LTS:Nếu đầu tháng 6 khi dịch vừa bùng phát, người Sài Gòn truyền nhau câu thơ: "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, y tế phường không đến để căng dây…" thì nay bà con sống trong vùng cách ly lại nói: "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, trước cửa nhà đã có bịch rau xanh…". Những câu thơ nhại lại câu "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương" của tác giả Kahlil Gibran (1883-1931) đã phần nào mô tả được một góc cuộc sống xáo trộn và nhiều cảm xúc của người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly vì dịch Covid - 19 những ngày này...
TP.HCM là địa phương hiện có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất nước, đặc biệt là Khu công nghệ cao (CNC) TP.Thủ Đức.
Khởi đầu từ 1 ca lây nhiễm của Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (hiện đã dừng hoạt động), các F0 sau đó liên tiếp được phát hiện khiến nhiều công ty trong Khu CNC phải ngừng hoạt động. Để phòng chống dịch Covid- 19, buộc lòng lãnh đạo TP.HCM phải thực hiện lệnh phong tỏa - cách ly y tế những điểm nóng xung quanh Khu CNC…
Vợ chồng cách ly nhau
Được biết, nhằm chia sẻ khó khăn với bà con trong vùng cách ly, anh chị em công nhân ở trong khu nhà trọ, UBND phường Trường Thạnh thời gian qua đã tích cực vận động các nhà hảo tâm. Quà ủng hộ được tập kết tại Trường Mầm non Trường Thạnh sau đó được phân phối từng phần gửi đến bà con sống trong vùng cách ly.
Hàng loạt các phường xung quanh Khu CNC sau đó bị phong tỏa - cách ly y tế như phường Long Thạnh Mỹ - Trường Thạnh - Tăng Nhơn Phú B - Tăng Nhơn Phú A - Long Trường - Tân Phú… bởi đa số anh chị em công nhân làm việc trong Khu CNC đều ở trọ trong những phường này.
Có những gia đình bị cách ly cả tháng trời vì liên tiếp bị các ca F0 hoặc F1 dồn dập, vừa hết thời hạn cách ly cũ lại vướng lệnh mới bởi xung quanh có nhiều F…
Nhà tôi ở phường Trường Thạnh và hầu hết bạn bè anh em tôi đều làm việc, sống ở các phường trên nên cũng bị nằm trong vùng cách ly.
Bạn tôi, anh Trần Cường nhà ở gần chợ Long Trường (phường Long Trường, TP.Thủ Đức) cho biết, anh và gia đình là một trong những trường hợp đầu tiên bị cách ly nên anh đã thấu hiểu nỗi khổ của cuộc người dân sống trong vùng này. "Những ngày qua tôi và nhóm bạn thân thiết tích cực vận động nhiều nguồn mua thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho anh chị em công nhân đang kẹt trong những khu nhà trọ"- anh Cường nói.
Trước đó, một ngày đầu tháng 6 vừa qua, sáng sớm anh Cường đi làm, trưa về nhà đã không vào được vì dây giăng khắp lối. Bởi sau khi anh Cường ra khỏi nhà, các cơ quan chức năng phát hiện một ca F0 gần nhà anh nên phải thực hiện gấp lệnh cách ly.
Đứng ngoài hàng rào phong tỏa, nhìn vợ con và người thân ở trong vùng hạn chế, anh Cường rơi lệ. Đưa tay lau nước mắt và vẫy tay chào người thân xong, anh Cường ra một căn chòi nhỏ ở vườn người bạn trong phường sống tạm và hàng ngày tiếp tế lương thực cho gia đình. Thế nhưng, nghịch cảnh éo le của anh Cường lại phương án tốt cho gia đình và những hộ bị cách ly gần nhà anh trong việc mua và tiếp tế lương thực hàng ngày. Bà con trong khu cách ly cần gì nhắn tin, anh Cường sẽ đi chợ giúp giùm.
Gần 20 ngày "sống bờ, ngủ bụi", hiện nay, anh Cường đã vào nhà nhưng gia đình anh vẫn sống trong vùng cách ly theo Chỉ thị 16 và quyết định mới nhất của TP.Thủ Đức.
Sống nhờ cơm từ thiện
Nơi tôi đang sống ở phường Trường Thạnh có rất nhiều khu nhà trọ cho anh em công nhân làm việc trong Khu CNC đang lưu trú. Qua xét nghiệm cộng đồng, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp F0 là anh chị em công nhân nên nhiều khu nhà trọ bị phong tỏa. Tuy nhiên, vẫn còn một số anh chị em công nhân ở các khu khác không bị gì nhưng bị thất nghiệp phải ở nhà sống chật chội trong những khu nhà trọ cũ kỹ.
Anh Nguyễn Văn Th - công nhân bị thất nghiệp ở trong một khu nhà trọ trong phường Trường Thạnh (thời điểm này khu anh Th ở trọ chưa bị phong tỏa và chưa áp dụng Chỉ thị 16) cho biết, mấy ngày qua, anh và nhóm bạn cùng phòng trọ phân công nhau đi lãnh cơm từ thiện về chia nhau ăn sống tạm chờ hết dịch để được đi làm. Lãnh được cơm, nhóm anh Th. ưu tiên mang đến chia cho các anh em đồng nghiệp khác trong các khu nhà trọ bị cách ly.
"Còn ít tiền, nhưng em không dám xài vì để dành đổ xăng cho xe gắn máy đi lãnh cơm từ thiện, trả tiền trọ sắp tới. Có mấy lần, người phát cơm từ thiện thấy em xin nhiều và thấy em đi xe máy, mặc quần áo đàng hoàng nên hỏi và em kể thật lòng hoàn cảnh của mình là xin cho những bạn khác ở nhà trọ. Nghe xong, những anh chị ấy bảo chờ tí, rồi vào lấy thêm cơm, một số đồ ăn khô như ruốc và mì gói cho thêm vào bịch để tụi em mang về. Là người ở miền Trung vào đây mưu sinh lập nghiệp gần 4 năm qua, chưa năm nào nhóm em rơi vào cảnh này và đặc biệt là tình nghĩa của người Sài Gòn đối đãi như bát nước đầy với dân công nhân như tụi em anh ạ…" - anh Th xúc động nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.