Sự thật việc ngao chết hàng nghìn tấn ở Thái Bình: Nhiều lần xả thải trộm

Nhóm phóng viên điều tra Thứ bảy, ngày 11/10/2014 06:41 AM (GMT+7)
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, chúng tôi được biết các công ty đóng trên địa bàn như M.D, C.K, Đ.T như phản ánh ở số báo trước đã từng nhiều lần bị xử phạt về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các cơ quan này một mực khẳng định, các công ty nói trên không phải là thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước sông Lân, Trà Lý.
Bình luận 0

XEM Bài 1: Thâm nhập vùng xả thải

Huyện muốn kiểm tra phải… xin phép công ty

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Đỗ Văn Trịnh – Trưởng phòng TNMT Tiền Hải (Thái Bình). Theo ông Trịnh, mặc dù những công ty như báo nêu nằm trên địa bàn huyện, nhưng việc quản lý lại thuộc Ban quản lý, khu KCN Tiền Hải. “Nếu người dân có đơn phản ánh, chúng tôi phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, đặt lịch với công ty và khi họ đồng ý cho kiểm tra mới kiểm tra được. Nhiều lần chúng tôi xuống, nhưng họ nhất quyết không cho vào cũng đành chịu” – ông Trịnh cho hay.

Cũng theo ông Trịnh, ông đã nhiều lần cùng các đoàn Thanh tra của Sở TNMT, Sở NNPTNT đi thanh-kiểm tra các công ty này và 100% công ty đều vi phạm việc xả thải ô nhiễm môi trường. Riêng Công ty M.D và Công ty C.K đã từng bị xử phạt vài trăm triệu đồng vì xả thải trộm ra sông. “Công ty C.K ngoài bị xử phạt về ô nhiễm, còn bị cấm hoạt động, vì hành nghề sai với giấy phép kinh doanh. Giấy phép là sản xuất nhựa gia dụng và xây dựng, nhưng công ty này lại sản xuất tái chế nhựa, nên rất ô nhiễm” – ông Trịnh cho biết thêm.

Chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Nguyễn Xuân Kiểu – Phó Ban quản lý Cụm công nghiệp Tiền Hải và ông này khẳng định, hầu hết các công ty ở cụm công nghiệp, cũng như KCN Tiền Hải đều gây ô nhiễm môi trường và đa số đã bị xử phạt. “KCN Tiền Hải đã tồn tại hơn chục năm nay, nhưng vẫn chưa có khu xử lý rác thải tập trung, vì thế các công ty, nhà máy mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên, chúng tôi không có chuyên môn để quan trắc, nên cũng chỉ xử phạt dựa vào màu, mùi nước thải” – ông Kiểu cho hay.

Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Ngoạn – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Thái Bình). Tại buổi làm việc, ông Ngoạn thừa nhận, ở KCN Tiền Hải có bất cập là không có khu xử lý rác thải. “Về Công ty M.D, C.K, chúng tôi đã nhiều lần xử phạt vì ô nhiễm, xả thải trộm. Riêng Công ty C.K do sử dụng sai giấy phép kinh doanh đã bị đình chỉ hơn năm nay”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, đã đình chỉ rồi, sao công ty này vẫn hoạt động - thì ông Ngoạn chỉ nói chung chung là sẽ cho kiểm tra lại thông tin. Riêng các trại lợn thì ông Ngoạn cho biết, có gây ô nhiễm nhưng không đáng kể (!?)

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh thiếu sâu sát

Mặc dù hầu hết các cơ quan chức năng, bộ phận chuyên môn của Thái Bình đều khẳng định các nhà máy ở KCN Tiền Hải, các trại lợn trên địa bàn đều gây ô nhiễm, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, nhất là các công ty đã từng bị xử phạt vì xả thải trộm, song điều lạ lùng là các cơ quan chức năng của Thái Bình một mực khẳng định, các công ty này không liên quan đến việc ngao chết hàng loạt vừa qua.

Ông Ngoạn cho rằng, ngoài nguyên nhân “sốc môi trường”, còn do người dân nuôi mật độ quá dày (400 – 2.000 con/m2), độ mặn tăng đột ngột lên 32‰ (trung bình ngao sống tốt 18 – 22‰), thời gian phơi bãi quá dài (4 – 7 ngày) khiến ngao chết hàng loạt.

Không thỏa mãn với lời giải thích này, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở TNTM Thái Bình. Ông Tuấn nói: “Tôi cũng nghĩ có thể ngao chết là theo... quy luật. Bởi vì, nếu ô nhiễm thì ngao phải chết liên tục chứ, đằng này cứ 4 – 6 năm lại chết một lần”.

Tuy nhiên, trái với lập luận của Sở TNMT Thái Bình, ông Vũ Trung Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh (Tiền Hải, Thái Bình) cho rằng, nói ngao chết do “sốc môi trường” là không thỏa đáng. Theo ông Tiến, nguyên nhân chính là do nhiễm môi trường từ nguồn nước. “Bản thân gia đình tôi cũng nuôi ngao, gắn bó với con ngao nhiều năm nay tôi biết trước đây bãi biển này rất sạch, rất ít khi xảy ra ngao chết hàng loạt thế này. Hai lần ngao chết trước, người dân cứ nghĩ do bị bệnh, chứ không phải do tác động môi trường, nên không nghi ngờ gì. Gần đây, khi KCN Tiền Hải đi vào hoạt động, thì cả cá chết nổi trên sông, còn ngao thì chết hết toàn bộ, chứ không chết rải rác như trước đây”.

Bà Đỗ Thị Đào, xóm 6 (Đông Minh) một trong những người có diện tích ngao nhất nhì ở Tiền Hải với 40ha, trong đó 10ha trong bãi, còn lại nuôi ở bãi mạn ngoài sông Lân, Trà Lý bức xúc: “Nếu theo mấy nguyên nhân cơ quan chức năng đưa ra là nuôi mật độ dày, độ mặn tăng cao, thời gian phơi nắng của bãi dài và sốc môi trường thì cả vùng ngao này phải chết hết. Nhưng tại sao, 30ha ngao nhà tôi nuôi ở mạn ngoài sông Lân, Trà Lý lại không chết, các hộ khác cũng vậy. Chưa cần dùng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, chỉ cần hiểu theo lô gic là vùng bãi trong trực tiếp chịu ảnh hưởng của nguồn nước sông Lân, Trà Lý ô nhiễm dẫn đến ngao chết, còn bãi ngoài chỉ ảnh hưởng gián tiếp, hơn nữa xa bờ hơn, lượng nước biển nhiều hơn sẽ pha loãng độ “độc” do đó ngao vẫn có thể sống được”.

Còn nông dân Nguyễn Văn Hải, xóm 2, xã Nam Thịnh cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước xét nghiệm, nhưng thời điểm lấy mẫu khó phản ánh đúng thực trạng môi trường ở sông Lân, Trà Lý và tại các bãi ngao. “Chúng ta hiểu đơn giản, các công ty không phải lúc nào cũng xả thải, mà họ chỉ xả khi có thời cơ. Hơn nữa mọi việc đang rùm beng, chẳng công ty nào lại xả theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” cả. Để đánh giá đúng, chỉ có lấy mẫu tại thời điểm ngao chết và lấy ngao làm xét nghiệm sẽ biết được độc tố và ngao chết về nguyên nhân gì” – anh Hải lập luận.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc vì sao Sở TNMT Thái Bình không cho lấy mẫu quan trắc tại thời điểm ngao chết, ông Đỗ Trần Chinh – Giám đốc Trung tâm Quan trắc (Sở TNMT Thái Bình) cho biết: “Do kinh phí có hạn, nên Trung tâm chỉ quan trắc nước sông cửa biển, nước ven bờ biển 2 lần/năm (vào tháng 6 và 11). Sông nội đồng 4 lần/năm và quan trắc khí 2 lần/năm. Thời điểm ngao chết vào đầu tháng 8 không nằm trong kế hoạch quan trắc. Nếu muốn quan trắc, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hoặc người dân phải đề nghị và phải trả phí thì chúng tôi mới quan trắc”.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tuấn thừa nhận, Trung tâm Quan trắc thường quan trắc theo định kỳ vào tháng 6 và 11 hàng năm: “Tuy nhiên, nếu có vấn đề đột biến thì Trung tâm vẫn phải thực hiện, chứ không phải như ông Chinh nói. Trung tâm không lấy mẫu quan trắc được tại thời điểm ngao chết là vì không có thông tin, khi báo chí phản ánh chúng tôi mới biết thì đã muộn”.

Ông Phạm Hồng Trường – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (Sở NNPTNT Thái Bình) thừa nhận, trong vụ ngao chết hàng loạt vừa qua Chi cục đã không sâu sát: “Chúng tôi không đủ kinh phí để thuê quan trắc, hơn nữa tôi nghĩ việc quan trắc là do Sở TNMT. Vì những bất cập này, nên Chi cục đang làm báo cáo đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT tiến hành quan trắc các công ty, nếu không đủ tiêu chuẩn sẽ xử lý. Về việc ngao chết, theo tôi là có tác động của ô nhiễm môi trường, bởi con ngao rất nhạy cảm, có thể do độ mặn tăng, nắng ngao đã ốm, khi gặp nước “độc” không đủ sức chống lại là chết” – ông Trường cho hay.


   Liên quan đến tình trạng ngao chết ở Thái Bình, theo  báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tổng số diện tích có ngao chết đã lên tới hơn 1.000 ha, chủ yếu thuộc 6 xã của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Sau khi khảo sát thực địa và lấy mẫu kiểm nghiệm, Cục Thú y cho biết,  nguyên nhân dẫn đến ngao chết do sốc môi trường vì thời tiết nắng nóng; độ mặn tăng cao bất thường... Ngoài ra,  tại huyện Tiền Hải việc thực hiện theo quy hoạch không tốt, người dân nuôi ngao tự phát; không tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật và khuyến cáo của địa phương, đặc biệt là mật độ nuôi quá cao (từ 400 - 2.000 con/m2)...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem