Nghiên cứu trên được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học được dẫn đầu bởi PGS Adam Martin tại đại học Toronto. Dữ liệu từ Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã được sử dụng để tìm hiểu về sự phân bố của các loại cây trồng tại các trang trại công nghiệp quy mô lớn từ năm 1961 đến năm 2014.
Kết quả cho thấy, xét về tính khu vực, sự đa dạng cây trồng đã và đang tăng lên, trong đó Bắc Mỹ là một ví dụ với 93 loại cây trồng khác nhau ở thời điểm hiện tại so với 80 loại vào thập niên 1960. Theo PGS Martin, vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là hiện tượng chỉ vài loại cây trồng đang được canh tác với quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây trên toàn thế giới. Nói cách khác, các trang trại quy mô lớn ở châu Á, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ đang bắt đầu trồng giống nhau.
Đậu nành là một trong số ít các loại cây trồng đang chiếm ưu thế trong nền nông nghiệp toàn cầu, và đó không phải là một sự phát triển tốt cho nông nghiệp bền vững - PGS Adam Martin nhận định. Ảnh: IT
PSG Martin cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là những loại cây trồng độc canh có giá trị thương mại đang được trồng với số lượng lớn trên khắp thế giới. Các trang trại lớn thường chỉ trồng một loại cây, với chỉ một kiểu gen duy nhất, trên hàng ngàn hecta đất."
Đậu nành, lúa mì, lúa gạo và ngô là những ví dụ điển hình. Chỉ riêng bốn loại cây trồng này đã chiếm 50% toàn bộ đất nông nghiệp của thế giới, trong khi phần còn lại có tới 152 loại cây trồng. Sự thay đổi lớn nhất trong đa dạng nông nghiệp toàn cầu được cho là đã diễn ra trong cuộc trao đổi Columbia (là sự chuyển giao rộng rãi của thực vật, động vật, văn hóa, dân cư, công nghệ và tư tưởng giữa châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Âu trong thế kỷ 15-16) khi các loài thực vật quan trọng về mặt thương mại được đưa đến các khu vực khác nhau trên thế giới.
Trồng xen canh nghệ dưới tán cao su, một kiểu đa dạng cây trồng được nhóm nghiên cứu khuyến cáo. Ảnh: IT
Cũng theo nhóm nghiên cứu của PGS Martin, trong những năm 1980 đã có sự gia tăng lớn về đa dạng cây trồng toàn cầu khi các loại cây trồng khác nhau lần đầu tiên được trồng ở những vùng đất mới với quy mô công nghiệp. Tuy vậy, vào những năm 1990 sự đa dạng cây trồng đã bị khựng lại và từ giai đoạn đó đến nay sự đa dạng bắt đầu suy giảm trên khắp các khu vực. Thêm vào đó, việc thiếu đa dạng di truyền trong từng loại cây trồng cũng khá rõ ràng. Ví dụ như ở Bắc Mỹ, 6 kiểu gen riêng lẻ chiếm khoảng 50% tổng số cây ngô được trồng.
Sự suy giảm đa dạng cây trồng toàn cầu này là một vấn đề rất đáng quan tâm vì nhiều lý do, trong đó có việc ảnh hưởng đến vấn đề lương thực. Ông Martin cảnh báo: "Nếu sự đa dạng cây trồng trong khu vực bị đe dọa, khả năng tiếp cận và sử dụng các loại thực phẩm chính yếu của con người ở những nền văn hóa khác nhau cũng đồng thời phải gánh chịu các tác động tiêu cực liên quan”.
Bệnh vàng lá Panama do nấm gây ra là một trong những bệnh nguy hiểm, gây hại trên cây chuối.
Một vấn đề quan trọng khác là về sinh thái. Theo đó, nếu sự “thống trị” ngày càng tăng của một vài dòng di truyền của cây trồng thì hệ thống nông nghiệp toàn cầu sẽ ngày càng dễ bị sâu bệnh. Một ví dụ cụ thể cho hiện trạng này là sự tàn phá không ngừng của một loại nấm cực nguy hiểm tại các đồn điền chuối trên khắp thế giới.
PGS Martin kết luận: "Quan trọng là phải xem xét những gì chính phủ đang làm để thúc đẩy nhiều loại cây trồng khác nhau trong nông nghiệp, hoặc trong chính sách họ có ủng hộ các trang trại trồng một số loại cây trồng nhất định hay không ?"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.