Trong một thời gian ngắn, dưới sự điều hành tâm huyết của mình, ông Sơn đã góp phần đưa thôn 7 từ một xóm đạo nghèo nhất huyện vươn lên bứt phá về mọi mặt và đạt khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh.
Những ngày gian khó
Năm 1976, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Nguyễn Hoài Sơn làm công nhân xây dựng rồi trở về quê lập gia đình, làm kinh tế vườn rừng. Năm 2015, ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Về Vũ Quang, từ huyện cho tới xã, ai cũng nể ông Sơn bởi ông là một cán bộ thôn nhiệt tình, hết lòng vì lợi ích của bà con.
Từ trung tâm huyện Vũ Quang, muốn tới thôn 7, xã Quang Thọ phải đi thêm gần 20km. Nơi đây nằm bên Đường Hồ Chí Minh, núi rừng chia cắt, dân cư thưa thớt. Thôn 7 nằm ngay ngã ba sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu, mỗi trận lũ, nước dồn về dâng cao khiến thôn xóm vốn đã nghèo càng xơ xác, tiêu điều. Ngày này qua tháng khác, thôn 7 lặng lẽ sống trong sự nghèo khổ, lạc hậu giữa thâm u của núi rừng. Mặt trời khuất núi cũng là lúc màn đêm bao trùm nơi đây, ánh đèn leo lét, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng kêu của muông thú trên rừng vọng về.
Nhớ lại năm 2016, tôi có dịp đi công tác qua đây khi một trận lũ về. Nước sông Ngàn Trươi dâng cao làm ngập cả thôn. Tôi gặp ông Sơn quần xắn ngang gối đang cùng bà con trong thôn dọn lũ, khơi thông đường sá do bị sạt lở. Bộ đồ ka-ki màu xanh bộ đội ướt đẫm chiếc áo nhưng tay ông vừa cào cuốc đắp đường, chân lại thoăn thoắt lội bùn, miệng thì hô hào, điều hành bà con. Tôi càng ấn tượng hơn khi biết ông Sơn là một giáo dân được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.
Bẵng đi hơn 6 năm mới có dịp trở lại, thật mừng vì nơi đây đã đổi khác. Vừa gặp lại, ông Nguyễn Hoài Sơn vẫn nhận ra tôi rồi hồ hởi giới thiệu: "Giờ người ta không còn gọi đây là nơi "khỉ ho cò gáy" nữa cô à! Thôn chúng tôi giờ là thôn kiểu mẫu cấp tỉnh, "nhất cận sơn, nhị cận thủy" đó.
Lời ông Sơn nói chẳng khoa trương chút nào! Thôn 7 bốn bề núi rừng bao phủ nhưng đã không còn âm u như thuở nào. Phía trước thôn, dòng sông Ngàn Trươi dường như xanh mát, thơ mộng hơn, cảnh quan thôn xóm khang trang, sạch, đẹp như những miền quê đáng sống khác của tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ vừa dẫn chúng tôi đi thăm thôn 7 vừa kể: "Những năm trước, nơi đây còn nghèo lắm. Bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên không phát huy được hiệu quả kinh tế. Và đặc biệt, đây là một xóm giáo toàn tòng, với 46 hộ dân và 100% người dân theo đạo Thiên Chúa.
Năm 2016, huyện Vũ Quang và xã Quang Thọ mới bắt đầu "khai hoang, phục hóa" thôn 7. Trong đó, ông Nguyễn Hoài Sơn là một giáo dân kính Chúa, yêu nước, là "hạt nhân" có uy tín, gương mẫu, đi đầu, khơi dậy sự đoàn kết, đồng lòng của bà con, góp phần làm thay đổi diện mạo thôn, từ đó góp sức phát triển kinh tế-xã hội của toàn xã".
Cán bộ nhiệt tình, dân đồng tình
Thời điểm ông Sơn bắt đầu làm trưởng thôn, nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng nông thôn mới rất thành công. Nhưng với một xã miền núi như Quang Thọ và nhất là ở thôn 7, cái ăn còn chưa no thì làm phong trào gì cũng rất khó.
Với quan điểm "có thực mới vực được đạo", việc đầu tiên ông Nguyễn Hoài Sơn làm là giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn của chính quyền, ông vận động bà con xóa bỏ vườn tạp, đưa các loại giống mới như cam, bưởi vào sản xuất, kết hợp khoanh nuôi rừng và chăn thả gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.
Gia đình ông Sơn và một số hộ trong thôn làm trước, dần dà cũng có của ăn của để. Từ đó, bà con thôn 7 cũng làm theo. Toàn thôn hơn 40 hộ dân đều làm kinh tế trang trại. Người dân vươn lên thoát nghèo và có nhiều hộ khá giả.
Khi người dân đã có "cái cần câu" để phát triển kinh tế, ông Sơn và chính quyền nơi đây mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Người dân thôn 7 kể rằng, con đường độc đạo đi vào thôn 7 thời điểm năm 2016 vẫn là đường đất đỏ, nhấp nhô, gập ghềnh, xe cơ giới rất khó có thể di chuyển vào. Chỉ cần một trận mưa lũ về, đất đá trên núi sạt lở tràn xuống, nước sông dâng lên là cả thôn 7 với 46 hộ dân cùng hơn 200 nhân khẩu sẽ bị cô lập. Để phát triển, giao thông là điều kiện tiên quyết.
Nhận thức được điều đó, ông Sơn đã vận động bà con hiến đất, phát quang, nâng cấp con đường độc đạo từ trung tâm xã đến thôn. Song song với đó, ông đã thông qua uy tín của mình kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ xây dựng được 14 căn nhà chống lũ cho bà con, vừa để tránh lũ, vừa là cơ sở để xóa nhà tạm, nhà tranh tre, dột nát, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của thôn xóm.
Có những trường hợp, người dân chưa hiểu được lợi ích, vai trò của xây dựng nông thôn mới. Khi xóa bỏ vườn tạp, chặt một số cây cối, cũng có bà con tiếc rẻ, hiến một vài mét đất, có người cũng không đồng ý. Ông Sơn đi đầu hiến hơn 200m2 đất, xóa bỏ vườn tạp, đồng thời vận động con cháu, anh em, họ hàng gương mẫu làm trước.
Ông đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền, vận động để bà con thấy được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước rằng: Xây dựng nông thôn mới chính là vì lợi ích của nhân dân, hưởng thụ là nhân dân và việc làm cũng phải là nhân dân. Sau một thời gian, thấy việc xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, quy hoạch vườn tược vuông vắn, thoáng đãng; trồng bưởi, trồng cam xanh tốt, sai quả; đường làng sạch, đẹp... nên người dân cũng thay đổi nhận thức rồi đồng tình, ủng hộ.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Sơn nói rằng, khổ nhất là thiên nhiên không ủng hộ. Nhớ lần nâng cấp khuôn viên nhà văn hóa, cả thôn tập trung nhiều công sức đổ đất, chở đá hàng tháng trời để làm nhà văn hóa thì một trận lũ về san bằng tất cả. Rồi đến khi làm hàng rào xanh, đắp đường cũng bị mưa lũ làm hư hỏng. Có lúc bà con đã về hết, một mình ông Sơn ở lại sau cùng, cặm cụi chở thêm vài xe đất, sửa sang thêm một đoạn đường, trồng thêm vài cái cây...
Thấy được sự tâm huyết, chịu khó của trưởng thôn, bà con thôn 7 đoàn kết, đồng lòng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đạt thôn kiểu mẫu vào năm 2020. Ông Nguyễn Hoài Sơn được tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021 cùng nhiều phần thưởng khác.
Giờ đây, thôn 7 đã khoác lên mình một tấm áo mới. Con đường độc đạo nối từ trung tâm xã đến thôn đã được bê tông hóa rộng rãi; đường điện thắp sáng cả một góc núi rừng; những hàng rào cây cảnh đẹp mắt và thoáng đãng; không còn bóng dáng những ngôi nhà tranh tre tạm bợ. Kinh tế trang trại phát triển, người dân giáo xứ sống chan hòa, yên bình.
Ông Sơn còn vận động các nguồn tài trợ xây dựng, nâng cấp Di tích đền Cửa Rào, nhà thờ giáo xứ, giáo họ tại thôn khang trang, đáp ứng hoạt động tín ngưỡng của người dân. Những đổi thay của thôn 7 đều có dấu ấn của ông Sơn.
Được biết, thôn 7 đã khá hơn trước nhiều, nhưng vì vùng sâu, vùng xa nên lưới điện yếu. Mùa hè cao điểm nóng nực, cả thôn phải ra bờ sông ngồi hóng gió; rồi sóng điện thoại thì chập chờn, khi có việc hệ trọng không thể liên lạc được với bên ngoài. Ông Sơn đã đề xuất qua mấy cuộc họp hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri xã, huyện để chính quyền giải quyết sớm cho bà con.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn giản dị nói: "Tôi vẫn thường tâm sự với con cháu và bà con trong thôn rằng, ta cứ làm theo lời Bác Hồ dạy, đó là: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công". Có đoàn kết thì xóm làng mới yên ổn, tạo được sự đồng thuận và mới làm được nhiều việc tốt. Đồng thời phải tích cực góp sức mình xây dựng thôn, xã, phấn đấu là một giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, người có ích cho xã hội!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.