Sưu tập vàng lá ở Tiền Giang, mặt nạ vàng ở Vũng Tàu được công nhận Bảo vật Quốc gia

Hà Tùng Long Chủ nhật, ngày 26/12/2021 14:30 PM (GMT+7)
Trong 23 bảo vật vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công nhận bảo vật quốc gia hôm 25/12/2021 có mặt nạ vàng Giồng Lớn (Tiền Giang) và sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bình luận 0

Cụ thể, 23 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:

1- Trống đồng Gia Phú (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai).

2- Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn (Niên đại: Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

3- Mặt nạ vàng Giồng Lớn (Niên đại: Thế kỷ I trước Công nguyên - thế kỷ II sau Công nguyên; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Sưu tập vàng lá ở Tiền Giang, mặt nạ vàng ở Vũng Tàu được công nhận Bảo vật Quốc gia - Ảnh 1.

Giồng Lớn là một di chỉ mộ táng tọa lạc trên một giồng cát ven biển, nằm dài 1km theo hướng đông – tây với bề rộng khoảng 100m, thuộc xã đảo Long Sơn - thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại đây, qua hai đợt khai quật khảo cổ năm 2003 và 2005, hàng ngàn hiện vật đã được phát hiện, gồm có: đồ gốm, đồ đá, đồ sắt; đặc biệt rất phong phú đồ trang sức bằng thủy tinh, đá nê-phrít, mã não, hồng ngọc và bằng vàng.

3 chiếc mặt nạ bằng vàng được tìm thấy có đặc điểm. Chiếc thứ nhất là một mảnh lá vàng hình chữ nhật (dài khoảng 15cm, rộng khoảng 3cm), được chạm nổi với đôi mắt hình lá răm, đôi lông mày nhuyễn, cong và sống mũi cao. Chiếc thứ hai là một mảnh lá vàng hình chữ nhật (dài khoảng 15cm, rộng khoảng 6cm), được chạm nổi với đôi mắt mở lớn, đôi lông mày xuôi và sống mũi cao. Chiếc thứ ba là một mảnh lá vàng hình chữ nhật (dài khoảng 15cm, rộng khoảng 8cm), được chạm nổi hình đôi mắt mở lớn, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, sống mũi nổi cao và có đôi môi khá dày.

Có ý kiến cho rằng những họa tiết trên chiếc mặt nạ này thể hiện đặc trưng của nhóm nhân chủng Polynesien. Ngoài rìa của các hiện vật đều có lỗ để buộc dây đeo. Có nhiều khả năng đây là những chiếc mặt nạ được đặt trên mắt người chết, trước khi mai táng.

4- Sưu tập qua đồng Long Giao (Niên đại: Thế kỷ I - III; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai).

5- Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (Niên đại: Thế kỷ III - IV; hiện lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang).

6- Nhẫn Nandin Giồng Cát (Niên đại: Thế kỷ V; hiện lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang).

7- Tượng Thần Vishnu Bình Hòa (Niên đại: Khoảng thế kỷ VI - VII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai).

8- Sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành (Niên đại: Thế kỷ VI - VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang).

Sưu tập vàng lá ở Tiền Giang, mặt nạ vàng ở Vũng Tàu được công nhận Bảo vật Quốc gia - Ảnh 3.

Sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành có niên đại Thế kỷ VI-VIII. Ảnh: TL.

Bộ sưu tập lá chạm khắc hình voi Gò Thành gồm 18 hiện vật là vàng lá chạm khắc hình voi được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Gò Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trong đợt khai quật năm 1989.

Đây là sưu tập hiện vật gốc rất độc đáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, là một tư liệu nổi bật minh chứng cho một giai đoạn phát triển quan trọng đối với văn hóa Óc Eo. Đồng thời là sản phẩm của quá trình phát triển có tính kế thừa, giao lưu văn hóa diễn ra không ngừng qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, phản ánh truyền thống lịch sử phát triển liên tục của văn hóa Óc Eo.

9- Đài thờ Mỹ Sơn A10 (Niên đại: Thế kỷ IX - X; hiện lưu giữ tại đền A10, khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

10- Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long (Niên đại: Thế kỷ XI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội).

11- Sưu tập gốm men trắng An Biên (Niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ trong Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng).

12- Phù điêu Thần Hộ pháp Mả Chùa (Niên đại: Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định).

13- Thống gốm hoa nâu An Sinh (Niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

14. Thạp gốm hoa nâu thời Trần (Niên đại: Thế kỷ XIII - XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

15- Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng (Niên đại: Thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại chùa Xuân Lũng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

16- Hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long (Niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội).

17- Bình gốm men vẽ nhiều màu (Niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

18- Tháp đất nung đền An Xá (Niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên).

19- Cây hương chùa Tứ Kỳ (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

20- Hương án chùa Keo (Thái Bình) (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

21- Ấn "Hoàng đế Tôn thân chi bảo" (Niên đại: Năm 1827; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

22- Mộc bản sách "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" (Niên đại: Năm 1885; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh).

23- Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi Trang Chước (Niên đại: Năm 1953 - 1955; hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ).

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem