Tại sao Serbia và Kosovo trở lại xung đột?

Tuấn Anh (Theo RT) Thứ hai, ngày 01/08/2022 13:38 PM (GMT+7)
Một cuộc xung đột bị đóng băng trong hai thập kỷ có thể nổ ra một lần nữa do hậu quả của Chiến tranh Lạnh mang tính hệ thống mới ở châu Âu.
Bình luận 0
Tại sao Serbia và Kosovo trở lại bờ vực chiến tranh? - Ảnh 1.

Căng thẳng ở biên giới Kosovo-Serbia gia tăng trong những ngày gần đây. Ảnh Reuters

Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập tờ Các vấn đề toàn cầu của Nga, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, kiêm giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai đã có những phân tích trên tờ RT. Theo ông Fyodor Lukyanov, căng thẳng giữa Belgrade và Pristina xảy ra thường xuyên, do vấn đề Kosovo vẫn chưa được giải quyết kể từ năm 1999 mà trên thực tế đã giành được độc lập sau chiến dịch NATO do Mỹ dẫn đầu chống lại Nam Tư cũ.

Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất này, nhiều xích mích thường ngày giữa hai bên đang leo thang thành xung đột nguy hiểm, vì bối cảnh đã thay đổi đáng kể.

Căng thẳng đã leo thang sau khi nhà chức trách Kosovo thông báo từ ngày 1/8, các giấy tờ của Serbia sẽ hết hiệu lực trên lãnh thổ của khu vực này và việc đăng ký lại biển số xe Serbia sang số của Kosovo sẽ bắt đầu. Tổng thống Serbia Aleksandar Vuvic cho biết không muốn leo thang tình hình và kêu gọi chính quyền Kosovo, cũng như cộng đồng quốc tế, duy trì hòa bình. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khoảng 50.000 người Serbia sống ở phía bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp, dù Kosovo đã tuyên bố độc lập 14 năm trước.

Theo kênh RT, còi báo động và chuông nhà thờ đã vang lên khắp miền Bắc Kosovo ngày 31/7, sau khi nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti thông báo cảnh sát sẽ cấm biển số và giấy tờ tùy thân của người Serbia. Quân đội Serbia đã được đặt trong tình trạng báo động cao và cư dân địa phương ở phía Bắc Kosovo đã dựng các rào chắn khi cảnh sát chuẩn bị hành động. Cảnh sát Kosovo cho biết họ đã phải đóng cửa các cửa khẩu biên giới Bernjak và Jarinje với Serbia do những người biểu tình Serbia chặn đường.

Quay trở lại, vấn đề của Kosovo đã được giải quyết vào cuối thế kỷ 20 theo đúng cách tiếp cận lúc bấy giờ và dường như không có giải pháp thay thế. Các tranh chấp ở hầu hết châu Âu (tức là bên ngoài Liên Xô cũ) được giải quyết theo ý tưởng công bằng của EU và ở những nơi không thể giải quyết một cách thân thiện, những người nổi dậy đã gây áp lực dẫn đến phải sử dụng vũ lực quân sự.

Những người ngoan cố nhất là ở vùng Balkan - trong nửa đầu những năm 1990, chiến tranh Bosnia diễn ra và trong nửa sau là cuộc xung đột Kosovan.

Nga là một trong những nước không công nhận Kosovo, nói rằng chính quyền ở Pristina, thủ phủ Kosovo, cũng như những người ủng hộ EU và Mỹ nên ngăn chặn hành động khiêu khích, tôn trọng quyền của người Serbia ở Kosovo.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, nhưng người Serbia chiếm đa số tại khu vực phía bắc không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhóm dân tộc này.

Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.

Khu vực này phát triển trong điều kiện mà lộ trình tương lai duy nhất cho các quốc gia là trở thành thành viên của EU. Không có lựa chọn nào khác, không có kế hoạch B, C hoặc D. Theo đó, EU đã quy định các quy trình diễn ra và sự sắp xếp này đã được coi là đương nhiên. 

Tuy nhiên ở hiện tại bối cảnh đã thay đổi.  Thứ nhất, EU đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương đến mức không sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình chính trị cực kỳ phức tạp ở khu vực ngoại vi của mình. Khối này không thể hứa hẹn tư cách thành viên, và chính xác hơn - ngay cả khi một cam kết như vậy đã được thực hiện, thì EU cũng không đảm bảo bất cứ điều gì.

Việc EU quản lý các vấn đề trung tâm vùng Balkan như ở Bosnia và Kosovo đã không dẫn đến kết quả mong muốn trong hơn 1/4 thế kỷ qua. Do đó, khả năng EU sẽ ngày càng can thiệp ít hơn. Bởi vì tình huống thứ hai là Nga và phương Tây ( bao gồm EU cùng với Mỹ và NATO) đang ở trong tình trạng đối đầu gay gắt.  

Do đó, không có lý do gì để mong đợi sự hỗ trợ của Nga (nước không công nhận sự độc lập của Kossovo) trong việc giải quyết tình hình (có thể là Kosovo hoặc Bosnia). Hiện tại, phương pháp ưa thích của phương Tây là "tương tác có chọn lọc" (chúng tôi làm việc cùng với Nga ở những nơi chúng tôi cần, chúng tôi từ chối can dự vào các vấn đề khác) không còn có thể được áp dụng nữa. Sẽ không có sự hợp tác nào: Nga và phương Tây sẽ ở hai phía đối diện của các rào cản ở mọi nơi, bất kể vấn đề nào đang xảy ra. "Chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh lạnh có hệ thống. Và thực tế này có thể ảnh hưởng lớn đến những gì sẽ xảy ra ở Balkans", ông Fyodor Lukyanov bình luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem