Sứ giả văn hoá Chăm

Thứ năm, ngày 03/06/2010 10:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những hoạt động hấp dẫn tại triển lãm “Không gian văn hoá Chăm” đang diễn ra tại Hà Nội là phần trình diễn dệt thổ cẩm của “Bàn tay vàng thổ cẩm Việt Nam”-nghệ nhân Thuận Thị Trụ.
Bình luận 0
img
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ trình diễn dệt thổ cẩm.

Một trong những tiêu chuẩn đạo đức của phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm từ Ninh Thuận đến Bình Thuận.

Dốc túi sưu tầm thổ cẩm

Chị Thuận Thị Trụ sinh ra ở làng thổ cẩm nổi tiếng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Chị học dệt thổ cẩm từ năm 8 tuổi. Lớn lên lấy chồng, vợ chồng chị xoay đủ nghề mà vẫn không đủ sống, từ trồng rau muống, bán quần áo cũ, mở quán cà phê và đặc biệt là hơn 10 năm là cô giáo mầm non.

“Tôi bỏ nghề giáo vì bị mê hoặc bởi những hoa văn thổ cẩm cổ truyền của dân tộc tôi. Đó là thời điểm khoảng năm 1988-1989, có bao nhiêu tiền, tôi đều dành hết cho việc sưu tầm vải vóc, trang phục của dân tộc Chăm. Từ Ninh Thuận đến Bình Thuận, hễ nghe nói ở đâu, ai có vải thổ cẩm và trang phục lạ, cổ xưa là tôi tìm đến mua bằng được. Kiểm đếm, phân loại số vải vóc, trang phục sưu tầm được, tôi thấy có hơn 30 hoa văn cổ khác nhau. Càng nhìn những hoa văn đó, tôi càng thấy có sức hẫp dẫn kỳ lạ, trải qua hàng trăm năm vẫn không hề lạc hậu. Ý tưởng khôi phục lại những nét hoa văn đó trên nền tảng chất liệu dệt may hiện đại xuất hiện trong tôi...” - chị Trụ nhớ lại.

Từ 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm cổ truyền sưu tầm được, chị sáng tạo, cách điệu ra hơn 50 hoa văn khác. Từ thổ cẩm Chăm, chị may thành các thành phẩm như khăn, quần áo, ví, túi xách... rồi mang bán tại Ninh Thuận, TP.HCM. Thị trường hạn hẹp, chưa có hoạt động giới thiệu, quảng bá nên các sản phẩm dệt may từ thổ cẩm Chăm bán rất chậm, đó là chưa nói đến rủi ro trong thương trường khiến nhiều lần chị Trụ suýt sạt nghiệp...

Sứ giả văn hoá

img Với tôi, dệt thổ cẩm, nhất là thổ cẩm dân tộc Chăm là một nghệ thuật. Mỗi lần được mời trình diễn dệt thổ cẩm Chăm ở nước ngoài là một lần tôi thể hiện được những bản sắc riêng của văn hoá dân tộc Chăm nói riêng và các dân tộc VN nói chung... img

Có một ngày chị Trụ không thể quên. Đó là khi vợ chồng người Pháp reo lên: "Ô, hàng thổ cẩm dân tộc Chăm đây rồi!". Sẵn có ít tiếng Pháp, chị Trụ mừng rỡ chào mời. Một chuyện nữa mà chị không thể quên là khi có 2 người Nhật đồng ý mua hết số hàng tồn tại cửa hàng của chị để về Nhật bán.

“Đó là những khách hàng ngoại quốc đầu tiên của tôi. Từ đây mở ra nhiều cơ hội để các sản phẩm thổ cẩm Chăm được quảng bá và xuất khẩu sang nhiều nước” - chị Trụ thổ lộ.

Sản phẩm bán chạy, làng dệt Mỹ Nghiệp như được hồi sinh với sức sống mãnh liệt. Nếu như trước kia, cả làng có chưa đầy 10 khung cửi, thì nay, Mỹ Nghiệp được xem là làng nghề truyền thống lý tưởng với số người làm nghề lên tới 95%. Năm 1998, chị Trụ được tặng danh hiệu nghệ nhân “Bàn tay vàng thổ cẩm Việt Nam”.

Năm 2000, chị lập Công ty Dệt may thổ cẩm Inrahani, giải quyết việc làm cho 200 phụ nữ nghèo. Nhiều đại lý được mở ở Đà Lạt, Đà Nẵng, TP.HCM... Sản phẩm của công ty cũng đã có mặt tại các hội chợ triển lãm ở Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem