Suất cơm tại trường không đảm bảo chất lượng: Sinh viên, học sinh có quyền yêu cầu trả lại tiền đã nộp
Suất cơm tại trường không đảm bảo chất lượng: Sinh viên, học sinh có quyền yêu cầu trả lại tiền đã nộp
Quang Trung
Chủ nhật, ngày 13/10/2024 09:35 AM (GMT+7)
Vừa qua vụ việc sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phản ánh phải ăn cơm thừa tiếp tục cho thấy góc khuất trong suất ăn phục vụ học sinh, sinh viên. Chuyên gia pháp lý bình luận về vụ việc này.
Xử lý nghiêm vụ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm có "dị vật"
Bộ GD&ĐT mới có công văn gửi Đại học Bách khoa Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm chất lượng bữa ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm sau khi có những phản ánh về chất lượng bữa ăn không bảo đảm của sinh viên trong thời gian học tập trung môn học giáo dục quốc phòng và an ninh.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT yêu cầu Đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ đạo xác minh làm rõ nội dung phản ánh về chất lượng bữa ăn không bảo đảm của sinh viên trong thời gian học tập trung môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Xử lý nghiêm đối với tập thể và cá nhân có liên quan (nếu có vi phạm) theo quy định của pháp luật.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, các tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh thừa trong thời gian học giáo dục quốc phòng và an ninh. Không những vậy, một số sinh viên cho biết nhiều lần đã phát hiện ra "dị vật" như gián trong thức ăn tại nhà ăn A15.
Sinh viên có thể yêu cầu trả lại tiền đã nộp
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trước những vi phạm nêu trên, việc Đại học Bách khoa Hà Nội dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn và nhận trách nhiệm là cần thiết.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của cơ sở dịch vụ cung cấp suất ăn có đảm bảo theo quy định của pháp luật hay không, có giấy phép kinh doanh hay không, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Đồng thời làm rõ hoạt động kinh doanh của cơ sở này được thực hiện như thế nào, tại sao lại để xảy ra tình trạng phục vụ bữa ăn cho sinh viên thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp như vậy.
Rất may, sự việc chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm hay những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh viên.
Tuy nhiên, đây sẽ là bài học về đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm. Với những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thiếu đạo đức, đề cao lợi nhuận mà xem nhẹ sức khỏe của người khác cần phải đấu tranh lên án và xử lý nghiêm minh bằng chế tài của pháp luật.
Nếu xác định có hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tổ chức cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền, bị tạm đình chỉ hoạt động, thậm chí có thể bị tước chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, các sinh viên ăn phải thức ăn thừa có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn phải hoàn lại số tiền đã nộp. Nếu chất lượng bữa ăn không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe còn phải bồi thường thiệt hại.
"Đối với các nhà trường, đây là bài học về công tác quản lý, trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ và giám sát quá trình thực hiện việc cung cấp dịch vụ bữa ăn cho sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, ngoài việc nhận trách nhiệm, cơ sở giáo dục này cũng cần làm rõ nguyên nhân và có những chấn chỉnh kịp thời để tránh những vụ việc tương tự có thể tái diễn" – ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.