Đợt mưa lũ vừa qua đã làm hàng nghìn ha ao đầm nuôi tôm, cá ở Nghệ An bị mất trắng. Hàng trăm hộ dân cay đắng nhìn sản nghiệp của mình tan tành trong nước lũ...
Tại xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu), đến chiều qua nhiều vùng còn trắng băng trong nước, nhiều tuyến đường bị lũ cày xới, đất đá nham nhở, ngổn ngang. Đặc biệt gần 200ha đầm nuôi tôm ở nơi đây bị ngập chìm. Anh Đinh Văn Đại ở xóm 3 mắt đỏ hoe: “Vừa qua tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng để nuôi 3 ha tôm. Vụ này tôm phát triển tốt nên gia đình tôi rất phấn khởi. Dự định đến giữa tháng 10 thu hoạch cũng được trên vài tỷ đồng để trả nợ và tái đầu tư phát triển thêm đầm tôm, nhưng không ngờ đêm 30.9, nước lũ tràn về khủng khiếp khiến toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình tôi tan tành trôi theo nước lũ. Rồi đây không biết lấy chi để trả nợ ngân hàng và nuôi con cái ăn học đây. Tui giờ đang như ngồi trên đống lửa”. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn trú tại xóm 1, có hơn gần 6ha đầm nuôi tôm sắp đến kỳ thu hoạch cũng mất trắng. Anh Tuấn thất thần nói: “Dưới đầm nhà tui còn gần 4 tấn tôm, vậy mà nước lũ cuốn trôi hết. Giờ trắng tay rồi các chú ạ...”.
Không riêng gì anh Đại và anh Tuấn, mà hàng chục chủ đầm nuôi tôm ở Quỳnh Lộc cũng đang điêu đứng trên bờ vực phá sản và nợ nần sau đợt mưa lũ này. Ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết: Đợt lũ này, toàn xã có 105ha tôm bị mất trắng. Thiệt hại là rất lớn. Chúng tôi đang làm tờ trình để xin cấp trên hỗ trợ cho dân.
Nhiều hộ dân nuôi tôm, cá ở xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lập cũng nằm trong tình trạng tương tự. Có lẽ thiệt hại lớn nhất là hộ anh Hải ở Quỳnh Lập. Anh mất trắng 4ha tôm, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Khi chúng tôi đến nhà, anh đang nằm liệt giường sau cú sốc mất tôm. Hiện nay hàng chục hộ nuôi tôm ở thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã phá sản, nợ nần chồng chất. Cuộc sống bị đảo lộn, bao lo toan, cực nhọc đang hiển hiện chờ đợi người dân nghèo. Việc học hành của con cái của nhiều hộ bị ảnh hưởng và gián đoạn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số vốn đầu tư của người dân đều phải vay ngân hàng nên người dân vô cùng hoang mang, lo lắng và không biết cuộc sống sắp tới của họ sẽ ra sao.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB Nghệ An: Toàn tỉnh có 1.626ha nuôi thuỷ sản nước ngọt bị ngập, hàng trăm ha đầm tôm bị mất trắng. Hiện ngành nông nghiệp ngoài việc xin ngân hàng dãn nợ, cục đã cử các đoàn công tác đến các địa phương hướng dẫn dân xử lý ao đầm sau lũ để tiếp tục nuôi trồng, ổn định cuộc sống.
Tin cùng chủ đề: Bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung
Xem toàn bộ ››
Tiến Dũng - Vân Hào (Tiến Dũng - Vân Hào)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.