Sự thật bất ngờ về mối quan hệ giữa Thi Nại Am và La Quán Trung

Vô Kỵ Thứ năm, ngày 04/04/2019 18:32 PM (GMT+7)
Thủy Hử truyện và Tam Quốc diễn nghĩa là hai tác phẩm xếp vào “Tứ đại danh tác” của văn học Trung Quốc mọi thời đại. Nhưng tác giả của 2 bộ tiểu thuyết chương hồi kinh điển này, Thi Nại Am và La Quán Trung, không chỉ là những người cùng thời (cuối Nguyên – đầu Minh). Mối quan hệ giữa họ thực ra là vô cùng sâu sắc…
Bình luận 0

Thi Nại Am theo đa số ghi chép của sử liệu sinh năm 1296 mất 1370, là nhà viết tiểu thuyết lừng danh Trung Quốc, cuối đời Nguyên đầu nhà Minh. Ông quê ở Cô Tô, Tô Châu sau dời đến Hưng Hóa, cũng thuộc tỉnh Giang Tô. Chính tại nơi này, Thi Nại Am đã sáng tác “Thủy Hử” - tác phẩm được coi là “sử thi đỉnh cao của văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc”.

Mối quan hệ thày trò giữa Thi Nại Am và La Quán Trung

Lên 7 tuổi gặp lúc cảnh nhà sa sút, Thi Nại Am vẫn không nhụt chí phấn đấu học hỏi, chuyên cần và nhẫn nại tìm mọi cách để kiến văn, đọc hầu hết sách thánh hiền từ Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia chư tử. 13 tuổi, họ Thi đã có thể tranh luận rất khúc chiết với người lớn và hạ bút là thành thơ hay.

img

La Quán Trung là tác giả của bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Năm 35 tuổi (1331), ông đỗ tiến sĩ, làm quan Huyện doãn ở hạt Tiền Đường (nay thuộc Hàng Châu). Được hơn 2 năm làm quan, vì “không hợp với nơi quyền quý”, ông từ quan về quê nhà Tô Châu, chuyên tâm hai việc: sáng tác văn thơ và mở trường dạy học.

Thi Nại Am sớm trở thành danh sư trong vùng. Học trò lũ lượt kéo đến xin thụ giáo. Trong đám đệ tử của họ Thi, khoảng năm 1344, có cậu thiếu niên 14 tuổi con một thương nhân gốc Thái Nguyên (Sơn Tây) đến tầm sư học đạo và sau này trở thành một nhà văn kiệt xuất. Chính là La Quán Trung (1330-1400), tác giả của tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”.

img

Tượng đài La Quán Trung.

Vốn bất mãn với triều đình nhà Nguyên lại mang trong tâm chí lớn giúp đời, giúp người nên Thi Nại Am, dù nhiều năm dài dạy học vẫn nuôi ý định tạo ra một tác phẩm phản ánh thực trạng xã hội phong kiến nhiều đời: "quan bức thì dân phản", hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột, áp bức.

La Quán Trung giúp Thi Nại Am biên soạn Thủy Hử

Khởi nguồn của Thủy hử truyện là các truyện kể, huyền tích, truyền miệng trong dân gian về cuộc đời và hành vi của các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc nên dù dựa trên một sự kiện có thật (cuộc khởi nghĩa của Tống Giang), thì tính xác thực về mặt lịch sử của tiểu thuyết này là không cao.

img

Tượng đài Thi Nại Am.

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, chưa có tác phẩm nào quan trọng miêu tả cuộc đấu tranh của những người chân đất với một quy mô đồ sộ như Thủy hử. Thi Nại Am đã phản ánh khá tập trung về muôn mặt quá trình phát sinh, phát triển và thất bại của một cuộc cách mạng nông dân dưới thời phong kiến. Thủy Hử, dù bảy tám phần hư cấu, nhưng đã trở thành món ăn tinh thần và vũ khí đấu tranh của quần chúng nhân dân qua nhiều thế kỷ.

img

Thi Nại Am chắp bút viết Thủy Hử.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, ban đầu Thủy Hử - tác phẩm được coi là “Tứ đại danh tác” Trung Hoa này không hề có tên là… Thủy Hử. Trước tác của Thủy Hử là “Giang hồ hào khách truyện”. Chỉ đến sau khi được biên tập và chỉnh lý chu đáo, Thi Nại Am mới quyết định tác phẩm lớn nhất của cuộc đời mình sẽ mang tên “Thủy Hử”.

Quyết định này thực ra, được gợi ý bởi cậu học trò cưng của Thi Nại Am – La Quán Trung. Theo La Quán Trung thì “Kinh Thi có câu “Cổ công đàn phụ, triều lai tẩu mã, xuất Tây Thủy hử, chí vu kỳ hạ”. Thủy Hử tức là thủy biên, vừa thực vừa điển cố, lại gắn liền với nội dung và lý tưởng của tác phẩm”. Thi nghe lời khuyên của trò, hợp ý vô cùng.

Thi Nại Am lâm vào cảnh lao tù vì… Thủy Hử

“Tục Thủy hử” được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi “Hậu Thủy hử”, là một tác phẩm văn học cổ điển Trung Hoa, kế tiếp truyện Thủy hử. Truyện được cho là sáng tác bởi La Quán Trung. Nội dung Tục Thủy hử kể về quá trình thất bại của cuộc khởi nghĩa Lương Sơn Bạc do Tống Giang lãnh đạo.

img

La Quán Trung là học trò của Thi Nại Am.

Tục Thủy hử đề cập chi tiết tới kết cục của từng thủ lĩnh quân Lương Sơn. Thi Nại Am và La Quán Trung được coi là đồng tác giả của tác phẩm này. Nhưng theo nhiều ghi chép đáng tin cậy, La Quán Trung mới thực sự là tác giả Tục Thủy hử.

Căn nguyên của việc ra đời Tục Thủy hử, thực ra, có liên hệ mật thiết tới hoàn cảnh của Thi Nại Am sau khi tác phẩm Thủy Hử của ông được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian. Tương truyền rằng, khoảng giữa năm 1368, một bản sao của Thủy Hử đã đến tay Minh Thái Tổ Hồng Vũ Đế - Chu Nguyên Chương, thời điểm đó vừa lập ra nhà Minh.

Chu Nguyên Chương xuất thân cơ hàn, thuộc lầng lớp tá điền nghèo khổ, từng trải qua vài năm làm sư khất thực trước khi tham gia nghĩa quân (Hồng cân quân), đánh đông dẹp Bắc, tay không dựng nên nghiệp lớn, đánh đuổi Mông Cổ, giành lại quyền tự chủ của người Hán, thống nhất Trung Quốc, sáng lập ra giang sơn Đại Minh.

Khi lên ngôi, Chu Nguyên Chương đã thi hành hàng loạt chính sách xuất sắc như cải cách ruộng đất nhằm khôi phục và phát triển nông nghiệp, chỉnh lý lại luật pháp (Đại Minh Luật được coi là thành tựu vĩ đại nhất của thời Minh), áp dụng nguyên tắc khoan hồng trong xét xử, cấm cưỡng bức mua bán dân ngèo làm nô tì người ở, chống nạn tham ô, nghiêm trị quan lại tham nhũng…

Nhờ những chính sách nói trên, trong vòng 30 năm đời Minh Thái Tổ, kinh tế được khôi phục nhanh chóng và bước đầu phát triển, tình hình chính trị ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, Minh Thái Tổ cũng gây ra nhiều vụ thảm sát công thần đồng thời giết hại hàng ngàn văn nhân, những người có tác phẩm hay ý kiến thể hiện sự chống đối chính quyền.

img

Hoàng đế Chu Nguyên Chương.

Sau khi Minh Thái Tổ đọc qua Thủy Hử đã nổi trận lôi đình mà rằng: “Đúng là Một kẻ có mưu đồ tạo phản viết sách xúi dân làm loạn. Không trừ tất để họa về sau”. Sau đó, Minh Thái Tổ phái Cẩm Y vệ tới đến bắt Thi Nại Am tống vào lao, chờ ngày xét xử.

Lúc ấy, Lưu Bá Ôn, nhà văn, nhà thơ, mưu sĩ tài ba giúp Chu Nguyên Chương lập nên đại nghiệp - khai quốc công thần nhà Minh, cũng là đồng khoa tiến sĩ với Thi Nại Am năm nào, biết chuyện mới tới nhà lao thăm bạn. Thi Nại Am gặp được bạn, mới ngỏ lời xin giúp.

img

Tác phẩm Hậu Thủy Hử do La Quán Trung viết.

Lưu Bá Ôn khi đó khuyên rằng: “Huynh, vì sao vào đây, thì sẽ thoát khỏi đây, cũng bằng cách đó”. Trước câu nói đầy ẩn ý của Lưu Bá Ôn, Thi Nại Am chợt hiểu “Ta vì viết sách mà vào tù, vậy cũng phải viết sách để được ra khỏi tù”. Thi bèn nhờ Lưu dâng biểu tâu với với Hoàng đế, rằng ông sẽ viết tiếp Thủy Hử, như cách để khẳng định mình không có tư tưởng phản loạn với triều Minh.

La Quán Trung viết “Tục Thủy hử” để cứu thầy

Minh Thái Tổ chấp thuận, ra chỉ yêu cầu Thi Nại Am viết phần sau của Thủy Hử theo hướng “nghĩa quân Lương Sơn quy thuận triều đình”. Thi Nại Am sau đó nhờ người cho gọi học trò La Quán Trung tới nhà lao cùng bàn bạc. Hai người thống nhất ý tưởng viết Tục Thủy Hử kể việc thất bại của quân Tống Giang.

Người viết Tục Thủy Hử hoàn toàn là La Quán Trung bởi khi đó Thi Nại Am tuổi già sức yếu, lại mang tâm bệnh. Gần 1 năm trời, Tục Thủy Hử mới hoàn tất trình lên Chu Nguyên Chương. Tục Thủy hử kể về quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của các anh hùng Lương Sơn Bạc. Nội dung chủ yếu của truyện kể về việc nghĩa quân Lương Sơn đánh bại các cuộc đánh dẹp của triều đình nhà Tống, nhận chiêu an và tiến công nước Liêu, bình định các cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp.

img

Thi Nại Am trong tranh cổ Trung Hoa.

Càng về những hồi cuối, kể từ giai đoạn quân Lương Sơn đụng độ Phương Lạp, quân số 108 vị anh hùng lần lượt rơi rụng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong 108 người, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về; 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều.

Trong 32 người còn sống, 3 người bị triều đình sát hại; 2 người tự vẫn vì phẫn chí; 12 người về tới kinh nhưng vẫn không nhận chức, bỏ về quê cũ hoặc đi làm đạo sĩ; 3 người nhận chức rồi sau đó từ chức vì không thích bon chen ở chốn quan trường nhiều gian thần; 13 người tiếp tục phục vụ triều đình.

img

Do được viết bởi La Quán Trung vốn là người có tư tưởng bảo hoàng, đề cao Hán tộc, lại thêm sức ép từ triều đình nhà Minh, nên cái Thần của Tục Thủy hử đương nhiên khác hoàn toàn so với 70 hồi đầu Thủy Hử của Thi Nại Am. Hài lòng với cái kết của Thủy hử truyện, Minh Thái Tổ ra lệnh phóng thích Thi Nại Am giữa năm 1369. Vài tháng sau khi tại ngoại, tinh thần thể xác bại hoại, Thi Nại Am qua đời năm 1370.

Sau khi Thi Nại Am mất, La Quán Trung tập trung chỉnh lý lại Thủy hử truyện. Ông đã đưa tác phẩm đến trung tâm in ấn thời bấy giờ ở Phúc Kiến, nhưng không nhà in nào dám nhận in. Phải tới năm 1520, con cháu họ Thi mới công bố được Thủy hử truyện bằng bản in chính thức đầu tiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem