Tảng băng khổng lồ 'bẫy chết' 150.000 chim cánh cụt

Thứ ba, ngày 16/02/2016 08:33 AM (GMT+7)
Khoảng 150.000 chú chim cánh cụt đã chết sau khi bị mắc kẹt bởi một tảng băng khổng lồ trôi khỏi bờ biển Nam Cực cách đây sáu năm, theo tạp chí Antarctic Science.
Bình luận 0

Là hệ quả của hiện tượng tan băng diện rộng, tảng băng trôi mã số B09B có kích thước 2.900787 km² (lớn gần bằng tiểu bang Rhode Island của Mỹ) đã di chuyển khỏi Nam Cực. Điều này đã cắt đứt nguồn cung cấp thức ăn cho chim cánh cụt giống Adelie và thay đổi môi trường sống của chúng, theo một báo cáo trong tạp chí của Nhà xuất bản ĐH Cambridge.

Năm 2010, khối băng cao chót vót lần đầu mắc cạn vào môi trường sống của loài chim cánh cụt ở mũi đá Cape Denison, vịnh Commonwealth phía đông Nam Cực. Nó đã nổi lênh đênh dọc theo bờ biển gần 20 năm trước khi tiến vào vịnh. Tảng băng trôi nhốt kín chim cánh cụt, buộc chúng phải đi bộ một đoạn đường dài gần 103.6 km² để tìm thức ăn.

Quần thể chim cánh cụt từ 160.000 con giảm xuống còn 10.000. Từ năm 2011, chúng đã giảm đi đáng kể, theo Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu của ĐH New South Wales (Úc). Hiện còn khoảng 5.500 cặp đang sinh sống.

img

Chim cánh cụt Adelie đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng vì nạn đánh bắt cá quá nhiều và tác động của con người với môi trường sinh sản của chúng.

Tương lai của các chú chim cánh cụt Adelie ở mũi đá Cape Denison không mấy khả quan. Trừ khi các tảng băng trôi khổng lồ va chạm với băng trên biển và bị vỡ, các nhà khoa học dự đoán quần thể sẽ tuyệt chủng trong 20 năm.

Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng cho loài chim cánh cụt Adelie. Khoảng 12.95 km² từ vịnh Commonwealth có một quần thể khác phát triển mạnh mẽ - điều này khiến các nhà khoa học kết luận rằng tảng băng trôi tác động mạnh mẽ đến các loài vật. Khoảng 30% dân số chim cánh cụt Adelie hiện sống ở Đông Nam Cực. Nghiên cứu về tác động của tảng băng trôi đối với chim cánh cụt Adelie có thể cung cấp cho các nhà khoa học hiểu biết rộng hơn về tác động của băng tan trên biển. 

Những thay đổi lâu dài về môi trường được dự kiến sẽ tác động đến các vùng biển phía Nam, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các loài săn mồi dưới biển, theo một báo cáo năm 2015 xuất bản trên tạp chí BMC Evolutionary Biology. Thay đổi môi trường do biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh sản của loài vật trên mặt đất, việc tìm kiếm thức ăn trong môi trường biển và mồi cho những thú ăn thịt lớn hơn.

Theo các nhà khoa học, sự tan chảy dần dần của các sông băng là nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng đến quần thể chim cánh cụt Adelie hơn một thiên niên kỷ.

Mai Khanh (Pháp Luật TPHCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem