Chính vì sự thiếu chia sẻ, nam giới dường như cũng có ẩn ức dẫn tới thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Một dự án hạn chế bạo lực gia đình đã “tấn công” vào điểm yếu này để góp phần giữ bình yên cho các gia đình
Tâm sự của một “nắm đấm”
“Hai vợ chồng đều làm ruộng, cuộc sống khó khăn nên tôi thường xuyên gây gổ với vợ con. Tôi luôn bắt vợ phải làm mọi việc to nhỏ trong nhà, tôi chỉ là người giao việc. Nếu vợ không đúng ý thì lập tức bị tôi chửi, đánh đập.
Không chỉ đánh vợ, tôi còn đập phá đồ đạc trong nhà, chửi rủa những người hàng xóm sang can ngăn. Họ hàng sau nhiều lần khuyên giải nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy nên họ chán, tránh tiếp xúc với tôi. Tôi càng ngày càng sống khép kín và bất cần đời. Vợ tôi bị đánh nằm ở nhà không đi làm đồng được nhưng vẫn phải bò dậy dọn dẹp, cơm bưng nước rót cho tôi, nếu tôi không vừa ý lại trút nắm đấm lên vợ”...
Nguyễn Văn Mạnh - người đàn ông gày gò, vẻ mặt chất phác, rụt rè kể lại câu chuyện đời mình. Anh chia sẻ hết cảm xúc và những biến đổi trong tâm lý của một người gây bạo lực gia đình (BLGĐ). Từ giận dữ, bực dọc, bất lực đến nỗi trút nắm đấm lên vợ con, đến những lúc hối hận, dày vò vì khiến vợ con tổn thương, xấu hổ vì bị mọi người xa lánh, giễu cợt.
Anh không phải không muốn thay đổi nhưng không ai giúp anh thay đổi nên anh cũng không biết làm thế nào để thay đổi. Anh Mạnh là một trong hàng nghìn nam giới đã tham gia dự án “Tăng cường sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào phòng chống BLGĐ với phụ nữ và trẻ em” tại 34 xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình do Viện Sức khỏe bà mẹ và gia đình Rafh tiến hành từ năm 2007-2011.
Ông Lê Chí Vịnh - Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Tác hại của BLGĐ rất nặng nề. Có đến 90% các vụ ly hôn tại tỉnh Ninh Bình có liên quan đến BLGĐ nhưng chỉ hòa giải được 15 vụ, chiếm 3,37% (tính từ năm 2007 đến 6 tháng đầu năm 2011). Vì vậy, dự án này đã kéo nhiều gia đình khỏi nguy cơ tan vỡ
Vượt qua mặc cảm
Dự án đã thành lập 112 CLB “Chúng ta cùng chia sẻ” dành cho nam giới gây BLGĐ. Việc đầu tiên khi tham dự CLB là cánh đàn ông sẽ “mở lời” để chia sẻ cảm xúc của mình, tâm sự của mình khi đánh vợ con.
Đa số người gây BLGĐ đều có mặc cảm có lỗi với vợ con, xấu hổ vì bị họ hàng, làng xóm cười chê, lên án nhưng do không có kỹ năng thay đổi hành vi nên khi nóng giận lên lại không biết kiềm chế. Cần nhìn nhận họ như một “nạn nhân” của nền giáo dục “bất bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện RafhKhi mới tham gia, anh Mạnh rất xấu hổ, e ngại, không nói câu nào. Nhưng sau khi nghe một số bạn bè cùng xã dũng cảm lên tiếng, cùng với cam kết giữ bí mật của CLB, anh Mạnh đã cởi mở, mạnh dạn hơn. Anh nhận được sự động viên của mọi người, dần dần xóa đi mặc cảm “vũ phu, xấu xa”.
Các anh em được cung cấp kiến thức về hậu quả của BLGĐ, khiến không chỉ tình cảm vợ chồng, cha con rạn nứt mà còn khiến kinh tế gia đình sa sút. Các cán bộ cũng cung cấp cho các anh kỹ năng và luyện tập một số bài thực hành để kiềm chế cơn nóng giận.
Vợ anh Mạnh cũng tham gia CLB “Phụ nữ giúp phụ nữ” dành cho chị em bị BLGĐ, học các kỹ năng phòng tránh, không “đổ thêm dầu vào lửa” và khéo léo để “ghìm” cơn nóng giận của chồng.
“Tôi và vợ đã biết kiềm chế hơn, mỗi khi giận nhau hoặc chồng hoặc vợ sẽ chủ động im lặng, né tránh đi đâu đó, khi bình tĩnh mới quay lại nói chuyện. Khi nông nhàn, để tránh sa đà vào rượu chè, tôi chủ động kiếm việc, nâng cao thu nhập cho gia đình” - anh Mạnh chia sẻ. Từ thấu hiểu, anh Mạnh còn vận động thêm 5 anh em gây BLGĐ tham gia CLB.
Tuấn Kiệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.