Sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng hơn, nhiều điểm lòng sông đang bị thu hẹp
Sông Nhuệ ngày càng ô nhiễm, nhiều điểm lòng sông đang bị thu hẹp
PV
Thứ ba, ngày 11/07/2023 09:39 AM (GMT+7)
Đã có nhiều phương án cải tạo nhưng đến nay nước sông Nhuệ vẫn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Không những vậy, lòng sông Nhuệ ở nhiều điểm còn bị thu hẹp do bị lấn chiếm.
Sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng hơn, nhiều điểm lòng sông đang bị thu hẹp
Dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn quận Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai (Hà Nội) nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng. Không chỉ vậy, hai bên bờ sông Nhuệ nhiều điểm ngập tràn rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng khiến lòng sông bị thu hẹp.
Tại vị trí cầu Mậu Lương (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) hai bên bờ sông Nhuệ rác thải tập kết nhiều như một bãi rác. Bất chấp biển báo "khu vực điện cao áp-cấm đổ rác" nhiều người vẫn vô tư vứt rác.
Trên bờ đã vậy, dưới dòng sông Nhuệ rác thải cũng nổi lềnh phềnh. Nhiều hộ gia đình sống cạnh dòng sông không chịu nổi cảnh ô nhiễm đã chủ động vớt rác từ dòng sông lên bờ.
Tuy nhiên, không có biện pháp xử lý, rác tích lũy nhiều ngày tạo ra những đống rác lớn trước cửa nhà. Ông Lê Vạn Thế ở phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), không còn lạ gì cảnh bị rác thải bủa vây.
"Ngày trước tôi thấy mùi hôi thối rất nhiều và thường xảy ra vào mùa hanh khô. Người dân ở đây thì đã có ý thức hơn trong việc vứt bỏ rác thải, thông thường họ gom lại rồi đốt. Có những hôm dòng sông lặng sóng, không thấy có rác trôi nổi, tuy nhiên, chỉ cần một trận mưa lớn đổ xuống thì hôm sau rác lại nổi lềnh phềnh, rác đu bám vào những cành cây, mắc kẹt ở những bụi rau muống", ông Thế nói.
Bà Tống Thị Liên, thôn Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cho biết, mùi hôi thối từ sông bốc lên luôn ở một ngưỡng nhất định. Nắng nóng dài ngày mùi hôi càng nồng nặc, mưa lớn nhiều ngày thì mùi hôi giảm đi nhưng rác thải lại từ đầu ùn ùn kéo về theo dòng nước.
"Rác thải ở đây không được thu gom thường xuyên, có khi 3 hôm, có khi 5 hôm họ mới thu gom một lần. Có lần bãi rác thải Nam Sơn bị người dân địa phương ngăn chặn không cho xe rác vào đổ dẫn đến ùn ứ, rác sinh hoạt của bà con không được thu gom. Nhiều người tiện tay quẳng ngay xuống sông", bà Liên thẳng thắn chia sẻ.
Nghiêm trọng hơn, dọc hai bờ sông Nhuệ không thiếu cảnh lấn chiếm của người dân. Nhiều công trình phụ được xây dựng theo kiểu đóng cọc bê tông sát mép sông. Nhiều điểm dòng sông bị thu hẹp bởi đất đá, phế thải xây dựng.
Từ lâu, chỉ số nước sông Nhuệ được đánh giá là không thể dùng với mục đích sinh hoạt, tưới tiêu. Tuy nhiên, các khu đô thị, khu dân cư dọc sông Nhuệ không khó để nhận thấy người dân đang tận dụng từng kẽ đất để trồng rau.
Với thực trạng nguồn nước sông Nhuệ hiện nay, không thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi người dân sử dụng nguồn nước ô nhiễm cho việc tưới tiêu, chăm bón.
Sông Nhuệ chảy qua Hà Nội hiện rất ô nhiễm, do tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý của các khu đô thị, khu dân cư và nước thải từ làng nghề, đặc biệt là nước thải hóa chất từ làng lụa.
Ông Lưu Hồng Chuyên, Trưởng thôn Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cho biết: "Ngày xưa, dòng nước sông này rất là sạch, bà con nhân dân thường xuyên sử dụng trong sinh hoạt. Nguồn nước bây giờ quá ô nhiễm, lúc nào cũng trong cảnh đen ngòm, bốc mùi xú uế, đến dùng tưới cây cũng không đảm bảo huống chi là con người sử dụng".
Ông Chuyên còn cho biết thêm nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt tại thôn Khúc Thủy hiện nay đang bị ô nhiễm. Nhà nào đào giếng khoan cũng phải xây bể lọc, rồi mua máy lọc để lấy nước sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
"Chúng tôi thấy sông Nhuệ ngày một ô nhiễm nghiêm trọng hơn, đặc biệt dòng chảy nhiều điểm bị thu hẹp lại do người dân hai bên lấn chiếm. Mùa mưa bão sắp tới chắc chắn dòng chảy sẽ bị ảnh hưởng. Tôi mong muốn bản thân những người dân đang sinh sống dọc bờ sông phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống. Mong rằng trong thời gian tới dòng sông Nhuệ sẽ được cải tạo, hồi sinh", ông Chuyên mong muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.