Tại sao lại phải… sợ Tết???

Chiến Văn Chủ nhật, ngày 03/02/2019 07:52 AM (GMT+7)
Như một “thông lệ”, những năm gần đây, cứ khi thời gian trôi về những ngày cuối năm, lại rộ lên những ý kiến, quan điểm bày tỏ về việc “bỏ Tết”, “gộp Tết”, cùng hàng loạt lời “than phiền” về nỗi lo lắng, sợ hãi khi Tết đến. Tại sao người ta lại “sợ Tết” đến vậy?
Bình luận 0

“Vui như Tết”, câu nói tưởng như đã thành chân lý, như một cách đóng đinh suy nghĩ, nay có vẻ đã bị mất dần đi giá trị. Với nhiều người, họ không còn coi Tết là ngày vui nữa, mà đã thành nỗi sợ hãi. Và khác với trước đây, một số người chỉ lặng lẽ, cam chịu để trong lòng, ngày nay những bạn trẻ, nhất là những nàng dâu, cô gái mới lớn không ngại ngùng thể hiện quan điểm ấy công khai trên trang cá nhân và các phương tiện truyền thông.

img

Đường phố tắc nghẽn ngày cận Tết do mọi người hối hả mua sắm, đi biếu tết...

Theo dõi các ý kiến bày tỏ, tranh luận về việc bỏ, gộp Tết truyền thống, thấy phần lớn mọi người sợ Tết vì sự rườm rà, lích kích của "công cuộc biếu xén". Trước Tết cả nửa tháng, nhiều người đã phải "lên kế hoạch" biếu Tết, "đi Tết" từ gia đình nội ngoại đến bạn bè, sếp, đồng nghiệp, đối tác... Họ phải vắt tay lên trán xem nên chọn quà gì, mức quà khoảng bao nhiêu, đi vào thời điểm nào cho hợp lý?... Hàng loạt những câu hỏi, tình huống đặt ra trong khi áp lực công việc ngày Tết đang dồn về khiến người vững chí lắm cũng phải mệt mỏi.

Tết xưa chắc chắn không như vậy. Tất nhiên, vẫn có phong tục, tập quán biếu Tết, đi lễ tết, nhưng chắc chắn chủ yếu người ta chỉ thể hiện ở mức độ... cây nhà lá vườn, nghĩa là có gì biếu nấy và không có ý cố "tạo ấn tượng" như bây giờ. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, vẫn biết là đời sống khá lên nên việc biếu xén cũng cao hơn, trang trọng hơn, nhưng rườm rà quá cũng làm mất đi nét văn hóa truyền thống.

Điều tiếp theo mà hầu như đa phần các nàng dâu trẻ đều sợ là chuyện "ăn Tết". Thời khó khăn, các cụ đưa ra quan niệm: “Nghèo quanh năm, có 3 ngày Tết”. Nhưng đó là hơn chục năm đổ lại trước, khi đời sống còn khó khăn, nhiều gia đình phải “chạy ăn từng bữa”, thì đến Tết vẫn phải cố cho đủ đầy, tươm tất.

img

Chen chân ở siêu thị mua sắm ăn Tết.

Hiện nay, kinh tế mỗi nhà đều khá giả lên, không phải đợi giỗ Tết mới có mâm cao cỗ đầy, vì vậy chuyện mua sắm, ăn Tết cần phải được tính toán lại đơn giản hơn, chỉ nên giữ những món ăn truyền thống, mang hương vị ngày Tết. Nhiều nhà năm nào cũng than phiền chuyện ba ngày Tết bê mâm ra rồi lại cất nguyên đi, nhét tủ lạnh, nhưng vẫn cố làm đủ các món, bày biện chật cả mâm, trang hoàng cho sướng mắt, “cúng facebook” cho hoành tráng… vừa lãng phí vừa khổ cực cho người nấu nướng, bày biện.

Nhắc chuyện ăn Tết thấy nhiều nơi còn quan niệm khách đến phải "ăn lấy may", không ăn là bị "dông cả năm"!?!. Vì vậy dù khách đến giờ nào, đi một người hay đông người, cứ đến chúc Tết là gia chủ bê mâm ra. Cả hai bên đều ngán ngẩm lắm nhưng vẫn phải ngồi, uể oải như tra tấn, đầy gượng gạo, vừa mất tự nhiên thì chớ, còn rất khổ người phụ nữ dọn dẹp, phục vụ.

img

Những mâm cỗ hoành tráng bày ra rồi lại cất đi suốt mấy ngày Tết là nỗi "ác mộng" của các nàng dâu, các bà nội trợ (ảnh minh họa).

Điểm nhiều người cũng thấy “oải” khi Tết đến là chuyện lì xì cho người già và trẻ nhỏ. Người ta ngán không hẳn vì tiếc tiền, nhưng thú thực cái chuyện lì xì này khiến nhiều người rất khó xử. Có người chỉ sợ “đối phương” thoáng tay lì xì con mình tiền to quá, trong khi mình không chuẩn bị sẵn để “đáp” lại thì ngượng lắm. Chưa kể nhiều người đến chỗ đông cố tình lì xì kiểu “ra oai” khiến những người đi cùng đoàn vô cùng bối rối. Nhiều người cãi nhau vì chuyện cùng đi một đoàn mà không thống nhất mức tiền lì xì, cố tình “phá giá”!?! Tự nhiên phong tục đẹp, lì xì lấy may thành trò làm màu, ganh đua, trở nên căng thẳng.

Để không còn “sợ Tết”, đã đến lúc chuyển từ “ăn Tết” mệt mỏi, bận rộn sang “đón Tết”, “chơi Tết” nhẹ nhàng, vui vẻ. Điều quan trọng, để mọi người không thấy “sợ Tết”, thì vợ chồng, con cái hãy cùng chia sẻ công việc với nhau, cùng chung tay mua sắm, bày biện. Đàn ông đừng nghĩ chuyện nấu nướng dọn dẹp là của phụ nữ, còn mình chỉ biết say sưa tối ngày, thậm chí mượn Tết để cờ bạc, đàn đúm thâu đêm suốt sáng. Mọi người cũng đừng cố “lên gân”, coi ngày Tết là dịp gì đó để phô trương, khoe mẽ. Hãy cân bằng giữa “Ăn, Chơi, Lễ” tết, như vậy, sẽ không cần phải bỏ hay gộp, mà vẫn thấy Tết thật nhẹ nhàng, vui vẻ, hân hoan…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem