Sửa đổi Luật Viễn thông tác động tới môi trường đầu tư ra sao?
Sửa đổi Luật Viễn thông tác động tới môi trường đầu tư ra sao?
Thế Anh
Thứ năm, ngày 23/03/2023 09:30 AM (GMT+7)
Sáng nay (23/3), tại hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.
Rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây
Dự kiến, Luật Viễn thông (Sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 và 6 năm 2023. Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo bộ luật này (Bộ Thông tin và Truyền thông), mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này là nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông.
Cùng với đó, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi Luật thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo hiện nay chưa thực sự thể hiện hay phục vụ mục tiêu này. Bên cạnh những thủ tục hành chính mới phát sinh, dự thảo còn có những quy định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong vào ngoài lĩnh vực viễn thông.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về việc dự thảo này mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông ví dụ như các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây, và dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế thì các dịch vụ trên đều không phải là dịch vụ viễn thông và nên được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng. Nếu dự thảo được thông qua như dự thảo hiện nay, các loại hình dịch vụ trên sẽ phải xin cấp giấy phép viễn thông và chịu sự điều chỉnh như những dịch vụ viễn thông truyền thống.
Góp ý tại hội thảo, đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, các quy định hiện nay trong dự thảo sẽ tạo nên những rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu, là những dịch vụ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế số.
"Sự phát triển của hai loại hình dịch vụ này rất cần huy động mọi nguồn lực bao gồm cả vốn và và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt là từ khu vực đầu tư nước ngoài", đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN nêu quan điểm.
Theo đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN, việc quản lý các dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông với những hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, quy định về cấp phép như đối với dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, dự thảo hoặc buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải ký kết hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước là những quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Hơn nữa, đại diện của Hội đồng này cũng nhấn mạnh rằng dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu đều không phải là dịch vụ viễn thông nên không rõ vì sao các dịch vụ này lại được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật viễn thông (sửa đổi) và quản lý như các dịch vụ viễn thông.
Không thu phí
Trong khi đó, Luật sư điều hành Công ty luật BKVN Trần Mạnh Hùng cho rằng, việc quản lý các dịch vụ OTT như những dịch vụ viễn thông là bất hợp lý vì các dịch vụ này khác với dịch vụ viễn thông về bản chất.
Cụ thể, các dịch vụ như tin nhắn, hội thoại hay hội họp trên các nền tảng Internet (hay còn được gọi là các "dịch vụ OTT") chỉ có thể được cung cấp trên cơ sở người sử dụng dịch vụ đã kết nối Internet, tức là người sử dụng đã sử dụng dịch vụ viễn thông.
Luật sư Hùng cho biết, các dịch vụ OTT được cung cấp trên các nền tảng kỹ thuật số mở, không thu phí, không có số thuê bao, và không sử dụng các tài nguyên viễn thông như tần số hay kho số viễn thông như các dịch vụ viễn thông.
Vì vậy, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng không áp dụng các tiêu chuẩn và qui định điều chỉnh dịch vụ OTT giống như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống.
Theo luật sư Hùng, Luật viễn thông (sửa đổi) các quy định trong dự thảo như yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới phải có hợp đồng thương mại với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ là những rào cản đối với các dịch vụ OTT hoạt động tại Việt Nam.
Luật sư Hùng nhấn mạnh rằng những người sử dụng dịch vụ OTT đều đã phải có thuê bao hay quan hệ hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông rồi nên không có cơ sở pháp lý hay thực tiễn nào để các nhà cung cấp dịch vụ OTT phải ký một hợp đồng thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Bên cạnh những ý kiến nêu trên, đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham) nêu lên quan ngại đối với những quy định về dịch vụ điện toán đám mây.
Cụ thể, pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp hiện không có quy định nào về việc dịch vụ điện toán đám mây là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng không có bất kỳ hạn chế nào đối với dịch vụ này.
Tuy nhiên, Dự thảo luật lại đang áp đặt một số điều kiện như dịch vụ này phải được cấp giấy phép viễn thông hay hạn chế sở hữu đầu tư nước ngoài, hay phải lập văn phòng đại diện đối với những dịch vụ điện toán đám mây xuyên biên giới. Liệu quy định những điều kiện và hạn chế như vậy có trái với các pháp luật hiện hành về đầu tư và các cam kết quốc tế của Việt Nam hay không?
Các doanh nghiệp và người dân đang được hưởng nhiều lợi ích từ những hình thức liên lạc, trao đổi thông tin và hội họp qua các nền tảng Internet miễn phí.
Đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 khi các doanh nghiệp không thể gặp gỡ nhau trực tiếp thì các nền tảng liên lạc như họp trực tuyến, điện thoại và tin nhắn qua Internet đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư một cách hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, và đầu tư xuyên biên giới.
Vì vậy, có thể nói các loại hình dịch vụ thông tin trên nền tảng Internet đã đóng góp tích cực vào việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch. Hiện nay các loại dịch vụ OTT này đang là một phần không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu không được tận dụng những công cụ liên lạc hữu hiệu và miễn phí này, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.