Theo PGS - TS Lê Bắc Huỳnh - Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, đến nay cả nước đã xây dựng gần 2.000 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, dung tích mỗi hồ từ 0,5 triệu m3 trở lên. Riêng Bắc Trung bộ có 501 công trình hồ chứa.
Tuy nhiên, hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du của các công trình rất thấp hoặc không có. “Phát triển thủy điện tràn lan khiến các dòng sông tự nhiên bị băm nát, làm mất rừng đầu nguồn, khiến đa dạng sinh học bị giảm và gia tăng lũ quét”- ông Huỳnh nói.
Theo PGS - TS Nguyễn Đình Hòe - Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, những hồ đập ở thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên - Huế) là những “quả bom nước” treo trên đầu người dân dưới hạ lưu.
Ông Nguyễn Đính- Viện Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững- cảnh báo: Lũ lụt trên sông Bồ sẽ căng thẳng hơn sau khi thủy điện A Sáp ở A Lưới đi vào hoạt động vì dòng sông này sẽ phải gánh thêm lượng nước rất lớn. Các vùng hạ lưu của sông sẽ bị ngập úng nghiêm trọng hơn, xói lở bờ sông cũng sẽ chóng mặt hơn.
PGS - TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng, khi quy hoạch và xây dựng các công trình thủy điện, các đơn vị liên quan đã bỏ qua quyền lợi của cộng đồng.
Cụ thể, các nhà khoa học và người dân không được tham gia đóng góp ý kiến trong các vấn đề quy hoạch, xây dựng và vận hành hồ đập ở thượng nguồn. Ngay cả các đơn vị như ngành nước, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt cũng không được đóng góp ý kiến.
Các chuyên gia cho rằng với các hồ thủy điện hiện có là đủ, không nên phát triển thêm, đồng thời cần sớm xem xét, loại bỏ bớt thủy điện ở thượng nguồn sông. Với các hồ đã có nên ưu tiên từ thủy điện sang phòng lũ.
“Cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự phối hợp của toàn xã hội, nhất là nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, phát hiện những vấn đề môi trường do quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành các công trình thủy điện”- PGS - TS Lê Bắc Huỳnh đề xuất.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.