Luật sư phân tích việc công an tạm đình chỉ giải quyết vụ người đàn ông lừa tình 7 phụ nữ

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 09/10/2020 15:05 PM (GMT+7)
Theo luật sư, vụ người đàn ông lừa tình 7 phụ nữ tạm đình chỉ giải quyết do chưa đủ căn cứ để cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ. Khi nào có thêm thông tin, có thể quyết định là khởi tố vụ án hình sự hay không khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định.
Bình luận 0

Ngày 9/10, liên quan đến vụ việc một loạt phụ nữ làm đơn tập thể gửi PC02 Công an TP.Hà Nội tố giác ông Tống Anh S (SN 1979, quê Thanh Hóa, thường trú tại huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) lợi dụng tình cảm rồi lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 2,5 tỷ đồng, thông tin từ đại diện Đội 2 PC02 cho biết, vụ việc trên đã bị đình chỉ giải quyết vì hết thời hạn điều tra, xác minh theo quy định. 

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng chưa thể làm việc trực tiếp với ông S. dù đã phát đi thông báo truy tìm trong suốt thời gian qua. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu vụ việc có rơi vào bế tắc và người đàn ông bị tố cáo có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Tạm đình chỉ, vụ người đàn ông lừa tình 7 phụ nữ có rơi vào bế tắc? - Ảnh 1.

Người đàn ông bị 7 phụ nữ tố lừa tình, tiền Tống Anh S. (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo Điều 147 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tối đa là 4 tháng. Quá thời gian 4 tháng mà vẫn chưa chứng minh được tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định không khởi tố vụ án, khi nào có đủ căn cứ thì sẽ lại tiếp tục xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Cường, những vụ việc lừa tình, lừa tiền của những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, thiếu thốn tình cảm diễn ra hằng ngày, thậm chí hàng giờ bởi những đối tượng "sở khanh", kém nhân cách. Tuy nhiên, để xử lý các đối tượng đó bằng pháp luật là không đơn giản.

"Đối với quan hệ tình cảm nam nữ thì chủ yếu bị chi phối bởi các quy phạm xã hội, quy phạm đạo đức và không có chế tài. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật mới điều chỉnh ví dụ như liên quan đến tài sản, liên quan đến quan hệ hôn nhân. 

Bởi vậy nếu chỉ với hành vi "lừa tình" thì chỉ là hành vi vi phạm đạo đức và bị xã hội cười chê, lên án. Nếu hành vi lừa tình thể hiện là hành vi "chung sống như vợ chồng" của những người đã có vợ, có chồng thì mới có thể xử lý bằng các chế tài của pháp luật là hình sự hay sự phạt hành chính. 

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng hay không, nếu có hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng, chung sống công khai như vợ chồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này", luật sư Cường nói.

Tạm đình chỉ, vụ người đàn ông lừa tình 7 phụ nữ có rơi vào bế tắc? - Ảnh 3.

Tin nhắn mùi mẫn mà S gửi cho một trong số các nạn nhân. (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

Bên cạnh đó, Tống Anh S. còn bị 7 người phụ nữ tố lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng. Theo luật sư Đặng Văn Cường: Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được S. có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền nêu trên thì vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp không chứng minh được việc gian dối trước khi nhận tiền nhưng sau khi nhận tiền của những người phụ nữ đó, người đàn ông này đã gian dối hoặc bỏ trốn nhầm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì hành vi cũng có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự. 

Khi có đủ căn cứ để xử lý hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành truy nã đối với đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật. Còn trường hợp hết thời hạn xác minh tin báo nhưng không có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, hướng dẫn thủ tục để người tố cáo gửi đơn ra tòa để được xem xét theo thủ tục tố tụng dân sự.

"Vụ người đàn ông bị 7 phụ nữ tố cáo lừa tình, tiền có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đủ căn cứ để cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ nên tạm đình chỉ thời gian xác minh tin báo. Khi có thêm thông tin để có thể quyết định có hay không khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định", luật sư Cường cho hay.

Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Cụ thể như sau:

1. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

2. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp xét thấy đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra văn bản thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan đang thụ lý, giải quyết và cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải dừng việc kiểm tra, xác minh, ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3. Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp VKS hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.

Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem