Sức sống mới nơi rừng ngập mặn

Thứ ba, ngày 11/10/2011 16:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông trường 414 (Cục Hậu cần, Quân khu 9) được xem là vùng sâu, vùng xa của Cà Mau, nhưng đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày.
Bình luận 0

Những ngày “mở đất”

Thành lập năm 1982, đứng chân trên địa bàn 2 xã Tân An Tây và Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Nông trường 414 có tổng diện tích hơn 2.000ha, trong đó có gần 1.000ha rừng đước ngập mặn nằm trong vùng bán đảo Cà Mau.

img
Cán bộ, chiến sĩ Nông trường 414 trồng rừng.

Thượng tá Phạm Văn Nghĩa – Chính uỷ Nông trường cho biết: “Vùng đất này trước đây vốn hoang hoá, thưa thớt dân cư. Những ngày đầu “mở đất” thật sự gian truân, vất vả. Sự cố gắng trong lao động, sản xuất, cải tạo thiên nhiên có những giai đoạn phải thua lỗ nặng nhưng bù lại là kinh nghiệm từ thực tế. Đến nay mọi việc đã đi vào ổn định, lợi nhuận mang về hàng năm từ rừng đước và các diện tích nuôi thuỷ sản đều vượt chỉ tiêu Quân khu giao, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân nông trường được cải thiện rõ rệt”.

Theo lời thượng tá Nghĩa, các hộ dân khi hợp đồng với nông trường sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/ha rừng và 300.000 đồng/ha nuôi tôm. Chủ trương đúng đắn này đã “kéo” hàng trăm hộ dân từ các vùng lân cận về đây lập nghiệp.

Gia đình ông Trương Văn Tỷ (Đội 1) là một trong những hộ dân có thời gian “bám rừng” hơn 10 năm nay. Ngay từ khi nông trường có chủ trương giao khoán rừng cho dân, ông Tỷ đã nhận chăm sóc 10ha rừng kết hợp nuôi tôm sú.

“Lúc đầu đến đây, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, các anh em trong nông trường đã giúp đỡ tận tình cả về con giống cũng như kỹ thuật nuôi tôm; còn rừng đước thì mình bỏ công coi sóc, đến khi thu hoạch cũng được chia một phần” – ông Tỷ kể. Với thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng, ông Tỷ đã xây được nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi, các con ông đều được đến trường.

Giúp dân an cư lạc nghiệp

Hơn nửa đời người, ông Mai Văn Bảy, quê huyện Thới Bình phải làm thuê làm mướn vẫn không thoát cảnh nghèo. Năm 1993 về nông trường, ông mới được an nhàn với thu nhập mỗi năm trên 80 triệu đồng từ 7ha nuôi tôm. Ông Bảy xúc động nói: “Chúng tôi được như hôm nay đều nhờ vào anh em nông trường. Trong cái khó, cái khổ lại được giúp đỡ cưu mang thật đáng quý biết bao”.

Doanh thu hàng năm của nông trường đều tăng, năm 2010 đạt 7,07 tỷ (đạt 102%); riêng 9 tháng đầu năm 2011 doanh thu đạt 7,4 tỷ đồng (đạt 107%); thu nhập bình quân của nông trường viên luôn được cải thiện, năm 2010 là 3,7 triệu đồng/người/tháng, năm 2011 là 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, nông trường có tổng số 217 hộ dân hợp đồng nhận khoán rừng kết hợp nuôi tôm. 10 năm trước, 95% số hộ dân nông trường thuộc diện nghèo thì nay tỷ lệ đó chỉ còn 5%.

Trung tá Nguyễn Trường Tộ - Giám đốc Nông trường nói: “Người ta bảo an cư thì mới lạc nghiệp, vì vậy nông trường không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân, ngay cả điện, nước sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ… chúng tôi đều lo đến nơi đến chốn. Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư xây dựng trường học (bậc tiểu học) và được phòng giáo dục huyện hỗ trợ giáo viên đứng lớp...”.

Khó mà ngờ rằng giữa những cánh rừng đước ngập mặn quanh năm, hôm nay lại bừng lên một sức sống thật mãnh liệt. Điều đó đã minh chứng về ý chí, nghị lực và tinh thần vượt khó của những “người lính làm kinh tế” nơi tận cùng của Tổ quốc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem