Thất bát nhiều lần với nghề nuôi lợn, vì sao anh nông dân Thái Nguyên "trụ" được đến bây giờ?

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 14/05/2022 06:05 AM (GMT+7)
Trải qua hơn 10 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi lợn, có thời điểm thua lỗ bởi dịch bệnh tưởng chừng không thể vực dậy, thế nhưng anh Vũ Hải Hồng ở xóm Chùa 1, xã Đắc Sơn (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn quyết bám trụ. Đến nay khi dịch bệnh ổn định, anh dự kiến thu nhập cả tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Trước đây, gia đình anh Vũ Hồng Hải Hồng, xóm Chùa 1, xã Đắc Sơn, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên chuyên sản xuất gạch thủ công quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên do cơ chế thay đổi nên gia đình anh đã chuyển sang chăn nuôi lợn.

Clip: Anh Vũ Hải Hồng, xóm Chùa 1, xã Đắc Sơn, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về những khó khăn, thất bại và những nổ lực, kiên trì trong nghề nuôi lợn.

Anh Hồng cho biết: Anh bắt đầu mua đất từ năm 2007 với diện tích 12.000m2. Đến năm 2011 anh đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với 30 lợn nái. Dần dần anh mở rộng quy mô và phát triển số lượng lớn hơn.

Hiện nay anh có tất cả 100 lợn nái và 400 - 500 lợn thịt. Những lúc cao điểm số lượng lợn nái trong chuồng của anh lên tới 200 con và lợn thịt là 1.000 con. Do tự sản xuất con giống nên lợn nái sinh sản đến đâu gia đình anh nuôi hết đến đó.

Thái Nguyên: Thất bát nhiều lần với nghề nuôi lợn, anh nông dân vẫn quyết vực dậy sau khó khăn - Ảnh 2.

Hiện nay trang trại của gia đình anh Hồng có khoảng 100 lợn nái và 400 - 500 lợn thịt (Ảnh: NVCC)

Anh Hồng chia sẻ, trong quá trình chăn nuôi lợn, gia đình anh đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Đỉnh điểm là năm 2016 – 2017, giá lợn xuống thấp nên gia đình anh bị thua lỗ nặng nề, thiệt hại tới vài tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước khó khăn đó, anh vẫn kiên trì bám trụ, tiếp tục duy trì đàn lợn. Sau đó một thời gian, giá lợn đã ổn định trở lại anh bắt đầu có lãi, tuy nhiên đến năm 2019 – 2020 dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, thương lái ép giá và gia đình anh lại một lần nữa bị thua lỗ. 

Trước những rủi ro lớn bởi dịch bệnh như vậy nên gia đình anh Hồng không dám tái đàn mà chỉ nuôi duy trì với số lượng như hiện tại.

Bước sang năm 2021, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi có tăng cao nhưng giá lợn cũng tăng do đó đã đem lại cho gia đình anh một nguồn thu nhất định. Dự kiến nếu giá lợn ổn định như hiện nay, sau khi xuất bán lứa lợn này, gia đình anh có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

Hiện nay, để chăm sóc tốt cho trang trại lợn, gia đình anh Hồng đang thuê khoảng 4 – 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Hồng, để đảm bảo chăn nuôi lợn không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và người chăn nuôi có lãi thì trong quá trình chăn nuôi cần phải chú ý đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo tốt các yếu tố phòng chống dịch bệnh. 

Người nuôi lợn phải đảm bảo thường xuyên phun thuốc sát trùng, khử khuẩn khoảng 2 lần/tuần vào những lúc dịch bệnh ổn định và 2 ngày/1 lần khi dịch phức tạp. Đồng thời cần phải chú ý cải tạo con giống để tăng năng suất và chất lượng.

Thái Nguyên: Thất bát nhiều lần với nghề nuôi lợn, anh nông dân vẫn quyết vực dậy sau khó khăn - Ảnh 3.

Theo anh Hồng, để đảm bảo chăn nuôi lợn không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì cần phải chú ý đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, để chăn nuôi thuận lợi cần phải xem xét cả địa thế, lựa chọn quy mô chăn nuôi phù hợp và điều vô cùng quan trọng là phải chủ động được nguồn vốn.

Với số lượng đàn lợn hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình anh Hồng tiêu thụ từ 700 – 800 tấn cám công nghiệp. Do chủ động được nguồn vốn đầu tư thức ăn chăn nuôi nên anh Hồng đặt mua thẳng với nhà máy cám. Cùng với đó do chủ động được con giống nên chi phí chăn nuôi giảm đáng kể.

Thái Nguyên: Thất bát nhiều lần với nghề nuôi lợn, anh nông dân vẫn quyết vực dậy sau khó khăn - Ảnh 4.

Do tự sản xuất được con giống nên chi phí chăn nuôi lợn của gia đình anh giảm đi đáng kể (Ảnh: NVCC)

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Hồng xuất chuồng 2 lứa với khoảng 80 tấn lợn, nếu chăm sóc tốt có thể xuất bán 100 tấn/năm. Thị trường hiện nay của gia đình anh chủ yếu bán cho thương lái trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương lân cận.

Theo anh Hồng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với người chăn nuôi là thức ăn chăn nuôi leo thang rất cao do đó lợi nhuận giảm đi đáng kể. Cùng với đó là xu hướng của địa phương đang dần đô thị hoá, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp nên không thể mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi. Do đó gia đình anh chỉ có thể duy trì quy mô như hiện tại.

Ngoài nuôi lợn, gia đình anh Hồng còn chăn nuôi gia công gà thịt cho một đơn vị doanh nghiệp. Với diện tích chuồng nuôi khoảng 2.000m2, hiện anh đang chăn khoảng 14.000 gà trắng. 

Để kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc tốt cho trang trại gà, anh thuê thêm 5 nhân công thường xuyên. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán 5 lứa gà với mỗi lứa khoảng 40 tấn thu về lợi nhuận từ 200 – 250 triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem