Sự sống của cô gái được bạn chạy xe ôm chữa bệnh

Thứ năm, ngày 25/02/2016 10:45 AM (GMT+7)
Nhìn người bạn cùng học thời cấp 3 nằm bất động trên giường bệnh, Phan Ngọc Quý (SN 1993) thương bạn rơi nước mắt. Rồi khi biết gia đình bạn đang khánh kiệt về khoản tiền hàng trăm triệu đồng để điều trị, Quý đã nghĩ ra cách chạy xe ôm, để thêm một khoản tiền nho nhỏ, giúp bạn qua cơn nguy kịch.
Bình luận 0

Phùng Thiều Lam chính là người bạn với Phan Ngọc Quý (SV năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội), nhân vật đượcc chúng tôi phản ánh trong bài viết: “Chàng SV nghèo chạy xe ôm lấy tiền chữa bệnh cho bạn”.

Sau khi bài báo được đăng tải, đã có hàng chục nghìn lượt chia sẻ và cảm phục về tình bạn, tình đồng hương của Phan Ngọc Quý đối với Phùng Thiều Lam.

Nhiều người thắc mắc, không biết điều gì ở Lam khiến Quý sẵn sàng chịu vất vả để kiếm từng đồng tiền lẻ cho bạn chữa bệnh, trong khi chi phí điều trị cho Lam lên tới hàng trăm triệu đồng?

img

Thương gia đình không có tiền chữa bệnh, Phan Ngọc Quý, bạn Lam đã nghĩ ra cách chạy xe ôm kiếm tiền giúp bạn.

Trở lại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được bà Thiều Thị Oanh (SN 1961, trú tại nhà số 2, ngõ 5, phường Bến Thủy, Thành phố Vinh, Nghệ An), mẹ em Phùng Thiều Lam chia sẻ thêm về bệnh tình của cô sinh viên năm 3, ĐH Kiến trúc Hà Nội này.

Bên giường bệnh, nói về con và nhắc đến Quý cũng như những người bạn đã giúp đỡ Lam, người đàn bà gương với mặt khắc khổ này sụt sùi khóc. Nhưng bàn tay bà vẫn nhẹ nhàng xoa bóp cho cô gái trẻ đang nằm bất động với cơ thể sưng phù do bệnh tim hnh hạ.

img

Sự sống của Phùng Thiều Lam vẫn chênh vênh trên giường bệnh.

Phùng Thiều Lam (SN 1993) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai từ trưa ngày 7/7 (29 Tết) trong tình trạng sốc tim và rối loạn nhịp tim nặng. Các bác sỹ chẩn đoán em bị Viêm cơ tim. Để cứu được mạng sống của Lam, bác sỹ phải dùng máy hỗ trợ tim nhân tạo tại giường với chi phí 120 triệu, dùng một lần (khoảng 6 - 10 ngày).

Ngoài ra, em còn phải sử dụng rất nhiều loại thuốc với chi phí từ 5 đến 10 triệu/ngày, chưa kể nếu phải lọc máu thì sẽ hết khoảng 10 đến 15 triệu/ngày nữa.

Được biết, Lam là cô gái rất ham học, từng học hai năm chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Vinh, nhưng vì đam mê vẽ từ nhỏ, Lam lại tiếp tục với ước mơ khi thi đỗ trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Tưởng chừng Lam sẽ theo đuổi được đam mê của mình thì bất hạnh lại ấp đến.

Trưa 29 tháng Chạp, gia đình đang chuẩn bị chào đón năm mới thì Lam đột nhiên có triệu chứng đau đầu, lên cơn sốt, buồn nôn. Mọi người đưa Lam đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An nhưng do bệnh tình quá nặng, gia đình phải chuyển em ra Bệnh viện Bạch Mai. Đến đây, các bác sỹ chẩn đoán em bị Viêm cơ tim phải ở lại điều trị.

img

Hình ảnh của Lam khi còn khỏe. (Ảnh facebook nhân vật)Trò chuyện với bà Oanh bên giường bệnh của Lam, bà Oanh liên tục đưa tay lên lau nước mắt. Nhìn con đau đớn vất vả chống lại tử thần, trong lòng người mẹ ấy như có hàng trăm nghìn mũi dao đâm xé…

Nói về gia cảnh của gia đình, bà Oanh tâm sự: Vợ chồng bà có 2 người con, Lam là con thứ hai, trước Lam là một người chị gái đang đi làm trong Khu công nghiệp Vũng Tàu. Lấy nhau được gần 30 năm nhưng hai vợ chồng bà vẫn phải sống nhờ trên mảnh đất mà người chị gái của bà cho mượn ở TP Vinh.

Bà Oanh từ nhỏ đã luôn ốm yếu, thuốc thang triền miên nên không làm được công việc gì, mọi chi phí sinh hoạt đều phải trông chờ vào đồng lương thương binh ít ỏi của chồng. Chồng bà Oanh, ông Phùng Văn Đồng (SN 1958) là bộ đội về hưu, hiện đang làm bảo vệ cho Công ty vật tư Nông nghiệp Nghệ An.

Ông Đồng bị bệnh dạ dày nặng đã hàng chục năm nay, bác sĩ bảo phải ở lại Bệnh viện chữa trị, nhưng có bao nhiêu tiền đều tập trung chạy chữa cho con nên ông phải gắng gượng.

img

Để có tiền duy trì sự sống cho con, vợ chồng bà Oanh phải treo biển bán nhà.

Để có tiền chữa bệnh cho con gái, gần hai tuần qua, vợ chồng bà Oanh phải chạy vay mượn anh em họ hàng nhưng vẫn không đủ trả viện phí. Chạy hai máy hỗ trợ tim đã hết 300 triệu đồng, chưa kể các khoản thuốc thang hàng ngày hơn chục triệu để duy trì sự sống cho Lam. Đường cùng, bà Oanh phải treo biển bán nhà để có thêm tiền duy trì sự sống cho con.

Cầm một tập hóa đơn thuốc trên tay, những giọt nước mắt của người mẹ thêm nặng trĩu. “Từ khi Lam đổ bệnh kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ hơn, chi phí tiền điều trị mỗi ngày lên đến 10 triệu đồng. Tính đến thời điểm này tổng chi phí điều trị của Lam đã lên đến gần 600 triệu. Chồng tôi đành phải nghỉ việc để ở bệnh viện chăm sóc cho con. Giờ ngay cả họ hàng cũng lực bất tòng tâm, bởi số tiền điều trị quá lớn. Thế nhưng, vì tình thương con vô bờ bến, vợ chồng tôi cố vay mượn bà con, anh em bán mọi thứ trong nhà để cố gắng chữa chạy với hy vọng “còn nước còn tát”, bà Oanh nghẹn ngào trong nước mắt.

img

Bác ruột của Lam, ông Phùng Văn Phụng và bà Oanh lo lắng khi nghĩ đến bệnh của con và khoản tiền chữa bệnh.

Ông Phùng Văn Phụng, bác ruột của Lam buồn bã cho biết: “Hiện thận của Lam quá kém nên phải thay cục lọc máu thường xuyên. Có hôm thay máu không kịp thời, máu tràn qua khắp mặt mũi, chúng tôi nhìn mà thấy đau đớn. Bác sĩ cho biết với những bệnh nhân khác, sau khi điều trị khoảng 7 đến 10 ngày sẽ tỉnh, nhưng Lam lại rơi vào tình trạng rất nguy nan. Cháu nằm hôn mê đã gần hai tuần đến bây giờ mới tỉnh, nhưng đôi mắt của cháu vẫn đang nhìn vô hồn. Rồi đây tương lai cháu sẽ ra sao, chúng tôi không dám nghĩ tới mà thay vào đó là những giọt nước mắt mặn chát vì thương đứa con bất hạnh”.

Cuộc chiến với bệnh tật của Lam còn kéo dài nhưng những ngày tiếp theo gia đình em chưa biết phải tính sao vì chi phí để giành lại sự sống cho em quá lớn, vượt quá khả năng của gia đình. Mong rằng với sự chung tay của cộng đồng, sự giúp sức của các nhà hảo tâm, Lam sẽ có cơ hội khỏi bệnh, để trở về mái nhà thân yêu và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Huyền Trang (Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem