Sự cần thiết xây dựng và phát triển HTX

Mẫn Nghi Thứ hai, ngày 08/08/2022 18:14 PM (GMT+7)
Khi tham gia liên kết, trở thành thành viên của HTX, hộ thành viên sẽ được mua vật tư phục vụ sản xuất với giá ưu đãi. HTX sẽ giúp nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho từng hộ thành viên.
Bình luận 0

Theo Chi cục PTNT TP.HCM, về tổng thể sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là các hộ nông dân riêng lẻ, thiếu liên kết với nhau, yếu thế và rất khó để thực hiện đồng bộ 3 chức năng của một đơn vị kinh tế trong cơ chế thị trường. Đó là nghiên cứu thị trường để lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường phù hợp với lợi thế sản xuất của hộ, tổ chức sản xuất hiệu quả cao và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. 

Sự cần thiết xây dựng và phát triển HTX - Ảnh 1.

Lễ ra mắt 2 HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây và HTX rau an toàn Hải Nông ở huyện Củ Chi, TP.HCM ngày 8/4/2022. Ảnh: Ngọc Thủy

 Trên thực tế các hộ nông dân chỉ có thể làm được chức năng là tổ chức sản xuất hiệu quả cao, song không thể thực hiện được 2 chức năng còn lại một cách hiệu quả. Giải pháp cơ bản để tháo gỡ mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX. Lý do khi tham gia liên kết, trở thành thành viên của HTX, hộ thành viên sẽ được mua vật tư phục vụ sản xuất với giá ưu đãi, HTX sẽ giúp nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho từng hộ thành viên,....

"Bản thân các hộ thành viên HTX vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm sản xuất vẫn thuộc sở hữu của hộ, không phải của HTX. HTX không phủ định thay thế kinh tế hộ, mà làm cho kinh tế hộ hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của hộ thành viên HTX và hộ nông dân có tham liên kết sản xuất với HTX cao hơn", bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM phân tích.

Hiểu được lợi ích này, từ 1 vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, sau khi xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có được 7 vườn lan đã liên kết lại để thành lập ra HTX hoa lan Đa Phước, liên kết tiêu thụ cho bà con trồng lan khắp huyện Bình Chánh.

Từ những năm 2011, xã Đa Phước 1 trong những xã nghèo của huyện Bình Chánh, nông dân sống chủ yếu bằng nghề thuần nông. Anh Lưu Cẩm Hùng, chủ vườn lan Sơn Hà ở xã Đa Phước kể, đến giờ Đa Phước vẫn là xã thuần nông. Thế nhưng đời sống bà con đã khác xưa nhiều lắm sau gần 10 năm phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Sự cần thiết xây dựng và phát triển HTX - Ảnh 3.

Vợ chồng anh Lưu Cẩm Hùng, HTX hoa lan Đa Phước (Bình Chánh) chuẩn bị xuất đơn hàng hoa lan dendrobium. Ảnh: Nguyễn Vy

Vườn lan của vợ chồng anh Hùng có diện tích hơn 12.000m2; với khoảng 300.000 cây lan dendrobium các loại. Mỗi ngày, anh Hùng xuất bán 1.000-2.000 cây. Thị trường của vườn lan Sơn Hà trải rộng xuống các tỉnh miền Tây, xuôi ra miền Trung, miền Bắc rồi cung cấp ngược lên thành phố Đà Lạt. Hiện vườn lan Sơn Hà đang cho doanh thu trung bình mỗi năm từ 4-4,5 tỷ đồng.

Từ thành công của vườn lan Sơn Hà, chính quyền xã Đa Phước đã phối hợp mở thường xuyên các lớp tập huấn, dạy nghề trồng hoa phong lan. Từ 1 vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay xã Đa Phước có tổng cộng 7 vườn lan. 7 vườn lan này đã liên kết lại trên tổng diện tích 3ha để thành lập ra HTX hoa lan Đa Phước, do anh Lưu Cẩm Hùng làm giám đốc.

"Không chỉ hoa lan ở Đa Phước, HTX còn hỗ trợ liên kết tiêu thụ cho bà con trồng lan khắp các xã khác trong huyện Bình Chánh, góp phần giúp bà con có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu", anh Hùng kể.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem