Trong các số báo từ ngày 16 đến 18.8, báo NTNN đã liên tục có thông tin phản ánh về hiện tượng ngao chết hàng loạt bất thường ở Tiền Hải (Thái Bình), gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người nuôi ngao. Sau đó, Bộ NNPTNT cử Cục Thú y xuống kiểm tra và đưa ra kết luận, nguyên nhân chính khiến ngao chết hàng loạt do “sốc môi trường”. Tuy vậy, trong điều tra riêng của phóng viên NTNN đã phát hiện nhiều sự thật khác dẫn tới hiện tượng trên.
>> “Đại tang” ngao trắng biển Tiền Hải, tiền tỷ của dân mặn đắng trôi
Bài 1: Thâm nhập vùng xả thải
Không “tâm phục, khẩu phục” với kết quả mà Cục Thú y (Bộ NNPTNT) công bố, nhiều người nuôi ngao ở Tiền Hải (Thái Bình) cho rằng, ngao của họ bị chết là do nguồn nước sông Lân bị ô nhiễm nghiêm trọng- hậu quả từ việc xả trực tiếp nước thải ra môi trường của một số công ty, khu công nghiệp đóng trên địa bàn.
Xả chất thải ra sông
Trong suốt 1 tuần liên tục (từ ngày 25.9 đến 1.10), phóng viên NTNN đã tìm về lại Tiền Hải để làm rõ những phản ánh của người nuôi ngao. Tiếp xúc với những người nuôi ngao bị thiệt hại nặng vừa qua, trên gương mặt họ vẫn chưa hết vẻ lo âu, thất thần khi hàng chục tỷ đồng bỗng dưng trôi ra biển. Dù cho Cục Thú y đã công bố kết quả về nguyên nhân ngao chết, họ vẫn khẳng định nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường, cụ thể là ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy ở KCN Tiền Hải thải ra sông Lân, Trà Lý qua các cống số 4, 8… rồi đổ ra biển.
Vị trí cửa cống được cho là của một công ty xả nước thải trực tiếp ra sông Lân.
Để làm rõ thông tin này, PV NTNN đã có chuyến thâm nhập vào “vùng cấm” của một số công ty, nhà máy… được cho đã xả chất thải độc hại trực tiếp ra môi trường làm chết ngao hàng loạt. Sau 3 ngày khảo sát và những thông tin PV có được, hầu hết các công ty khả nghi đều nằm ở những vị trí đắc địa, chỉ có đường vào mà không có lối ra và đều có chung một điểm là xả thải ra sông qua hệ thống kênh mương, cống, cống ngầm nên chỉ có một cách duy nhất là dùng thuyền đi dọc bờ sông mới có thể biết những cống ngầm đó xả nước đi đâu. Để tìm được những điểm đen như thế này không phải dễ và chúng tôi đã quyết định thuê thuyền của người dân địa phương để đi dọc bờ sông nơi có KCN Tiền Hải. Khi biết mục đích của PV, một nông dân tên S đã tình nguyện giúp, đồng thời nhờ người quen đánh ô tô chở thuyền nhỏ, còn gọi là “còng còng” ra vị trí thuận lợi để hạ thủy.
Chúng tôi hạ thủy ở đầu KCN Tiền Hải để tránh sự săm soi của bảo vệ các nhà máy ở đây. Ngoài ra, chúng tôi sắm thêm cần câu, nước, bánh mì, lương khô để “ngụy trang” nhằm che mắt những người này. Thời điểm chúng tôi xuất phát vào lúc 11 giờ trưa (ngày 25.9), bởi theo thông tin có được, đây là thời điểm các công ty hay xả thải nhất.
Ông S đã ngoài 50 tuổi, người gầy. Là dân biển nên ông khá dẻo dai, chèo thuyền lướt băng băng. Khoảng 20 phút, chúng tôi có mặt tại vị trí được cho là điểm Công ty M.D chuyên sản xuất giấy tiền âm phủ xả thải ra. Để thuận lợi quan sát, ông S lái thuyền vào sát bờ. Vị trí này nằm trên địa bàn xã Đông Lâm, chúng tôi đã quan sát thấy rõ một đường ống được nối từ công ty rồi đổ thẳng ra sông Long Hầu, từ đó nước thải được đổ qua cống 4 (xung quanh cống 4 là cây cối rất rậm rạp, nếu không đi bằng đường thủy thì không thể phát hiện) rồi ra biển. Ngồi trên thuyền theo dõi, chúng tôi thấy từng dòng nước đặc sánh xanh, đỏ bốc mùi hôi, hắc và rất cay mắt, gần đó có vài con cá, ốc bươu vàng chết nổi lềnh bềnh.
>> Ngao chết dày như đổ vỏ trấu ở Thái Bình: Nước sông bị “đầu độc”?
Rời vị trí này, thuyền của chúng tôi tiếp tục xuôi xuống một vị trí khác cách đó 200m. Địa điểm này được cho là nơi Công ty C.K chuyên tái chế nhựa xả nước thải ra. Cũng giống như địa điểm mà Công ty M.D xả thải, theo quan sát của PV, nước từ kênh mương đổ ra có màu đen và bốc mùi rất hôi thối, nồng nặc và có cảm giác khó thở, gần đó cũng xuất hiện vài con cá, ốc chết nổi dạt vào bờ. Tiếp tục di chuyển về phía Công ty Đ.T nhưng không thể tiếp cận được vì công ty này đã xây tường bao kín, mà theo như lời ông S là người bình thường không thể vào đây được.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi xuôi về cửa biển, qua những vị trí được cho là các trại lợn đã xả thải trực tiếp ra sông. Rất khó để đến được các vị trí này bởi nó không chỉ xa, vướng bèo tây, mà chúng tôi còn phải 4 lần khiêng thuyền qua cống mới đến được. Đến gần khúc sông chảy qua các trại lợn, nhìn đồng hồ đã 13 giờ 30, chúng tôi tấp vào bờ ăn tạm bánh mì lót dạ. Đã thấm mệt, nhưng qua các “điểm đen” ông S vẫn lượn đi, lượn lại 2 vòng. Mặc dù không phát hiện ra cống xả thải lộ thiên nhưng nhìn bằng mắt thường, chúng tôi thấy nước có màu đen pha lẫn màu phù sa của sông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Theo lời ông S, có thể những nơi này họ đào đường ống để xả thải xuống tận đáy sông theo đường cống ngầm để che mắt lực lượng chức năng.
Vào sâu trong vùng cấm
Hôm sau, trong vai người đi xin việc, tôi và anh bạn đã thâm nhập vào “vùng cấm” của Công ty M.D. Sau khi phỏng vấn sơ bộ, cô kế toán tên Hồng bảo chúng tôi để lại số điện thoại, có gì sẽ liên hệ lại. Biết Hồng không nghi ngờ, tôi mới ngỏ lời: “Trước đây anh học vận hành máy, đã làm trong Nam. Em có thể cho anh xuống xưởng xem qua máy móc được không”. “Đấy từ đầu em đoán các anh chỉ làm máy thôi chứ làm nghiền, nấu bột giấy rất “độc”, à không vất vả lắm”- vừa nói, Hồng vừa dẫn tôi xuống xưởng và liên tục kéo áo lên che mũi.
Như “kịch bản” đã lên, anh bạn hỏi chuyện đánh lừa sự chú ý của Hồng, còn tôi sẽ “thị sát” quanh xưởng. Tại đây, tôi quan sát thấy khu nhà xưởng của công ty này rộng khoảng hơn 1.000m2. Càng vào sâu, mắt mũi tôi cứ như bị trúng hơi cay vậy, nhưng vẫn cố lom khom vào tận khu nấu bột giấy. Lúc chúng tôi vào, bột giấy đang được đưa vào hai cái bể to để tẩy rửa, nấu, còn nước thải ra thì được đổ xuống một hố ga vẫn mở nắp. Tôi nhìn xuống tối om, mùi xú uế, hóa chất bốc lên nồng nặc. Thấy tôi đang ngơ ngáo nhìn nhìn, ngó ngó, một người đàn ông tiến đến gặp và giới thiệu tên Hà- Giám đốc công ty. Vừa vỗ vai anh bạn đi cùng, ông Hà nói: “Trông chú khỏe mạnh nhỉ, nếu đứng máy được, anh trả chú 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, công ty anh làm 24/24 giờ, chỉ sợ không có sức mà làm”. Tranh thủ lúc ông Hà mải nói chuyện với anh bạn, tôi giả vờ nghe điện thoại, rồi đi ra phía sau thì bắt gặp 2 chiếc bể lớn có đậy nắp. Nhón chân nhìn qua tường, bên ngoài có một mương nhỏ nối thẳng ra bờ sông... (như nơi tôi và ông S đã chèo thuyền đến).
Vẫn “bài” trên, chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào Công ty C.K. Hôm đó, vợ chồng ông chủ không có ở công ty chỉ có mấy công nhân đang làm việc. Nhà xưởng công ty này rộng hơn Công ty M.D rất nhiều. Từ đầu cổng đến cuối xưởng đâu đâu cũng thấy chai, lọ nhựa đã qua sử dụng chất thành đống cao như núi, bốc lên đủ thứ mùi. Tại khu tái chế, các rãnh nước thải chảy ra đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu. Một công nhân tên Tuấn cho biết, để tẩy rửa nhựa tái chế phải dùng hóa chất nhưng anh ta cũng không biết là loại gì mà chỉ biết làm theo yêu cầu của chủ.
Sau 2 công ty này, chúng tôi tiếp tục đến gõ cửa Công ty Đ.T- chuyên về thuốc bảo vệ thực vật và là một trong 3 “thủ phạm” được cho là xả thải nước ô nhiễm theo lời tố cáo của người dân. Tại đây, một bảo vệ cho biết công ty không tuyển công nhân nữa. Nhưng rất may, tối hôm đó tình cờ chúng tôi gặp được một người tên H hiện đang làm công nhân bộ phận đóng gói của công ty. H cho biết, trước đây nguồn nước thải của công ty rất ô nhiễm, cũng đã nhiều lần bị người dân xã Đông Cơ kéo lên phản đối...
(Còn tiếp...)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.