Tài năng điện ảnh đang cạn kiệt

Thứ ba, ngày 30/07/2013 07:01 AM (GMT+7)
“Khi tôi tìm diễn viên, đặc biệt là vai diễn cho nhân vật Xuân tóc đỏ, tôi thấy rằng tài năng diễn xuất của nền điện ảnh nước nhà dường như đang cạn kiệt”- đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ.
Bình luận 0
“Khi tôi tìm diễn viên, đặc biệt là vai diễn cho nhân vật Xuân tóc đỏ, tôi thấy rằng tài năng diễn xuất của nền điện ảnh nước nhà dường như đang cạn kiệt”- đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ với phóng viên NTNN khi bộ phim “Trò đời” đóng máy và chuẩn bị ra mắt khán giả VTV vào tháng 8 tới.

Kinh phí đắt gấp 3 lần

Thưa đạo diễn- NSƯT Nhuệ Giang, chị có thể chia sẻ gì về bộ phim được nhiều người trông đợi này?

- Bộ phim “Trò đời” được thực hiện dựa trên một vài tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, trong đó nửa chính của serie phim này là tác phẩm “Số đỏ”, phần còn lại là các phóng sự “Cơm thầy cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy Tây”.

Cặp diễn viên Việt Bắc (Xuân tóc đỏ) và Mai Chi (cô Tuyết) trong phim Trò đời.
Cặp diễn viên Việt Bắc (Xuân tóc đỏ) và Mai Chi (cô Tuyết) trong phim Trò đời.

Nội dung bộ phim truyền hình dài 30 tập sẽ xoay quanh 2 nhân vật chính, đó là Xuân tóc đỏ mà ai cũng quá quen thuộc và nhân vật Đũi trong tác phẩm “Cơm thầy cơm cô” đại diện cho một tầng lớp con sen, thằng ở giống như những người đi giúp việc hiện nay. Đó là những số phận phải rời làng quê nghèo đói lên Hà Thành kiếm sống.

Từ những tầng lớp này, tác giả Vũ Trọng Phụng đã xây dựng một nhân vật Đũi bị biến chất, tha hóa khi được sống trong tầng lớp giàu có. Đũi cũng biết lợi dụng những tình huống, những xấu xa của các chủ nhà giàu có để tiến thân và kiếm tiền. Có thể nói “Trò đời” là một bức tranh khá đầy đủ về các tầng lớp lao động trong xã hội ở đầu thế kỷ 20 của Việt Nam.

Vậy chắc hẳn đoàn phim đã rất vất vả xoay xở để có những bối cảnh Hà Nội xưa?

- Đây là bộ phim về những năm 1930-1945 của Hà Nội, dù không hẳn là dòng phim lịch sử, nhưng cũng là phim thời xưa. Cuộc sống, sinh hoạt, thiết kế bối cảnh, phục trang đến gánh hàng rong, cửa hàng... đều phải phục dựng nên đoàn làm phim gặp không ít khó khăn.

Thậm chí có những cảnh quay đặc biệt trong phim như cảnh thi đấu tại sân tennis mà từ trận đấu này Xuân tóc đỏ trở thành “anh hùng cứu nước”. Trong tác phẩm mô tả có khán đài, có hàng ghế dành cho vua, quan nước mình và có vua của nước Xiêm cũng như đại sứ của Đức, Nhật...

Hay chúng tôi đã phải đi tìm mỏi con mắt mới có 2 ngôi nhà cổ ở phố Mã Mây và phố Hàng Đào, trong khi bộ phim có đến hàng chục bối cảnh nhà cổ. Có thể nói, bối cảnh là cái khó khăn khó nhất của chúng tôi khi làm bộ phim “Trò đời”, chưa kể đến kinh phí của bộ phim là đắt gấp 3 lần các bộ phim truyền hình khác.

Tiếc vì bối cảnh hạn hẹp

Trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, người đọc thấy được sự tinh tế nhưng không kém phần hài hước khi ông chế giễu một nhân vật hay một sự kiện xảy ra. Vậy để chuyển tải được những điều đó lên phim, chị đã phải làm như thế nào?

“Trò đời” có sự xuất hiện của những gương mặt diễn viên còn khá mới mẻ đối với khán giả như Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Bảo Thanh (Đũi), Thúy An (Hĩm), Mai Chi (Tuyết)... Bên cạnh đó là dàn diễn viên gạo cội, tài năng như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Anh, Phú Đôn, Thanh Chi, Nguyệt Hằng, Diệp Bích, Quang Thắng, Chiến Thắng...
- Tôi nghĩ phim hay thường trông chờ vào tình huống câu chuyện và nhân vật. Ở đây, bản thân tính bi hài trong cốt truyện đã được xây dựng trên những tình huống và đạo diễn chỉ cần triệt để xây dựng những tình huống đó là được. Ví dụ, khi tả về hiệu may Văn Minh thì có những câu thoại về “trang phục ngây thơ”, “trang phục chinh phục”, “áo hững hờ”, “quần chờ một phút”... Tất cả chỉ là tưởng tượng và đạo diễn phải suy nghĩ để tạo ra bằng hình ảnh.

Xuân tóc đỏ là nhân vật điển hình trong văn học, vậy chị có khó khăn trong khâu tuyển chọn diễn viên? Sau khi đóng máy bộ phim, chị cảm thấy vai diễn Xuân tóc đỏ đã đạt được bao nhiêu phần yêu cầu của chị?

- Phải nói thật, khi tìm chọn diễn viên, đặc biệt là vai diễn cho nhân vật Xuân tóc đỏ, tôi có cảm giác tài năng diễn xuất của nền điện ảnh nước nhà dường đang cạn kiệt. Xuân tóc đỏ là một nhân vật đẹp trai nhưng lại mang vẻ khôn vặt, lưu manh và láu lỉnh.

Rất may tôi đã tìm được chàng trai trẻ Việt Bắc vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Khi Việt Bắc đến thử vai diễn, tôi nhận ra là cách diễn của cậu ấy khá tự nhiên, không lên gân mà lại toát lên được tính hài hước và lưu manh của nhân vật. Điều đó khiến tôi quyết định chọn Việt Bắc, tôi nghĩ đây là một thử thách rất lớn với Bắc khi làm tròn vai Xuân tóc đỏ.

Có điều gì chị cảm thấy tiếc cho bộ phim, nếu như được làm lại thì sẽ làm tốt hơn chăng?

- Có chứ, như tôi đã nói ở trên, bộ phim này khi làm gặp khó khăn nhất là bối cảnh của Hà Nội xưa. Trong phim có một cảnh quay đến quán ăn. Chúng tôi đã tìm được trên đường La Thành có một quán ăn mà một mặt tiền là kiến trúc cổ, sát vách 2 bên ngôi nhà cổ là những kiến trúc mới.

Vì vậy, chúng tôi không thể thực hiện một cảnh quay dài đi từ ngoài phố vào đến trong quán. Các cảnh quay đó, tôi phải cắt liên tục, nhân vật chỉ có thể ra vào khuôn hình đúng mặt tiền của quán, vì thế mà chúng tôi không thể khoe được một con phố cổ theo một cú liên hoàn để khán giả có thể xem trọn vẹn. Đấy là một điều đáng tiếc mà tôi không thể làm được.

Xin cảm ơn chị!

Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem