Sự bất tử của văn hoá Việt

Thứ ba, ngày 08/06/2010 15:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chương trình nghệ thuật “Hơi thở của nước”- một trong những điểm nhấn tại Festival Huế 2010 đã để lại ấn tượng sâu đậm sau đêm diễn đầu tiên vào tối 6-6.
Bình luận 0
img
Chương trình “Hơi thở của nước” đã kết tinh nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Nhịp sống bất tử

Chương trình “Hơi thở của nước” (kịch bản của nhà văn Trần Ngọc Linh và nhà báo Nguyễn Quang Hưng – báo NTNN) được dàn dựng dựa trên cốt truyện chính là chuyện tình của nàng cung nữ xinh đẹp xứ Kinh Bắc được tuyển vào cung. Trên thuyền tới Kinh thành, với tâm trạng cô đơn, nàng cung nữ bồi hồi nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp bên người mình yêu dấu. Mặt hồ Tịnh Tâm trở thành chiếc gương soi ký ức của cô gái...

Chuyện tình, tâm trạng và vẻ đẹp của nàng cung nữ được thể hiện qua 3 phần trong chương trình: Chuyện hồ nước, những miền ký ức và đoàn viên. Trong ánh sáng tối mờ, khói sương bảng lảng, nàng cung nữ hiện ra từ nước rồi múa trên sân khấu theo con thuyền và từng câu hát. Không gian lãng mạn, trữ tình xuyên suốt chương trình là phông nền tuyệt diệu để nàng cung nữ đi tìm lại mình rồi trở về với vị trí của cô thôn nữ...

Bằng hình thức sân khấu hóa diễn xướng nghệ thuật truyền thống, hồi ức của người cung nữ được đặc tả bằng các hoạt cảnh, thời trang, âm thanh, nghệ thuật từ dân gian đến cung đình. Tất cả đã tạo nên một không gian tràn ngập yêu đương, hội hè đậm chất truyền thống.

Đúng như lời giới thiệu về chương trình độc đáo này, “Hơi thở của nước” là nhịp sống bất tử. Nước thở trong bầu trời, trong từng hạt mưa, trên cánh đồng, ao hồ, là kết tinh nghệ thuật văn hóa truyền thống”. Hàng nghìn khán giả đến với đêm diễn hẳn đều có chung nhận xét: Chương trình rất giàu tính sáng tạo...

Tôn vinh di sản

Trong khuôn khổ Festival Huế 2010, lúc 20 giờ ngày 7-6, chương trình tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh thời Chúa Nguyễn” đã diễn ra trước đình làng Kim Long thu hút đông đảo công chúng. Đây là lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa và giàu tính sáng tạo, phô diễn sức mạnh quân sự, kỹ thuật, kỹ năng của thủy binh thời các Chúa Nguyễn. Lúc 21 giờ cùng ngày, chương trình “Đêm phương đông” cũng đã diễn tại sân khấu trước Điện Thái Hòa thuộc Đại nội Huế.

Theo ông Trần Ngọc Linh- Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Truyền thông Vẻ đẹp Việt, ngoài việc nhằm tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, chuyện tình của nàng cung nữ Kinh Bắc còn là thủ pháp nghệ thuật, là cái cớ để tôn vinh di sản văn hóa và các nghệ thuật truyền thống khác. Đó là di sản nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, dân ca quan họ, chèo, ngâm thơ...

Qua hồi ức của nước, của người, di sản âm nhạc truyền thống được phô diễn đúng như nó vốn có, được chuyển tải đến công chúng thông qua các phương tiện minh họa như ánh sáng, sân khấu, pháo hoa, world music, sắp đặt, múa...

Sự kết hợp của dân ca, ca trù Bắc bộ với ca Huế là phương tiện chuyên chở toàn bộ câu chuyện tình của nàng cung nữ. Hành trình của nàng cũng chính là hành trình văn hóa qua các miền di sản từ Kinh Bắc đến Kinh đô Huế. Giọng quan họ của các liền anh liền chị Minh Phúc - Lệ Ngãi, Vũ Tự Lãm- Xuân Trường, ca trù của nghệ sĩ Bạch Dương, hát chèo của nghệ sĩ Thanh Bình, ca Huế của nghệ sĩ Thanh Tâm… đã thể hiện sâu sắc điều này.

“Hơi thở của nước” sẽ tiếp tục diễn ra vào các đêm 9 và 11-6. Toàn bộ số tiền bán vé thu được sau 3 đêm diễn này sẽ dành tặng cho các nghệ nhân có công lao trong việc truyền dạy ca Huế cho thế hệ trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem