Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị về đầu tư ở Riyadh ngày 23.10
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (thường gọi tắt là MBS) ngày 24.10 xuất hiện đầy tự tin tại hội nghị đầu tư ở Riyadh, nói đùa về tin đồn bắt cóc thủ tướng Lebanon hồi năm ngoái và lên án vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi. Thông điệp ông muốn truyền đi nhất là: Tôi vẫn ở đây.
Nhưng ở hậu trường, các thành viên của gia đình cầm quyền Ả Rập Saudi và các chính phủ nước ngoài đang âm thầm tranh luận về tương lai của Thái tử - đặc biệt là liệu ông có nên tiếp tục là người nắm quyền lực lớn nhất hay không, khi Ả Rập Saudi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nhất kể từ vụ khủng bố 11.9.
Ba tuần sau khi Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí của Thái tử MBS là người cai trị thực tế của vương quốc có vẻ vẫn vững vàng. Dù ngày càng có nhiều rò rỉ về việc những người thân cận với MBS liên quan đến vụ giết người và Riyadh phải chịu nhiều áp lực, những điều đó không khiến Vua Salman hoặc Tổng thống Trump quay lưng lại với ông.
Tuy nhiên, lập luận rằng cần phải cắt giảm ảnh hưởng của MBS đang có thêm sức nặng. Đã nắm quyền gần một thế kỷ, dòng tộc Al-Saud biết rằng họ phải làm nhiều hơn là chỉ bán dầu và thể hiện mình là đồng minh của phương Tây, theo Huffington Post.
Sự lão làng trong chính trường đồng nghĩa với việc hoàng tộc Ả Rập Saudi hiểu rằng các đồng minh đang ngày càng thất vọng về các chính sách của MBS. Họ thấy những bài báo chỉ trích chiến dịch quân sự do Arab Saudi dẫn đầu ở Yemen, các vụ bắt bớ trong nước làm nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Họ cũng nhìn thấy những căng thẳng của Ả Rập Saudi với Qatar, Canada và Đức.
Nhiều người mong Ả Rập Saudi sẽ tự điều chỉnh. "Rất nhiều người trên thế giới muốn Vua Salman giải quyết vấn đề thật nghiêm túc. Họ hy vọng ông sẽ trừng phạt tất cả những người liên quan, bất kể danh tính", Khalil Jahshan thuộc Trung tâm Ả Rập, nói.
Các đồng minh phương Tây tiếp tục đặt câu hỏi về lời giải thích của Ả Rập Saudi cho vụ giết người. Ban đầu Ả Rập Saudi mô tả nó như một vụ ngộ sát vì "tranh luận biến thành ẩu đả" nhưng sau đó thừa nhận đây là vụ giết người được toan tính từ trước.
Tại Mỹ, nhiều quan chức vẫn giữ mối quan hệ gần gũi một số thành viên hoàng gia đã bị mất quyền lực vì Thái tử MBS như cựu bộ trưởng nội vụ Muhammed bin Nayef (thường gọi tắt là MBN). MBN là cháu của Vua Salman, vốn được chỉ định làm thái tử vào năm 2015 nhưng bị phế truất vào tháng 6.2017 để MBS - con của vua Salman - thay thế.
"MBN vẫn là người Ả Rập được yêu mến tại Washington, ngoại trừ tại Nhà Trắng", Gregory Gause, giáo sư tại Đại học Texas A&M nói. Thái tử MBS đã xây dựng mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Trump và con rể của ông, Jared Kushner.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục duy trì áp lực với Thái tử MBS. Ankara coi bước tiến quyền lực nhanh chóng của ông là "thảm họa", Yusuf Selman Inanc, nhà báo từng làm việc cho tờ Daily Sabah thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Erdogan đã trực tiếp đề cập đến Vua Salman trong bài phát biểu hôm 23.10, thúc giục ông tìm câu trả lời về vụ giết Khashoggi trong khi ngầm ám chỉ vụ này có liên quan đến MBS. Ankara đã cho giám đốc CIA Gina Haspel nghe đoạn ghi âm về vụ giết người.
Ả Rập Saudi tung ra một số biện pháp để giữ thể diện và bảo vệ vị thế của MBS, như việc Quốc vương bổ nhiệm ông đứng đầu ủy ban tái cơ cấu tình báo hay việc nhà ngoại giao Turki Al Faisal nói với Washington Post rằng hoàng gia và công chúng luôn ủng hộ MBS.
Tuy nhiên, Riyadh hiểu rằng quốc tế kỳ vọng về những sự thay đổi. Gause gợi ý rằng Quốc vương có thể bổ nhiệm một thành viên hoàng gia giàu kinh nghiệm vào một vị trí quan trọng như một hình thức cân bằng, để cho quốc tế thấy rằng con trai ông không nắm quyền lực tuyệt đối.
Họ cũng có thể có một số điều chỉnh về chính sách đối ngoại khi các chính sách của MBS đang vấp phải nhiều sự phản đối, như hoạt động quân sự ở Yemen gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
"Sẽ có người Mỹ nói với người Saudi rằng các anh phải có những biện pháp kiềm chế Thái tử. Và cách công khai nhất có thể làm là bổ nhiệm một thành viên vai vế trong hoàng gia làm ngoại trưởng", Gause nhận định. Ông cho rằng ứng viên sáng giá là Hoàng tử Khalid Al Faisal (con của cố vương Faisal trị vì năm 1964-1975), người đã được Quốc vương chọn làm phái viên đến Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ ám sát.
Các nhà quan sát cho rằng mặc dù hậu quả chính xác từ bê bối Khashoggi vẫn chưa rõ ràng đối với Thái tử và chính quyền Ả Rập Saudi, sự phẫn nộ của quốc tế, các yếu tố địa chính trị và những lời giải thích bất nhất của Riyadh đồng nghĩa với việc vụ này còn lâu mới có thể lắng xuống.
"Chúng tôi cần nhiều thông tin đáng tin về những điều đã thực sự xảy ra", một nhà ngoại giao phương Tây nói. "Vì vậy, chúng tôi đang chờ đợi xem Arab Saudi có thể đưa ra những thông tin gì".
Phương Vũ (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.