Ngày đó còn nhỏ tuổi, tuy vẫn còn mơ hồ về những giá trị tinh thần nhưng thật sự khi tết qua tôi vẫn thấy nao lòng. Mới có mấy ngày trước còn nô nức thế, nhìn đâu đâu cũng hoa, cũng câu đối, cành đào, ngõ nhà ai cũng đầy ắp xác pháo vậy mà giờ đã xa như một năm vậy.
Ngày cận tết, dù ai cũng biết nhưng gặp nhau vẫn nhắc nhỏ những câu vừa như giục giã lại vừa như chia vui: “sắp tết rồi đó!”, “mai hăm ba tết còn gì!”. Vậy mà hết tết thì chả ai dám nói với nhau rằng ngày xuân đã cạn. Nhà nào nhà nấy lẳng lặng thu dọn, vun vén chuẩn bị cho những ngày giáp hạt. Chỉ còn lại lũ trẻ con ngơ ngác không hay tết đã qua từ hôm nào…
Ngẫm lại, bây giờ người ta chuẩn bị tết từ rất sớm, mà tết đến với mọi nhà lại có phần muộn hơn. Hẳn vì thế mà ba ngày xuân đi qua lại càng thêm trống trải. Từ độ tháng 11 dương lịch đã thấy các dịch vụ tết như bánh kẹo, vàng mã được bày bán, và sớm hơn nữa là các biển quảng cáo giảm giá, khuyến mại. Nhiều khi những hộp mứt tết bày bán tràn ra vỉa hè nhắc người ta nhớ đến tết còn sớm hơn những tín hiệu của đất trời. Dịch vụ tết có sớm là vậy nhưng mọi người đón tết về nhà lại muộn hơn cái thời cuộc sống còn tự cung, tự cấp, tự túc trước kia.
Người quê cố gắng chen chân ra ở phố, người phố quay về phân lô đô thị hoá nông thôn. Mái nhà xưa có sân trước sân sau, có ao có vườn hay chí ít là khoảng sân nhỏ có ô cửa xổ trổ ra đón nắng mai thì giờ ít còn bắt gặp nữa. Chữ nhà dần được thu hẹp quanh chiếc giường ngủ với mọi mọi thứ bàn ghế, bếp núc châu tuần xung quanh mà cái gì cũng siêu nhỏ, siêu mỏng, chồng tầng, xếp, gấp…
Không gian sinh hoạt chỉ còn thế nên tự dưng cái tết cũng được định dạng theo một tinh thần nhanh gọn, hào nhoáng. Nhìn thiên hạ nô nức sắm tết ai cũng tặc lưỡi: Tranh thủ cố kiếm thêm tiền, chiều ba mươi ra chợ sắm thế nào cũng có. Thượng vàng hạ cám, hiện đại, cổ truyền cân đo đóng đếm gói trong túi ni lông, hộp cát tông khuân về là có tuốt. Tiện mà lại khoẻ.
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ ngày tết sống trong tâm hồn người Việt qua hàng ngàn năm binh lửa cũng như một cái cây thần kì. Cái cây ấy có gốc rễ là những ngày giáp tết lục tục nấu bánh chưng, mổ lợn, giã giò..., tuy có mệt nhoài nhưng mà vui để rồi bùng nở rộn rã trong mấy ngày tết như đâm cành, nảy lộc trổ hoa…
Người ngoài trông vào chỉ thấy cái vui của hoa lá, người trong cuộc còn thấy cái vui đậm hơn, nồng đượm hơn từ âm ỉ cội rễ. Giờ thì cuộc sống đã khác thật nhiều, thời gian như co lại trên cái nền không gian chật hẹp, tết chỉ như bông hoa được hái về cắm trong lọ.
Tuy vẫn rạng rỡ nhưng chỉ ngắn ngủi trong đôi ba ngày. Trước là hoa, sau là rác, chả còn mấy dư âm cho cuộc sống cả. Ngày đi làm lại nhìn ai cũng gầy hơn chút. Lạ nhỉ. Tết mỏi mòn vị rượu thịt bánh trưng, hương hoa hay tết đã ráo thật trong mỗi tâm hồn. Nhìn xuống góc phố, chị lao công đang hì hục đẩy chiếc xe đầy cành đào, quất héo khô về đâu đó dưới màn mưa xuân mỏng mảnh. Hay về nơi xuân đã cạn ngày!
Bùi Việt Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.