Chúng nhanh chóng xây một cái đồn lớn trên núi ông Đụng sau làng, còn ở bên kia sông trên núi bà Đón là một đồn tiền tiêu với mươi tên lính ngụy gọi là lính bảo hoàng, đứa nào cũng đeo vòng bạc ở tay, có đứa đeo vòng bạc quanh cổ, các cụ già bảo họ là người vùng bể Hải Ninh. Giày đinh nện lộp cộp, mũ phớt vải, răng vàng, súng mút-cơ- tông, thuốc lá phì phèo, lũ con gái trong làng chợt thấy bóng là bỏ chạy tán loạn.
Một đêm mấy cậu du kích nhà ta nảy sáng kiến địch vận lấy vôi quết lên cổng làng một dòng kêu gọi: "Hỡi anh em binh lính lầm lạc, mau mau tìm đường quay về với tổ quốc"! Đám lính ngụy cũng có tay biết chữ, trong một lần vào làng mò gái đã quết mấy dòng thơ trả lời, "Tổ quốc tổ cò, vì cơm vì áo mà mò tới đây, hẹn ngày Tây lại về Tây, dù đấy chẳng gọi thì đây cũng về"!
Đồn trưởng đồn núi Đụng là một viên quan hai da trắng tuổi đời trẻ măng mà đã tỏ ra có nhiều mưu lược, biết chuyện ấy qua tên thông ngôn lập tức nảy ra quyết định, mở cuộc triệt phá cái cổng làng. Hắn leo lên tháp canh chót vót dùng ống nhòm nhìn tứ phía, đếm đủ chín làng chín cổng, lấy bút chì đỏ khoanh vào bản đồ quân sự, ổ mooc - chê được lệnh lên phương án tác chiến. Đạn cối bay vù vù trên đầu làm cả vùng phát hoảng, lần lượt chín cái cổng, cái to cái nhỏ, theo nhau hóa thành đống gạch vụn.
Các cụ già ứa nước mắt, đau xót quá, thế là từ nay làng ta mất cổng. Nước có cổng nước, làng có cổng làng, nó là chuyện thiêng liêng, cổng làng bị phá là một mối nhục lớn phải rửa, một khi đụng vào đó là không thể tha thứ, việc này ngẫm ra còn tệ hại hơn việc phá đình phá chùa. Có lẽ viên quan hai điển trai trên đồn ngày ấy khi cho lính thực hiện cái mệnh lệnh khốn khổ kia đã không lường hết được tầm nguy hiểm của vấn đề này. Biết thì hắn đã chả làm, chẳng qua cũng chỉ là dại dột, rước họa vào thân chứ nào có giỏi giang gì.
Những ngày lính trên đồn nã cối hạ các cổng làng là những ngày dân chúng trong vùng mất ăn mất ngủ. Một đêm về sáng, ông Tưởng nằm ở phản giữa bỗng bật lò xo, hai chân quờ tìm đôi guốc mộc, gọi người con trai đang ngáy o o trên võng.
- Anh Tường, ngáy to thế sống trong địch hậu có nằm hầm bí mật nó cũng nhóp lên như nhớp nhái. Thầy tính rồi, vài hôm nữa phải cho anh vượt vòng vây ra vùng tự do tìm vào chủ lực, nghe kể ngoài ấy có tiểu đoàn Bắc-Bắc oanh liệt lắm, làm thằng con trai có chết cũng phải chết giữa trận tiền. Liệu anh có nghe không đấy?
- Thầy cứ nói, con đang nghe.
- Ờ, ngủ mà tỉnh ngay là khá. Thầy có chút việc ngoài soi, ra nằm soi mấy ngày cho yên tĩnh, ở nhà lộn xộn váng cả đầu. Có mấy con lợn con gà anh trông nom, cửa rả đóng cho kín, lóng ngóng gì thì nhắn cái Chiêm sang, nó là đứa đảm, quán xuyến được.
- Súng nó bắn tứ tung, thầy ra ngoài đó con lo.
- Anh cứ lo lấy cái thân anh là tôi vui rồi, nó đánh kiểu gì tôi biết, nghe chừng đánh lối Đặng Ngải vào Thục đây, đánh vòng tròn vừa đi vừa cuốn chiếu.
- Bố toàn dẫn Tam quốc, thời nay quân Pháp nó đâu có chịu đánh đấm theo binh pháp thằng Tàu, trận mạc giờ khác rồi.
- Na ná cả, có khác là khác ở binh khí chứ đã vào chiến trận thì người sống kẻ chết quanh quẩn vẫn một chuyện đau lòng. Anh xem đấy, có giỏi bằng giời cũng vẫn phải tính đến thiên thời địa lợi, mấy hôm nay có mấy cái cổng làng muốn đánh cũng phải đánh vào các buổi trưa. Mây mù mùa này mờ mịt khắp sông khắp đồng, bố nó cũng không nhìn thấy gì mà bắn.
- Mỗi trưa quật đúng ba cổng, hai trưa sáu cổng, còn ba cổng trưa mai làm nốt. Bắt đầu là cổng làng ta, kết thúc ở cổng làng Chành, rồi bố xem.
- Anh còn trẻ mà tính chuyện như Khổng Minh, sáng dạ lại có óc quan sát, vào bộ đội dễ thăng tiến. Ở đời khờ khạo quá, có thương cũng chả biết dùng vào việc gì, bất tài minh chủ khí, đa bệnh cố nhân sơ.
- Con chỉ mong kháng chiến xong là trả súng cởi áo về làng hú hí vợ con, gặp hôm bạn bè tới nhà thì bảo vợ chạy ra ngoài cống sông nhờ cụ Bộ ộp kiếm cho con ba ba to mang về om chuối đậu, thêm miếng ba chỉ, con gà tơ nêm cả vào một nồi, thế là khoái nhất. Nhà cửa vài ba hôm không có tiếng dao tiếng thớt lấy một lần là không ra sao thầy nhỉ.
- Đợi đến cái ngày ấy sẽ hay. Trời cũng sắp sáng, anh ngủ tiếp đi.
Người con trai lộc ngộc lại quăng mình xuống võng. Người cha ra bàn thờ thắp mấy nén hương lầm rầm khấn khứa gì không ai hay. Bảnh mắt thức dậy thấy ông cụ đã đi khỏi nhà, mùi hương ngào ngạt, mấy nén hương sắp tàn. Hình như có chuyện gì quan hệ lắm nhưng ông cụ muốn giấu.
Soi là vùng đất nổi ngoài sông, một bán đảo hình con ba ba có cái cổ là cống sông. Một con đường mòn dẫn ra soi cũng bắt đầu từ đó. Sớm ấy ông Tưởng ôm tay nải áo quần bước vào lều ông Bộ ộp, lấy chai rượu trắng trong tay nải ra cùng uống suông. Vừa khề khà nhấp từng ngụm nhỏ, cả hai im lặng nhìn ra ngoài. Một dải đất cao ráo từ bờ sông thoải dần ra ba mặt nước, thấp thoáng trong sương mờ là bóng những lùm cây lớn, sấu có trám có, xoan có, xa hơn nữa là đồng đậu đồng ngô.
Nó thuộc đất làng, từ đời ông đời cha đã chia nhau mỗi nhà một khoảnh. Khoảnh thuộc sở hữu nhà mình ông Tưởng lớn lên cho làm tạm một túp lều mùa gặt hàng năm mang rơm ra lợp lại mái. Ông có ý quyến luyến với chỗ này ngay từ lúc còn nhỏ. Ngày mẹ thằng Tường qua đời ông đã đặt bà nằm ngoài đó, để trong đồng ngỡ gần mà hoá xa xôi. Người làng lấy làm lạ, ai đời có nhà giữa làng không ở lại thích ra soi nằm với mả, chỗ đồng không mông quạnh, đúng là thất thường chả giống ai. Trong làng còn có một người nữa cũng thế, tính khí thất thường chả giống ai, đấy là ông Bộ ộp.
Thiên hạ thiếu gì người mang quý tướng, ông này tướng long bàn, ông nọ là hổ phục, riêng ông quanh năm ngồi thu lu trên cống sông, ai cũng thấy giống con ếch ộp chờ cua. Vậy ông có tướng con ếch ộp đợi mồi, gọi ông là ông Bộ ộp. Lũ trẻ thích ông Bộ ộp nhất làng dù ông rất kiệm lời, thiên hạ đến làng có khi tưởng ông câm. Thực ra ông là một người hiền, quá hiền, từ bé đã nổi tiếng có tài bắt cá, thêm vài tuổi nữa lại có tài bắt ba ba, ba ba khắp sông này đều là của ông, có người thấy vậy nể quá kêu tướng lên, hay ông là ông thần, không khéo rồi có lúc làng phải góp của ra mà dựng đền thờ ông.
Ba ba là giống ưa chỗ nước sâu và sạch, quanh vùng này sạch nhất sâu nhất là cửa cống, bởi thế ông phải bỏ ra cống sông mà ở, nó là chuyện thường tình. Túp lều sơ sài mà quanh năm đông khách, người chín làng đều tìm đến.
- Cụ Ộp vẫn khoẻ đều đấy nhỉ.
- Ờ...
- Nhà cháu hôm nay có khách thèm ba ba, xin cụ dành cho một con. Gật đầu, hất hàm chỉ vào mấy miếng mo cau khô ra ý hỏi muốn có con bằng ngần nào. Khách chỉ vào một mảnh, cụ cho con bằng này là vừa. Lại gật đầu, rít xong điếu thuốc lào lững thững bước xuống cửa cống, mình trần chân tay ngắn mà cuồn cuộn gân cốt, cắm đầu ào xuống nước lặn một hơi rõ dài, dài đến phát sợ mà vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, có người chợt nghĩ không khéo ông cụ mắc phải cái gì ở đáy vực không lên nữa.
Thình lình một cái đầu xoà tóc ngoi lên, hai cánh tay nâng cao một con ba ba. Nước chảy ròng ròng trên lối đi, ông cụ đặt con ba ba nằm vừa vặn vào mảnh mo cau đã được khách chọn. Khách xa đến không rõ tính nết, loanh quanh mặc cả giá, chẳng nói chẳng rằng ông cụ ném luôn con ba ba xuống nước. Hất đầu một tiếng, bước! Lúc ấy thì không còn cách nào nài nỉ được nữa. Ông là ông Bộ ộp cơ mà. Chả ai giống ai ở đời, không dễ gì đã có một ông già tài tình như Bộ ộp.
Hà Nội, mùa đông 2010.
Truyện ngắn của Nhà văn Đỗ Chu
>> Xem tiếp phần 3 tại đây
Vui lòng nhập nội dung bình luận.