang đầu phía Tây bãi soi. Bấy giờ thuyền nan ghé tạm vào một bờ sung rậm rì, xoà cành xuống mặt nước. Đấy là phép ém quân chờ thời, hoặc cũng có thể gọi là phép tàng hình phục kích.

Trên đồn yên tĩnh lạ thường, chắc là sau chiến dịch triệt tiêu các cổng làng tụi lính được phép nghỉ ngơi thù tạc, lúc này đang lăn ra ngủ. Đợi gì cũng dễ nóng ruột, nhưng không gì bồn chồn khổ sở bằng đợi một trận đánh đang đến gần. Ông Tưởng leo lên một cành cao nhìn đăm đăm cái dốc dưới chân bốt Tây, lẳng lặng nghe tim mình đập thình thịch. Không một bóng người. Hay hôm nay thằng này đi đâu, ông cảm thấy có phần lo lắng.

Thốt nhiên ông Ộp gọi khào khào, nó đến kia rồi. Nó từ đâu hiện ra thế nhỉ, ông cuống quýt tụt khỏi cành cao ghé tai người bạn già, liệu chắc không, nhầm là chết đấy. Ông Ôp nhanh tay xếp sợi dây câu lừ mắt không thèm trả lời. Chèo mau! Được lệnh, ông cắm cổ khoả rộng mái chèo. Vẫn không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì. Chỉ có bóng bạn đang đứng choãi chân kiềng ngay đầu mũi thuyền mà thôi.

Tạt phải, ra giữa dòng! Lại lệnh mới, thì giữa dòng. Nhanh như một nhát kiếm, nhoàng một cái, ông thấy bạn mình dồn sức tung bổng dây câu, toàn thân mềm mại uyển chuyển ngả theo hướng sợi tơ đổ và hình như ông ấy đang dỏng tai lắng nghe, đang tập trung tinh thần chờ đợi điều gì đó. Bất chợt, ông hiểu ra một bí mật kỳ lạ, ông Ộp biết nhìn bằng tai, đúng là ông ấy đã nhìn bằng tai.

Chơi với nhau từ tấm bé, đánh bạn với nhau một đời để đến hôm nay ông mới được nhìn thấy tận mắt bạn mình là một người đàn ông có dáng đứng cực kỳ lẫm liệt.

Ông Ộp mỉm cười thật thản nhiên, xong rồi đấy, về được rồi. Về à? Quay thuyền thôi, tôi vừa bắt sống ngài quan hai cho ông rồi. Nó đang lựa cách bơi theo ta, ông nên nhẹ tay chèo, từ từ kẻo thằng bé chết sặc.

Sợi dây tơ bện trong tay ông Ộp lúc căng lúc chùng, thỉnh thoảng ông có ý giật mạnh một cái như để nhắc con mồi chớ có quẫy phá. Lúc lúc ông lại cuộn sợi dây quanh khuỷu tay một vòng để đưa con mồi về gần thuyền. Chừng mười phút sau ông con trời đã lấp ló hiện ra trong sóng nước. Con mồi có vẻ thấm mệt và đau, dường như nó không còn đủ sức bơi theo thuyền nữa, đành phó mặc cho người đứng câu muốn kéo đi đâu thì kéo.

Chiếc thuyền con chui nhanh vào lạch, tìm về chỗ ẩn náu. Hai ông già cùng lội xuống bùn kéo chiến lợi phẩm lên bờ. Đồn trưởng núi Đụng mắt nhắm nghiền, miệng há ra thở dốc như miệng cá ngão. Dây câu quấn hàng chục vòng quanh người, những lưỡi móc có ngạnh cắm trên lưng trên gáy trên vai trên cổ nó. Đây là miếng đòn hiểm, đã có lúc ông Ộp nghĩ đời mình sẽ không bao giờ phải dùng đến. Chính ông cũng đã muốn quên đi, ông lạy trời đừng bắt mình có lúc phải mang ra thi thố. Chẳng qua cũng chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ mà thôi.

Ngài đồn trưởng nằm ngoan ngoãn để hai ông già gỡ câu, lau rửa cho mình. Hắn mệt không thể tả. Mấy chỗ bị rách thịt máu rỉ nhiều đã được dịt thuốc lào và băng qua loa. Ông Ộp ghé lưng cõng bổng hắn lên mang về đặt trong lều.

Góc lều, nồi om ba ba sôi sùng sục đẩy cái vung nhảy lập cập, trong khi hơi lửa bếp củi lại giúp cho viên quan hai Pháp cảm thấy đỡ run. Hắn run bởi hai nhẽ, trước hết là do bị dầm nước quá lâu, sau nữa là vì vừa bị một trận đòn. Giờ thì hắn đã tỉnh táo lên nhiều, sức trẻ đã giúp hắn nhanh chóng hồi phục. Đôi con mắt xanh mơ màng của hắn vừa quan sát xung quanh vừa đặt câu hỏi, sao ta lại bị bắt về đây, đây là đâu và họ sẽ xử mình theo kiểu gì.

Chiếc chiếu được trải giữa lều, ông già chỉ cho hắn ngồi vào một góc. Mâm bát bày la liệt, mọi người cùng ngồi quanh một nồi súp lớn bốc hơi thơm lừng. Lại vẫn ông già choàng lên thân hình hộ pháp của hắn một chiếc chăn chiên dày nhưng không ấm và rất nhặm. Hắn được nhận một chén rượu quê từ tay ông già khác ngồi bên, một ông già mặt mũi kỳ dị, dáng vóc kỳ dị, ông ta ngồi chẳng khác nào con ếch trong thần thoại. Hắn thầm gọi ông già cho chăn là ông già số một còn ông già cho hắn rượu là ông già số hai.

Riêng anh con trai và cô bé kia thì có ngu hắn cũng hiểu họ là một cặp vợ chồng đẹp đôi, và rất nhiều hạnh phúc. Hắn cảm ơn rối rít vì ông già số hai đã trao cho hắn một bát súp đầy, nóng hôi hổi. Món súp thịt rùa nấu theo cách nấu của người nhà quê. Một bữa tiệc với rượu quê và súp quê ngon đến không thể tưởng tượng nổi khiến hắn nhớ đời, nhất là lại được ăn vào một lúc đói cồn cào và vừa trải qua một phen hết hồn, sợ đến vãi đái.

Bữa tiệc rất ít lời, có một không khí biệt ly. Những người Việt này hắn chưa một lần tiếp xúc kể từ ngày đặt chân lên đất Đông Dương kỳ cục. Sau bữa ăn đôi vợ chồng trẻ lau rửa cát dọn nồi niêu bát đĩa. Hai ông già ngồi hút thuốc và uống nước trà. Hắn cũng được mời một tách trà, có vị rất chát. Rượu của họ ngon hơn trà, hắn thích rượu và hắn cũng thấy thích luôn cô bé nữa. Rồi ông già số một vỗ vai hắn ra hiệu đứng dậy.

Ông già số hai lấy sợi dây câu trói hai cổ tay hắn lại như trói một tội phạm bằng một nút buộc tuyệt vời, khó cựa mà ở Đoàn Hướng đạo sinh người ta chưa hề dạy hắn. Mảnh chăn chiên được ông ta dùng dây thắt khéo léo biến thành chiếc áo khoác không chê vào đâu được, hắn thấy tự tin vì được choàng trên mình chiếc áo hiệp sỹ.

>> Xem tiếp phần 4 tại đây

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem