Đại biểu tình đòi Catalan độc lập: Phương Tây ám ảnh Kosovo!

Thứ tư, ngày 12/09/2018 20:00 PM (GMT+7)
Sao trước khi bom đạn NATO ném xuống Nam Tư, Kosovo tuyên bố độc lập lại không được công nhận, sau khi NATO ném bom thì lại được công nhận...
Bình luận 0

Đại biểu tình đòi độc lập cho Catalan

Reuters đưa tin, ngày 11.9 có khoảng một triệu người đã tham gia cuộc tuần hành Barcelona để kêu gọi độc lập cho vùng Catalan. Dòng người tràn xuống khắp các đường phố Barcelona để kỷ niệm “Quốc khánh Catalonia”.

Sự kiện này diễn ra sau nỗ lực bất thành của chính quyền Catalonia nhằm tách vùng lãnh thổ này khỏi Tây Ban Nha hồi tháng 10.2017. Dù vậy, biển người vẫn tiếp tục xuất hiện, vẫy cờ, hô khẩu hiệu ủng hộ độc lập cho vùng tự trị này.

Thủ hiến Catalonia Quim Torra và người tiền nhiệm Carles Puigdemont đã kêu gọi người dân trong vùng tham gia cuộc đại biểu tình. Ông Puigdemont hiện đang sống lưu vong ở Bỉ và đối mặt với việc bị bắt giữ nếu quay về nước.

img

Biển người trong cuộc đại biểu tình ngày 11.9.2018 đòi độc lập cho Catalonia

Xin nhắc lại, ngày 1.10.2017, chính quyền Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập và đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 27.10.2017. Song hành động này bị Madrid coi là vi hiến và áp đặt quyền cai quản trực tiếp lên Catalonia.

Một số lãnh đạo đòi độc lập cho Catalan bị bắt giữ và chính quyền Tây Ban Nha đã tổ chức cuộc bầu cử sớm cho Nghị viện Catalonia vào tháng 12.2017. Tuy nhiên, khát vọng độc lập của người dân xứ Catalan lại được thể hiện một lần nữa.

Bởi trong cuộc bầu cử sớm tại Catalonia ngày 21.12.2017, hy vọng của chính phủ Tây Ban Nha có một chính quyền Catalonia ôn hòa để hợp tác, đã bị dập tắt, khi lực lượng chính trị chủ trương ly khai cho vùng tự trị này đã giành thắng lợi.

Theo kết quả của cuộc bầu cử, các chính đảng chủ trương đòi đơn phương tách vùng này khỏi Tây Ban Nha giành được khoảng 70 ghế tại Hội đồng lập pháp vùng gồm 135 ghế, cao hơn mức đa số tối thiểu 2 ghế.

Cụ thể, Đảng PDeCAT của cựu Thủ hiến Carles Puigdemont giành được 34 ghế, 2 đảng chính trị khác cũng ủng hộ độc lập cho Catalonia là ERC giành được 32 ghế và đảng CUP giành được 4 ghế.

Trong khi đó, 3 đảng ủng hộ Catalonia là một phần không thể chia cắt của Tây Ban Nha chỉ có thể giành được 57 ghế, thấp hơn đáng kể so với mốc 68 ghế để giành đa số tối thiểu.

Dù bầu cử diễn ra vào ngày làm việc nhưng đã có hơn 80% cử tri tham dự - cao hơn so với cuộc trưng cầu độc lập. Vì vậy, cựu Thủ hiến Puigdemont cho rằng cuộc bầu cử đã thể hiện sức mạnh của người dân và chiến thắng cho “Cộng hòa Catalonia ”.

Kết quả là một chính quyền chủ trương ly khai Madrid đã tiếp tục được thành lập tại Catalan và từ đó ngày càng tạo ra sự mâu thuẫn trong đời sống chính trị, sự chia rẽ trong đời sống xã hội Tây Ban Nha.

Một sự kiện đặc biệt diễn ra trên chính trường Tây Ban Nha được nhìn nhận là có tác động đền vấn đề độc lập của Catalonia, đó là trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra ngày 1.6.2018, Thủ tướng Mariano Rajoy đã không vượt qua được.

img

Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont phải lưu vong là cái tát vào nền dân chủ phương Tây

Người thay thế ông  Rajoy là lãnh đạo đảng Xã hội hủ nghĩa đối lập Pedro Sanchez, được nhìn nhận là có quan điểm ôn hoà hơn so với người tiền nhiệm trong giải quyết vấn đề tại xứ Catalan.

Ngay sau khi nhậm chức, hồi tháng 6 tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đưa ra đề xuất cho chính quyền Catalonia được phép tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị lớn hơn cho vùng lãnh thổ này. Song lãnh đạo Catalonia đã cự tuyệt.

Ngày 11.9, khi cuộc đại biểu tình nổ ra tại Barcelona, ông Sanchez vẫn thể hiện sự mềm mỏng : “Vấn đề chính của Catalonia là sự cộng sinh chứ không phải độc lập. Chúng ta cần khuyến khích đối thoại giữa người Catalan”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nghị viện Catalonia Roger Torrent đáp lại rằng “không cuộc đối thoại đáng tin nào có thể diễn ra khi những người đàm phán còn bị cầm tù”. Điều đó cho thấy người Catalan quyết hiện thực hoá ý nghĩa và giá trị cuộc trưng cầu độc lập.

Phương Tây ngày càng ám ảnh với hệ luỵ Kosovo

Theo giới phân tích, có thể nhận diện việc người dân xứ Catalan quyết đòi độc lập, ngoài vấn đề lệch pha giữa Madrid và Catalonia, còn là đấu tranh cho nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc đã bị vi phạm, mà họ là nạn nhân.

Bởi sau khi cuộc trưng cầu dân ý có kết quả, chính quyền Tây Ban Nha, giới lãnh đạo EU cũng như rất nhiều thực thể khác trên thế giới đã phản đối và không công nhận giá trị cuộc trưng cầu về quyền tự quyết của người dân xứ Catalan.

Trong khi việc Catalan đòi quyền tự quyết, mà sẽ dẫn đến sự ra đời một thực thể chính trị mới, một nhà nước mới, không phải là sự kiện khởi phát. Một tiền lệ đã được xác lập tại vùng lãnh thổ Kosovo của Nam Tư cũ, chỉ khác nhau ở cách thức. 

Xin ngược đôi dòng lịch sử. Xung đột sắc tộc kéo dài giữa người Albania và người Serbia khiến cho lãnh thổ tỉnh tự trị Kosovo của Nam Tư bị phân chia theo sắc tộc. Tháng 2.1989, Tổng thống Milošević bãi bỏ quy chế tự trị đặc biệt của Kosovo.

img

Chỉ cần bom đạn NATO là Kosovo có độc lập

Người Albania tại Kosovo phản ứng bằng một phong trào ly khai bất bạo động, tiến hành bất tuân dân sự và lập ra các thể chế tồn tại song song trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, và thuế, với mục tiêu cuối cùng là giành được quyền độc lập cho Kosovo.

Ngày 2.7.1990, Quốc hội Kosovo (tự xưng) ra tuyên bố Kosovo là nước cộng hòa bên trong Liên bang Nam Tư và đến ngày 22.9.1991 thì tuyên bố Kosovo là một quốc gia độc lập với quốc hiệu Cộng hòa Kosovo - nền Đệ nhất Cộng hòa ra đời.

Nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo chỉ được duy nhất Albania công nhận. Song thực tế nguy hại ấy đã dẫn đến xung đột bạo lực giữa người Albania với người Serbia, gây ra Chiến tranh Kosovo 1998-1999, khiến NATO ném bom Nam Tư.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 10.6.1999, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản lý của Phái bộ Quản lý Lâm thời của LHQ vào năm 2000 - nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo chấm dứt tồn tại.

Theo Nghị quyết 1244, Kosovo có quyền tự trị trong Liên bang Nam Tư và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư, mà thực thể kế thừa hợp pháp là Cộng hòa Serbia, được bảo đảm. Tuy nhiên, ngày 17.2.2008, Nghị viện Kosovo lại ra tuyên bố độc lập.

Cộng hòa Serbia đã phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo và khiếu nại lên LHQ. Vì vậy, ngày 8.10.2008, LHQ đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra quan điểm pháp lý về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo.

Ngày 22.7.2010, ICJ ra phán quyết, cho rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung cũng như luật pháp quốc tế, cũng không vi phạm Nghị quyết 1244, vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo.

img

Hậu quả NATO ném bom Nam Tư và cái giá cho độc lập của Kosovo

Từ đó Kosovo nhanh chóng được công nhận về mặt ngoại giao, đến tháng 12.2016 đã có tới 110 thành viên LHQ công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền. Kosovo cũng trở thành thành viên của một số định chế quốc tế.

Như vậy, rõ ràng nhờ có bom đạn của NATO, nhờ Nghị quyết 1244 của LHQ và nhờ phán quyết của ICJ, nền độc lập của Kosovo được công nhận - nền Đệ nhị Cộng hoà tại Kosovo được xác nhận.

Trước nay, lý do nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo không được quốc tế công nhận được lý giải là do việc xác lập không phù hợp quy định của luật pháp quốc tế nên LHQ phải hiệu chỉnh bằng Nghị quyết 1244, thay thế bằng nền Đệ nhị Cộng hòa.

Tuy nhiên, sau khi cuộc trưng cầu dân ý về nển độc lập của Catalan diễn ra và có kết quả nhưng không được công nhận thì việc nền Đệ nhất Cộng hòa tại Kosovo không được quốc tế công nhận dường như là do thiếu “yếu tố bạo lực”.

Bởi có khách quan thế nào đi nữa cũng không thể không đặt vấn đề: Tại sao trước khi bom đạn NATO ném xuống Nam Tư, Kosovo tuyên bố độc lập lại không được công nhận, nhưng sau khi bom đạn NATO cày xới Nam Tư thì lại được công nhận?

Có thể thấy không câu trả lời nào chính xác hơn, không có lý giải nào hợp lý hơn là bạo lực nhà nước được sử dụng tại Kosovo qua việc NATO ném bom Nam Tư đã giúp cho Kosovo độc lập.

Trong khi đó, kết quả trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalan lại bị gạt bỏ. Từ đây dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề tiếp theo : Phải chăng bạo lực giúp một thực thể có thể có độc lập nhanh hơn trưng cầu ý nguyện nhân dân?

img

Việc Nga tái sát nhập Crimea cáng khiến cho phương Tây thêm ám ảnh với hậu quả từ tiền lệ pháp Kosovo

Phải chăng lãnh đạo Catalan cự tuyệt tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị lớn hơn cho vùng lãnh thổ này và cuộc đại biểu tình đòi độc lập cho Catalonia cũng xuất phát từ quan điểm ấy? Vì những chuyển động này hoàn toàn có thể dẫn đến bạo lực.

Đây là cú đấm trời giáng vào nguyên tắc tự do - dân chủ mà phương Tây vẫn tự hào. Rõ ràng, nỗi ám ảnh từ hệ luỵ của tiền lệ pháp Kosovo đối với Mỹ và phương Tây quả là khủng khiếp và không biết đến khi nào mới hết.

Thế mới thấy Tổng thống Nga Vlarimir Putin sáng suốt như thế nào trong nước cờ tái sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga, khi chỉ tiến hành dựa trên ý nguyện của người dân bán đảo này, thể hiện qua đa số ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý.

Ngọc Việt (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem