Trong khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến đầu tư năm 2012 của ngành nông nghiệp, ngày 29.11, Bộ NNPTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Diễn đàn “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.
Chưa có nhiều dự án đầu tư
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, ĐBSH là vùng kinh tế lớn thứ 2 của Việt Nam với diện tích đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản chiếm 5,4% diện tích đất nông, lâm nghiệp cả nước; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 18%, sản lượng lúa chiếm 16,5%... Tuy nhiên, theo đánh giá, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
|
Đại biểu Qiniso Mkhize (Nam Phi) tìm hiểu các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Hà Nam. |
Theo Bộ NNPTNT, với dân số gần 20 triệu người, diện tích đất nông nghiệp trên 1,4 triệu ha, chủ yếu là đất phù sa bồi đắp, ĐBSH rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp còn quá thấp. Năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng ĐBSH có 404 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn trên 4,8 tỷ USD, trong đó Hà Nội có số dự án đầu tư nhiều nhất với 258 dự án. Tính đến hết tháng 10.2012, vùng ĐBSH có 288 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 2.548 triệu USD. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất thấp, khoảng 1,5% số dự án, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.
Ông Trang Hiếu Dũng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) đánh giá: “Đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào khu vực nông nghiệp, nông thôn khu vực ĐBSH dù có xu hướng tăng trong thời gian qua, nhưng còn rất thấp, số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chỉ chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp tư nhân của cả nước. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn thấp”.
Theo Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KHĐT), để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong đó, Nghị định 61 có quy định rõ các ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước… là những hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp. Nghị định này cũng quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp; hỗ trợ phí quảng cáo, triển lãm, tư vấn, hỗ trợ vận chuyển, cước phí vận tải… Tuy nhiên, đại diện Vụ Kinh tế Nông nghiệp cho rằng, mức hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa hấp dẫn, hỗ trợ còn dàn trải…
Phát huy lợi thế của vùng
Tại diễn đàn, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn còn thiếu, chưa đồng bộ. Chưa xây dựng được cơ chế thu hút các doanh nghiệp tham gia dự án nông nghiệp, hạ tầng nông thôn trong khi thủ tục hành chính tiếp nhận doanh nghiệp vào lĩnh vực này còn phức tạp. Đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và rủi ro cao nên ít doanh nghiệp mặn mà. Chính sách về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chưa thoả đáng nên người dân lo ngại….
Để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSH nói riêng và cả nước nói chung, Bộ NNPTNT và Bộ KHĐT đề xuất cần có những cơ chế chính sách mạnh hơn nữa, trong đó sẽ sửa đổi Nghị định 61 của Chính phủ theo hướng: Hỗ trợ đầu tư đủ mạnh, đúng trọng tâm và đối tượng; đổi mới về cơ chế tài chính, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện; thúc đẩy phát triển những vùng kinh tế xã hội khó khăn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp trong nghiên cứu áp dụng KHCN. “Diễn đàn Xúc tiến đầu tư là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư giới thiệu, trao đổi tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương và toàn vùng. Từ đó, tìm ra các giải pháp khai thác tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong vùng” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Bộ NNPTNT cho biết, định hướng đến năm 2020, vùng ĐBSH sẽ tập trung vào sản xuất nông nghiệp thâm canh, công nghệ cao; sản xuất lúa đặc sản, rau, hoa quả và cây vụ đông; phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, nước lợ… phấn đấu đến năm 2020 có 70% số xã trong vùng đạt xã nông thôn mới.
Tại diễn đàn, các địa phương trong vùng ĐBSH đã đề xuất và kêu gọi đầu tư vào 74 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có 16 dự án trồng trọt, 21 dự án chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, 9 dự án thủy sản...
Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thủ đô Hà Nội được coi là địa bàn kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSH với khoảng 4 triệu lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng ngành nông nghiệp mới cung ứng được 60% sản phẩm rau xanh, 40% sản lượng thịt.
Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ đầu tư hằng năm cho khu vực nông thôn ngày càng tăng, năm 2009 đạt 31,8%, đến năm 2011 đạt 39,5% tổng đầu tư ngân sách của TP. Tuy nhiên, theo ông Tâm, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp chỉ 7,7% so với tổng đầu tư nông nghiệp, nông thôn. “Với thực tế nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới” - ông Tâm nói.
Tại diễn đàn, đại diện các địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định… cũng cho biết sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực giống cây, con mới chế biến sản phẩm sau thu hoạch…
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.