Hết cách rồi
Có mặt tại “điểm đen” sạt lở ở xã Yến Mao, qua quan sát các hầm, hố hàm ếch nằm tại chân Tỉnh lộ 317, chúng tôi phải giật mình vì các điểm trượt lở xảy ra với tốc độ rất nhanh. Nhà ở sát mép đường nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, ông Nguyễn Văn Quy (khu 4, xã Yên Mao) nói: “Cây cối rậm rạp che khuất thế thôi, thực tế bên dưới đã bị sóng sông Đà đánh vào chân đường, hình thành hàm ếch, sớm muộn gì cũng mất đường, mất nhà cửa”.
Ông Nguyễn Văn Quy ở khu 4, xã Yên Mao, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, chỉ điểm sạt lở nghiêm trọng trên Tỉnh lộ 317. Ảnh: Trần Quang
Để minh chứng, ông Quy dẫn chúng tôi lên đoạn đường gần nơi sạt lở mạnh, rồi chờ các xe tải đi qua để thấy độ rung lắc mạnh của mặt đường. “Các anh không tin cứ chờ các xe tải lớn, nhỏ đi qua là biết ngay, đường 317 giờ mỏng manh lắm, nó mà lở thì sập, không chỉ gây tai nạn mà sẽ làm ngừng trệ giao thông huyết mạch của 2 tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình” – ông Quy cảnh báo.
Cùng khu với hộ ông Quy, hộ anh Phùng Hữu Thực cũng có nhà ở ngoài khu vực đê đang bị sạt lở ở mức báo động nguy hiểm nhất khu 4. Bằng chứng là trong 2 năm qua, sau mỗi trận mưa bão, gia đình anh lần lượt chứng kiến dòng sông Đà hung dữ cuốn đi các công trình phụ gồm nhà bếp, vệ sinh, và cây cối, hoa màu”. Hiện nước sông Đà đã ăn sát vào móng nhà ở và tạo nên vết nứt to, khiến vợ chồng anh Thực và đứa con nhỏ sống trong nỗi sợ hãi mỗi khi mưa lũ về. Bế đứa con nhỏ trên tay, anh Thực nói: “Biết nhà cửa sắp mất, hơn 1 năm trở lại đây tôi đã nghỉ làm phụ hồ trên huyện để ở nhà chặt tre, gỗ đóng phía ngoài bờ móng mong ứu được nhà, nhưng giờ cũng bị sóng đánh tan, gãy cả rồi chả còn gì nữa”.
Ông Đinh Thanh Hùng – Chủ tịch UBND xã Yên Mao nói: “Chúng tôi hết cách rồi, đê và đường cũng sắp sập đến nơi, cả tuyến đường huyết mạch giao thông trọng yếu thông thương giữa Hòa Bình và Phú Thọ sắp ngừng trệ, không những thế tính mạng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân rồi mai đây cũng bị sông Đà cuốn đi hết thôi, chả còn gì nữa đâu”.
Cũng theo ông Hùng, hệ thống đường đê của xã có 1,5/4km đã bị sạt trượt, lở mạnh đe dọa nghiêm trọng chân đê, nơi sạt lở nguy hiểm nhất cách mặt đường giao thông khoảng 1,5 - 2m thuộc địa phận khu 3 và khu 4. Tình trạng này, không chỉ đe dọa trực tiếp tới tuyến Tỉnh lộ 317, mà còn uy hiếp nhà cửa, tài sản và tính mạng của trên 300 hộ dân, trong đó có hơn 20 hộ ở mức báo động 1, cực kỳ nguy hiểm.
Vẫn thiếu vốn thi công
Quan điểm
Năm 2015, tổng số nguồn vốn đầu tư để sửa chữa, gia cố các điểm sạt lở chỉ trên dưới 4 tỷ đồng, nên việc phân bổ chỉ dành cho những điểm “đen” sạt lở nghiêm trọng nhất trong tỉnh, còn lại các điểm khác chỉ sửa chữa tạm.
Từ nhiều ngày qua, phóng viên NTNN ghi nhận dọc khu vực sông Đà thuộc địa phận huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), ngoài điểm sạt lở nghiêm trọng ở xã Yến Mao, tại nhiều xã cũng xảy hiện tượng sạt lở như đoạn qua xã Tu Vũ, Đồng Luận, Xuân Lộc… Trong đó, đáng chú ý là điểm sạt lở tại khu 9 (xã Đồng Luận) đang ở mức báo động 1, đe dọa hơn 10 hộ dân.
Ông Nguyễn Hùng Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Sở NNPTNT Phú Thọ) cho biết, tình trạng sạt lở nghiêm trọng Tỉnh lộ 317 tại địa phận xã Yên Mao, Sở đã nắm được và đã triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện kè, gia cố đoạn sạt lở trên. “Do nguồn vốn hạn hẹp, chỉ khoảng 500 triệu đồng, nên trong thời gian tới chúng tôi chỉ tiến hành xây kè được chiều dài khoảng 30m tại khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất thuộc khu 4 (xã Yên Mao), những khu vực sạt lở còn lại phải chờ vốn mới có thể thi công tiếp được” – ông Sơn khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.