Ông Hoan cho biết: Thực hiện TCC không thể vội vã, phải làm quyết liệt nhưng thận trọng. Bởi TCC nông nghiệp không thể thành công qua một, hai mùa vụ mà phải mất nhiều năm, trải qua nhiều bước đi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa kiến nghị T.Ư điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách.
Khi còn trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông đã từng khóc vì những nỗi khổ của nhà nông, của những khó khăn mà người nông dân phải gánh chịu. Đây có phải là động lực chính khiến ông và lãnh đạo tỉnh quyết tâm thực hiện TCC nông nghiệp của tỉnh nhà?
- Thực sự, tôi không quá bi như vậy, nhưng thật sự tôi cảm thấy rất “đau” trước thực trạng của nền nông nghiệp, trước cuộc sống của người ND, những người mà trong quá khứ là chỗ dựa cho cách mạng, trong thời bình đang là lực lượng chủ lực trong giữ an ninh lương thực quốc gia và đóng góp cho xuất khẩu.
Đất nước nào cũng trải qua giai đoạn lấy nông nghiệp để làm tiền đề phát triển công nghiệp, dịch vụ. Sau khi phát triển sẽ đầu tư trở lại để nông nghiệp phát triển, nông thôn sung túc, ND giàu có.
Nhưng ngẫm lại, Việt Nam đang dần trở thành nước công nghiệp nhưng nền nông nghiệp vẫn loay hoay theo cấu trúc cũ, đời sống người ND vẫn đối mặt với vô vàn khó khăn; những "điệp khúc buồn" trong nông nghiệp vẫn diễn ra và lặp lại theo chu kỳ mùa vụ.
Đó không chỉ là nỗi đau, mà còn là trách nhiệm của người lãnh đạo, của tất cả chúng ta. Thấy đau và trách nhiệm để hành động, nhưng không trông chờ, không ca thán nữa. Đồng Tháp không TCC theo kiểu phong trào, kiểu “mặc đồng phục”, mà TCC từ đặc điểm riêng của mình, lấy cấp cơ sở là địa bàn để triển khai, lấy ND và doanh nghiệp là đối tượng tác động trực tiếp.
Có một số tỉnh ở ĐBSCL đã phát triển theo hướng tập trung vào công nghiệp, dịch vụ, vì sao Đồng Tháp lại lấy nông nghiệp làm thế mạnh, thưa ông?
- Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, nằm trong vùng trọng điểm về nông nghiệp của quốc gia. Đồng Tháp là địa phương đứng thứ 3 cả nước về sản xuất lúa gạo, đồng thời là trung tâm thu mua, chế biến lúa gạo lớn nhất khu vực; đứng đầu về nuôi và chế biến cá tra; là vùng trồng cây ăn trái lớn đồng thời cũng là địa phương có truyền thống trồng hoa kiểng.
Có thể nói, trong những năm qua, Đồng Tháp đã đi lên từ nông nghiệp, từ nông nghiệp đã tạo điều kiện hình thành ngành công nghiệp chế biến nông sản mạnh.
Tuy nhiên, sau 30 năm khai phá tiềm năng đất đai vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi đứng trước thách thức lớn, đó là nông nghiệp đã phát triển hết theo chiều rộng, dựa trên quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất tự phát, manh mún, dựa trên kinh nghiệm đã cho thấy không còn phù hợp và là điểm nghẽn lớn nhất khi muốn chuyển sang phát triển dựa vào chiều sâu, theo hướng thị trường.
Tóm lại, từ đồng ruộng, mảnh vườn, ao cá của mình, từ những người ND dầm dãi, một nắng hai sương của mình, Đồng Tháp quyết tâm triển khai chủ trương TCC, dẫu biết đây là một quá trình lâu dài, không bằng phẳng; thậm chí, chúng tôi xem đây như là một cuộc cách mạng.
Vậy khi TCC nông nghiệp, Đồng Tháp sẽ làm gì để thay đổi thực trạng trên của chính mình?
- Đề án TCC nông nghiệp của Đồng Tháp có 3 nội dung chính, đó là: Hợp tác, liên kết và thị trường. Hợp tác giữa những người sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản.
Liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào để giảm chi phí; giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu mua, chế biến đầu ra để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Cuối cùng là, định vị sản xuất theo thị trường, lấy thị trường quyết định quy mô, chủng loại, chất lượng nông sản.
Sau khi thực hiện TCC, bức tranh nông nghiệp mới của Đồng Tháp sẽ như thế nào và liệu người nông dân có phần nào thoát khỏi những khó khăn hiện nay?
- Như tôi đã đề cập ở trên, mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, bộ mặt nông thôn mới thay đổi, người ND xứng đáng nhận được những gì mà họ đã đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
TCC không phải là thay đổi quy mô sản xuất, vì điều đó do thị trường quyết định ở từng thời điểm, mà chính là cấu trúc lại mô hình sản xuất, trong đó như trên tôi đã đề cập, là dựa vào 3 yếu tố: Hợp tác, liên kết và thị trường.
Đến nay, dù mới ở những bước đi đầu tiên, nhưng chúng tôi rất vui là đã nhận được sự đồng thuận của ND và doanh nghiệp, bộ máy cơ sở đã chuyển động, không còn trông chờ vào mô hình chung từ tỉnh. Đó chính là sự thay đổi tư duy một chiều từ trên xuống, tạo ra sự năng động từ cấp cơ sở, nơi xuất phát những đòi hỏi từ cuộc sống sinh động.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: “Đồng Tháp cũng đặt ra 4 định hướng cho phát triển nông nghiệp, gồm: Mục tiêu mũi nhọn là phát triển nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch; đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của xây dựng nông thôn mới, TCC nông nghiệp; khai thác sức mạnh của thanh niên, giới trẻ và chiến lược đào tạo nghề cho lực lượng lao động tham gia xây dựng nền nông nghiệp hiện tại và tương lai; phát huy vai trò của cộng đồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.