Chinh phục thị trường khó tính
Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), vừa qua, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sữa tươi của Việt Nam nhưng thực tế từ năm 2013 Trung Quốc đã mở cửa thị trường, 6 năm qua, Bộ NNPTNT mà đầu mối là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã phối hợp chặt với phía Trung Quốc thực hiện các bước để sản phẩm sữa Việt chính thức tiếp cận thị trường này.
Ông Hòa cho biết, hiện mới có sữa tươi của TH True milk được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang xem xét cho các doanh nghiệp khác, quá trình này có thể mất thêm thời gian.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tham dự Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngày 22/10 tại Hà Nội. (ảnh: Trần Quang)
"Việc Tập đoàn TH xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc đã đánh dấu bước ngoặt trong việc chúng ta sẽ đàm phán tiếp, giải quyết các vấn đề về giám sát xuất khẩu. Bản thân Bộ NNPTNT đã hết sức cố gắng trong việc xây dựng các chương trình giám sát dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm. Không chỉ những tập đoàn lớn như TH mới có thể vượt qua hàng rào kỹ thuật mà ngay những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể. Vấn đề là họ nắm bắt cơ hội và những chính sách của nước sở tại thay đổi như thế nào" - ông Hòa khẳng định.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Tập đoàn TH cho rằng: Từ những ngày đầu thành lập, Công ty TH True Milk đã vạch ra con đường đi rất rõ ràng đó là “Vì sức khỏe cộng đồng” và “Hoàn toàn từ thiên nhiên”. “Chúng tôi cung cấp những sản phẩm tươi, sạch, không chỉ cho người tiêu dùng Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam mà chúng tôi còn có khát vọng đưa sữa tươi sạch chinh phục thị trường quốc tế, và doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được công thức này để chinh phục thị trường khó tính của thế giới” – bà Thủy nói.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho ngành sữa của Việt Nam, bà Thủy cho rằng: Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ để không chỉ chinh phục thị trường đông dân nhất mà còn là các thị trường tiềm năng khác, với khát vọng đưa ly sữa tươi sạch Việt vươn xa thế giới.
Bài học cho các doanh nghiệp Việt
Chính phủ cần có những quy chuẩn, quy định quốc gia về các mặt hàng nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, khi có tiêu chuẩn rồi thì chúng ta sẽ tự tin đưa sản phẩm của mình vươn tầm quốc tế. Tiếp đến là, cần có những quy định minh bạch hơn về thị trường sữa”.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy |
Đánh giá về việc sản phẩm sữa của TH chính thức chinh phục thị trường Trung Quốc, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, cho rằng: Việc Việt Nam xuất khẩu được sữa tươi vào Trung Quốc có 4 ý nghĩa lớn.
Một là, khẳng định chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên trục xuất khẩu nông sản là đúng hướng. Khi đã ưu tiên cho trục nông sản xuất khẩu thì đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để tổ chức lại sản xuất. Thành công của TH true milk cho thấy sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực và lao động đã đạt đến mức đi xa vào thị trường khó tính. Ở đó, doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học dẫn dắt được chuỗi giá trị.
Hai là, sự kiện này mở đường cho nông sản xuất khẩu, vừa là cánh kéo về mặt khối lượng, giá trị, vừa là cánh kéo để mở đường cho nông sản của vùng miền tham gia vào chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Việc Việt Nam đưa được sản phẩm sữa tươi vào thị trường Trung Quốc có thể khẳng định doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đủ năng lực, khả năng để đáp ứng với các tiêu chuẩn theo hợp đồng của bên khách hàng đặt.
Thứ ba, thúc đẩy liên kết ngang giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cùng thúc đẩy liên kết dọc theo đường đi của nông sản; đồng thời thúc đẩy cả liên kết giữa địa phương và Trung ương.
Thứ 4, xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ là hoạt động đòi hỏi sự cách tân của Nhà nước, đòi hỏi sự cách tân của những người làm chính sách, đòi hỏi sự cách tân của người làm giao thương, làm thương mại. Nếu không cách tân thì không thể nói là sự mở đường cho sự phát triển.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, trước hết chúng ta thấy Tập đoàn TH không đơn thuần là một doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn là một nhà sản xuất, đồng thời gắn với vùng nguyên liệu. Như vậy bản thân Tập đoàn TH đã hình thành một chuỗi sản xuất hàng hóa từ khâu nuôi trồng, khâu giống cho đến khâu sản xuất chế biến đến tìm hiểu thị trường và bán ra thị trường.
"Ở đây chúng ta thấy một bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nếu không có khoa học công nghệ để áp dụng từ khâu đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà các nước đang xây dựng là rất khó" - ông Kiên nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.