Tặng Hà Nội những... con chữ

Thứ ba, ngày 05/10/2010 10:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 54 bức sơn mài dát vàng bạc, 8 pho tượng lưu bút tích của 55 nhà văn nổi tiếng - đó là những món quà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền dành tặng Hà Nội và người cha của mình.
Bình luận 0

Nghệ thuật có nhiều ngành, chọn chữ của các nhà văn, nhà thơ, chị có sợ các nghệ sĩ lĩnh vực khác phật ý?

- Từ trong bụng mẹ, tôi đã sống trong không khí văn nghệ, trên đồi Cháy những năm kháng chiến, không chỉ có các nhà văn, còn có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát. Tôi học vẽ, xem các bác Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tranh, được chỉ bảo từ nhỏ. 

img
Hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền

Lần đầu tiên tôi được nghe violin là do bác Đỗ Nhuận chơi. Tôi gần gũi với văn chương hơn cả, chọn văn chương để khởi đầu. Đây là bộ tranh mở. Ở các triển lãm tiếp theo, tôi sẽ thêm tranh vào, khi có chữ viết của nhiều nghệ sĩ khác.

Tại sao lại là "Những con chữ" dành tặng Thăng Long 1000 năm?

Triển lãm cá nhân "Dòng chảy V - Những con chữ" của hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền tổ chức tại Việt phủ Thành Chương (từ ngày 2 đến 12-10).

- Những con chữ là hiển thị của tâm hồn con người, là hồn và văn minh của dân tộc. Chữ kết tinh tâm huyết trí tuệ, tạo nên những áng văn chương bất hủ. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và bao tài năng cống hiến cho văn hoá Việt, hội tụ tại Thăng Long những tài hoa.

Thế hệ này tới thế hệ khác bồi đắp cho lịch sử văn hiến chốn địa linh này. Tôi tặng Hà Nội triển lãm này như sự trở về của tôi. Khi bố tôi còn sống, tôi có hứa sẽ làm một triển lãm khi ông 90 tuổi. Triển lãm này còn có nỗi niềm riêng tôi tặng bố, người đã sống và chết với những con chữ.

Chị mua nhà Hà Nội năm 2009, đây có phải là sự trở về?

- Tôi vào TP.HCM sống từ 1984, năm nào tôi cũng ra Hà Nội. Tuổi thơ, thời thanh niên, kí ức quý giá, bạn bè của tôi và gia đình đều ở Hà Nội, nên tâm hồn tôi luôn hướng về. Khả năng thích ứng tốt với các hoàn cảnh, TP.HCM tôi cũng thích, nhưng Hà Nội luôn cho tôi nhiều cảm xúc và mong muốn trở về. Cần có nhà để an cư.

Sau đám cưới của con gái - hoạ sĩ Lê Hiền Minh tháng 10-2006 như một Festival nghệ thuật với ca trù, quan họ, lên đồng và hàng trăm nghệ sĩ, triển lãm lần này sẽ còn có gì đặc biệt nữa, thưa chị?

-Tổ chức tại Việt phủ, tôi muốn mở rộng đối tượng thưởng thức, trong đó có khách tham quan, cũng như những anh em nghệ sĩ báo chí chưa có dịp đến đây, sẽ có cơ hội thưởng thức "đúp". Tôi rất hy vọng đông đảo công chúng và đồng nghiệp sẽ đến hoà cảm cùng tôi thông điệp về tình yêu cuộc sống, nghệ thuật, con người. "Những con chữ" sẽ tiếp tục trưng bày tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ 21 đến 27-10.

Nguyễn Thị Hiền dành ưu ái nhất cho nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) với ba bức tranh in bút tích của anh. Sau 20 năm Vũ ra đi, Hiền mới thổ lộ tình yêu lớn của đời mình. Chị còn lưu giữ nhiều bài thơ Vũ viết tặng những năm 1970 - 1972: Hoà điệu, Khi em ngẩng đầu lên, Khâm Thiên 1972.

Lưu Quang Vũ là một tình yêu mãi mãi của chị và hơn thế?

- Đó còn là tri kỷ hiếm có của tôi. Tuy Vũ đã đi xa, nhưng chúng tôi vẫn luôn đồng hành và sẽ làm cùng nhau những tác phẩm chung. Tiếp theo cuốn "Gió và tình yêu vẫn thổi trên đất nước tôi", thơ Vũ in, tôi sẽ minh họa.

Chị trẻ hơn tuổi mình, có phải nhờ niềm tin vào tình yêu ấy?

- Tình yêu lớn hơn tình yêu thông thường ở lý tưởng chung, cùng muốn sáng tạo, tận hiến cho nghệ thuật với tinh thần trong sáng, đam mê. Tôi nhớ đêm tháng 12-1972 tôi, Vũ, Nguyễn Lâm tới Khâm Thiên đổ nát.

Ngay đêm ấy, Vũ viết tặng tôi bài thơ và tôi đưa vào tranh "Khâm Thiên 1972": "Những câu thơ anh viết về em/ Về hoa trái con người cần phải có/ Ghetnica - Oradua - Hiroshima - Khâm Thiên/ Đã trùm lấp mùa màng và lẽ phải/Chiếc phao nhỏ tình yêu cứu thế giới khỏi chìm trong nước xoáy".

Trong tình yêu lớn của chị, có tình yêu cho nhà văn Kim Lân, bố của chị. Ông đã viết gì cho chị?

- Tôi lấy dòng đầu tiên của bút tích làm tên tác phẩm "Để lại cho con": "Để lại cho con. Vẫn kỳ vọng ở con. Con gái yêu của thày", thày tôi đã viết năm 2006 trước khi in tuyển tập Kim Lân. Chính thày đã đưa tôi và Thành Chương đến với hội hoạ và luôn chỉ bảo, chia sẻ với chúng tôi.

Mới thế mà đã gần 60 năm từ ngày bác Nguyễn Công Hoan dắt tôi tới lớp vỡ lòng. Thày giáo bảo tôi đánh vần, tôi nhất quyết không. Bác Hoan hỏi lý do, tôi đáp: "Tại vì cháu đọc được sách rồi mà thày lại bắt đọc ABC nên cháu không thèm đọc".

Bút tích của chị có phải là thông điệp chị muốn gửi tới công chúng?

- Vâng. Tôi đã viết như tôi sống. "Cuộc sống như một món quà. Và tôi hạnh phúc vì được sống, được làm việc, học hỏi, tìm tòi và sáng tạo như một dòng chảy, chảy mãi cho đến hết cuộc đời mình". Tôi tâm niệm từ lâu như thế và gần đây mới nhận ra trùng ngộ với lời Phật dạy: "Muốn được sự minh triết, con người ta phải là dòng chảy hay ánh sáng".

Chúc triển lãm thành công và chị luôn là dòng chảy sáng tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem