Tan vỡ đầm tôm Phú Trạch

Thứ sáu, ngày 28/10/2011 10:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công trình dự án nuôi tôm công nghiệp Phú Trạch trị giá hàng chục tỷ đồng được đầu tư từ năm 2003, nhưng chỉ nuôi được 2 vụ rồi “đắp chiếu” đến giờ, trong khi hàng nghìn nông dân xã Phú Trạch đang nghèo đi vì thiếu đất sản xuất.
Bình luận 0

Cho đến tận bây giờ, người dân Phú Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn nhớ như in cái ngày mà Công ty Sông Gianh dong cờ mở hội khánh thành dự án nuôi tôm công nghiệp hiện đại bậc nhất Quảng Bình lúc bấy giờ. Khi ấy, tôi cũng theo đoàn cán bộ tỉnh Quảng Bình đi dự lễ. Không phải riêng tôi mà ngày đó ai cũng choáng ngợp trước cơ sở nuôi tôm công nghiệp hiện đại đó. Thế mà...

img
99 hồ nuôi tôm của dự án bỏ hoang, giờ là nơi để người dân câu cá giải trí.

Ba người nuôi 99 hồ tôm

Hôm nay, tôi trở lại khu nuôi tôm công nghiệp Phú Trạch, dù biết trước qua lời kể của nhiều người là nó đã “đắp chiếu” gần chục năm nay, nhưng rồi cũng không khỏi bất ngờ trước sự xuống cấp không phanh của cơ sở nuôi tôm công nghiệp vang bóng một thời này.

Vóc dáng của sự hiện đại thì vẫn còn đó, nhưng đường nét thì đã bị thời gian làm nhàu nhĩ. Những bờ mương dẫn nước mặn vào ruộng tôm được lát bê tông nhiều tấm bị phồng rộp, sứt mẻ từng mảng, những cột điện đứng chơ vơ, những bờ tường ngăn ở các ô ruộng nuôi tôm bị sập đổ. Những ngôi nhà vốn là đại bản doanh của xí nghiệp nay trở nên hoang vắng, buồn bã.

Lặng lẽ tiếp tôi trong ngôi nhà hoang vắng, ông Mai Văn Hiếu – Giám đốc Xí nghiệp Nhú Trạch (thuộc Công ty CP Sông Gianh) không giấu được nỗi buồn nhớ lại: Cơ sở nuôi tôm này có đến 99 hồ nuôi tôm với diện tích hơn 120ha được đầu tư trên 10 tỷ đồng. Sau một thời gian xây dựng cơ bản, năm 2003 chúng tôi bắt đầu nuôi lứa tôm đầu tiên. Là năm được mùa, nhưng lại mất giá nên không có lãi, thậm chí tính chi li, là lỗ.

Cú va đập đầu tiên đã làm cho khát vọng “làm ăn lớn” trên mặt trận mới lạ trở thành nỗi thất vọng ê chề (Công ty Sông Gianh ngày đó chuyên sản xuất phân bón và là một đơn vị mạnh – PV). Năm 2004 giảm lượng nuôi xuống, vì cái lý, được mùa mà chẳng nên cơm cháo gì thì nuôi nhiều làm gì. Năm 2005 thì giảm hẳn, nhưng không phải chủ động giảm mà là vì công ty triển khai kinh doanh nhiều “mặt trận” đã làm cho nguồn lực bắt đầu kiệt quệ nên đơn vị không đủ sức nuôi tôm trên diện rộng.

Đến năm 2006 thì việc nuôi tôm ở đây dừng hẳn và kế hoạch “sau 7 năm thu hồi lại vốn đầu tư” như ý chí lúc đầu triển khai dự án coi như phá sản. Cũng từ đó, khu nuôi tôm “đắp chiếu” cho đến tận bây giờ.

Tôi hỏi ông Hiếu, cơ ngơi như thế này mà bỏ hoang, ông nghĩ gì? “Tiếc - ông thành thật nói - Nhưng mình là thằng lính, tính làm sao được việc của lãnh đạo”.

Tiếc, nên mấy năm qua ông Hiếu cùng 2 nhân viên khác của xí nghiệp được công ty giao ở lại bảo vệ xí nghiệp đã tìm cách “tăng gia” trên diện tích ao hồ bỏ hoang đó. “99 hồ mà chúng tôi chỉ có 3 người nuôi thôi, e kỷ lục thế giới anh nhỉ. Nói rứa chứ sức mô mà nuôi, chỉ thả dăm ba ao với mấy con cá rô phi cải thiện thôi” – ông Hiếu buồn bã nói.

Dân khổ vì thiếu đất

Tôi tìm đến trụ sở xã Phú Trạch, ông Nguyễn Ngọc Phương - Chủ tịch UBND xã trăn trở: “Thấy hồ tôm bị bỏ hoang đã gần chục năm, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi tiếc rẻ, trong khi đó người dân chúng tôi đang thiếu việc làm và nghèo đi vì thiếu đất sản xuất”.

Theo ông Phương, Phú Trạch là một xã thuần nông. Toàn xã có 890 hộ nhưng chỉ có 245ha đất sản xuất. Trước đây, vùng đất mà Công ty Sông Gianh xây dựng khu nuôi tôm vốn là một vùng đầm phá nằm bên sông Lý Hòa nên nhiều tôm cá lắm. Người dân Phú Trạch ngoài làm ruộng, họ còn đánh bắt, nhiều hộ nuôi cá tôm trên vùng đất ấy, đem lại một nguồn thu không nhỏ.

img
“Đại bản doanh” của Xí nghiệp Nuôi tôm công nghiệp Phú Trạch hoang vắng.

Ngày Công ty Sông Gianh lập dự án, lấy hết diện tích đất của đầm phá, người dân ở đây buồn lắm nhưng rồi họ được an ủi vì nhiều con em địa phương sẽ được nhận vào làm công nhân ở khu công nghiệp này... Thế nhưng, cũng chỉ được 3 năm, khi khu nuôi tôm “đắp chiếu”, nhiều người dân Phú Trạch hụt hẫng vì thiếu việc làm, đầm phá thì không còn để bấu víu. Thanh niên xã Phú Trạch lớn lên, con trai thì xuống xã Đức Trạch xin “đi bạn” đánh cá ngoài biển, con gái thì vào miền Nam làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Gặp chúng tôi, bà Đỗ Thị Nai (75 tuổi) sống ở thôn Nam Sơn (Phú Trạch), sát cạnh khu nuôi tôm phàn nàn: “Gia đình tui có 8 nhân khẩu mà chỉ có vài sào ruộng khoán thì chú nói biết răng mà sống. Ngày trước còn có cái đầm, khi đói thì xuống đó ngụp lặn, mò cua, bắt cá cũng kiếm được ít tiền trang trải. Mấy năm nay thì chịu rồi; con cháu tui chưa đứa mô học hết cấp 2 đã phải rời nhà đi miền Nam làm thuê kiếm sống”.

Bao giờ hết... “ngủ đông”?

Khi tôi đặt câu hỏi nếu đất được trả về cho địa phương, xã sẽ làm gì? Ông Phương trả lời không cần suy nghĩ: “Dân chúng tôi vốn quen với việc nuôi tôm, cá rồi, chắc chắn là sẽ có nhiều hộ nhận để nuôi trồng thuỷ sản. Với diện tích đó, chúng tôi sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình chứ không phải chuyện chơi. Nhưng có lẽ khó đấy, bên công ty họ nói phải có số tiền hơn 17 tỷ đồng họ mới có thể trả lại đất, tiền lớn như vậy, xã làm gì có...”.

Trong khi đó, huyện Bố Trạch cũng coi “Dự án nuôi tôm Phú Trạch” là một “nút rối” của địa phương mà tự mình không giải quyết được và đã kêu lên tỉnh. Ông Phan Văn Gòn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, đã không dưới một lần huyện kiến nghị tỉnh chỉ đạo Công ty CP Sông Gianh giao lại diện tích hồ nuôi tôm tại xã Phú Trạch cho huyện để có phương án giao cho nhân dân sản xuất, không để bỏ hoang lãng phí. Người dân xã Phú Trạch thì kỳ tiếp xúc với Đại biểu Hội đồng, Đại biểu Quốc hội nào, họ cũng kêu, cũng có ý kiến đề xuất...

img Thấy hồ tôm bị bỏ hoang đã gần chục năm, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi tiếc rẻ, trong khi đó người dân chúng tôi đang thiếu việc làm và nghèo đi vì thiếu đất sản xuất. img

Còn lãnh đạo Công ty Sông Gianh (nay là Tổng Công ty CP Sông Gianh) thì cho rằng, vì doanh nghiệp này đã cấn “số đỏ” của dự án để vay ngân hàng lấy tiền thực hiện dự án mà việc đầu tư không mang lại hiệu quả nên doanh nghiệp không có tiền để trả nợ, trong khi những người thực hiện dự án đều đã về hưu. Lãnh đạo Tổng Công ty CP Sông Gianh mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình “giải quyết” giúp công ty số nợ ngân hàng trên thì họ sẵn sàng giao trả lại đất. Tuy nhiên, ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định rằng, đất giao doanh nghiệp làm kinh tế nhưng làm không hiệu quả, bỏ hoang thì tỉnh thu hồi, còn việc nợ của doanh nghiệp với ngân hàng là việc của doanh nghiệp.

Quả bóng “trách nhiệm” cứ thế đá qua đá lại, còn người dân Phú Trạch thì cứ dài cổ chờ được giao lại diện tích đất hồ tôm cho xã, để họ có thêm đất sản xuất ổn định cuộc sống. Nhưng đến bao giờ đất sẽ được giao thì họ chưa biết?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem