“Trong 5 năm qua (2010-2015) phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phát động đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa rất lớn, mọi nông dân cùng nhau thi đua trong gia đình, trong xóm làng. Phong trào thi đua đã đạt được những kết quả rất ấn tượng”. Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (ảnh) nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN.
Các đại biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương đại biểu nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ III, ngày 15.8.2010. Ảnh: Đàm Duy
Phó Chủ tịch Thường trực Lại Xuân Môn cho biết, thực hiện phương châm lấy lợi ích kinh tế, quyền lợi thiết thực của ND làm phương thức, động lực hoạt động để thu hút, tập hợp, vận động hội viên, Hội ND các cấp đã đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua lớn đó là: Phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Phong trào ND thi đua xây dựng nông thôn mới; Phong trào ND tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là 3 phong trào thi đua rất thiết thực, gần gũi đối với đời sống nông thôn, được ND hưởng ứng tích cực. Vì vậy các phong trào thi đua phát triển cả bề rộng, chiều sâu và có sức lan tỏa.
Xin Phó Chủ tịch cho biết những kết quả nổi bật của 3 phong trào thi đua lớn mà Hội ND phát động và thực hiện trong 5 năm (2010-2015)?
- Phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có sức lan tỏa rộng, đã thu hút được đông đảo các hộ ND tham gia. Bình quân hàng năm có 8,2 triệu hộ ND đăng ký danh hiệu, trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD giỏi) các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều ND đạt danh hiệu này; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm. So với giai đoạn 2005 - 2010, số hộ có mức thu lợi nhuận hàng năm trên 200 triệu đồng tăng gấp 3 lần, trên 1 tỷ đồng tăng gấp 5 lần.
Phong trào đã khuyến khích, động viên hội viên, ND phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức- giúp về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn; chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào các vùng gặp thiên tai lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh... Hộ ND SXKD giỏi các cấp đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 12,6 triệu lượt lao động.
Phong trào ND thi đua xây dựng nông thôn mới như một cuộc cách mạng, lôi cuốn hàng triệu hội viên, ND hưởng ứng, tích cực tham gia, lan tỏa rộng khắp. Hàng vạn gia đình hội viên, ND tự nguyện hiến 24 triệu m2 đất thổ cư, đất canh tác, đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, 29 triệu ngày công lao động để sửa chữa và làm mới 1 triệu km đường giao thông nông thôn... Việc ND tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người ND được nâng lên rõ rệt.
Một trong những phong trào rất thiết thực đối với đời sống nông thôn đó là ND tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Qua 5 năm, hội viên, ND đã phát hiện, tố giác được 42.725 vụ vi phạm pháp luật, vận động được 8.000 đối tượng phạm tội ra tự thú với cơ quan pháp luật, cảm hóa giúp đỡ được 27.640 người lầm lỗi... Phong trào đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Để đạt được những kết quả lớn đó, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Hội NDVN đối với các phong trào thi đua trong những năm qua được thể hiện như thế nào?
- Hội NDVN đã phát động và chỉ đạo 3 phong trào thi đua với đông đảo hội viên, ND tham gia hưởng ứng. Việc phát động và chỉ đạo đúng, trúng nên tạo ra sức lan tỏa sâu rộng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng. Phải làm sao để ND hiểu rõ được lợi ích của 3 phong trào này.
Cách tuyên truyền của Hội ND là gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, hướng nghiệp dạy nghề cho hội viên, ND. Hội tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình điển hình để ND học tập và nhân rộng. Các cấp Hội, các đơn vị, cơ quan chuyên trách đã linh hoạt, vận dụng, cụ thể hóa thành các phong trào thi đua phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực, phát huy hiệu quả, tính chủ động, sáng tạo của các cụm, khối trong việc tổ chức triển khai nội dung, tiêu chí phong trào thi đua.
Bên cạnh những kết quả rõ nét, công tác chỉ đạo và triển khai các phong trào thi đua còn những hạn chế gì cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?
" Bình quân hàng năm có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ ND SXKDG các cấp. Từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều ND giỏi; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm”.
Phó Chủ tịch thường trực Lại Xuân Môn
|
- Thứ nhất, mặc dù chúng ta có hệ thống tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và của Hội ND, nhưng công tác tuyên truyền các phong trào này chưa thường xuyên. Cần tuyên truyền thường xuyên liên tục, kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì phong trào sẽ hiệu quả hơn.
Thứ hai, hình thức tổ chức để tuyên truyền chưa phong phú, cán bộ hội năng lực trình độ còn hạn chế, tuyên truyền phải có phương pháp, hệ thống cách thức, tuyên truyền cần phải gắn với hỗ trợ. Nhiều nơi chưa làm được, nhất là những nơi khó khăn.
Chúng ta đã xây dựng tốt các mô hình nông nghiệp thí điểm. Từ những mô hình này, nhiều bà con ND đã học tập thành công. Tuy nhiên chúng ta đang gặp khó khăn, lúng túng trong khâu tiêu thụ cho bà con. Tiêu thụ khó khăn chắc chắn ảnh hưởng đến tính hiệu quả của phong trào.
Thưa Phó Chủ tịch thường trực, trong giai đoạn tiếp theo, phong trào thi đua yêu nước của Hội NDVN sẽ có những đổi mới gì so với các giai đoạn trước?
- Đó là tổ chức phong trào, phát động phong trào phải gắn với hỗ trợ; tổ chức phong trào gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản; tổ chức phong trào gắn với đẩy mạnh biểu dương khen thưởng kịp thời. Những hộ ND làm kinh tế giỏi sẽ được đưa lên sàn kết nối cung cầu để ND sản xuất, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ.
Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới sẽ hạn chế phát động ND đóng góp vật chất, thay vào đó khuyến khích ND đóng góp ý tưởng, hiến kế xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng người ND mới trong thời kỳ hội nhập. Đó phải là người có trình độ về học nghề, có kiến thức sản xuất lớn, chủ động tiếp thu khoa học công nghệ, có tư duy dự báo thị trường...
Xin cảm ơn ông!
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Mục đích của thi đua yêu nước là:
Diệt giặc đói
Diệt giặc dốt
Diệt giặc ngoại xâm
Cách làm là; dựa vào
Lực lượng của dân
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau
Làm cho tốt
Làm cho nhiều
Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên 1 chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”
(Trích lời kêu gọi thi đua ái quốc của
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11.6.1948)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.