|
Ông Hồ Xuân Hùng |
Nhân dịp này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Vận động thành lập Tổng hội NNPTNT Việt Nam.
Theo ông Hùng, trong ngành nông nghiệp hiện có 50 hội và hiệp hội, hoạt động từ T.Ư tới địa phương. Tuy nhiên, tính riêng lẻ của các hội và hiệp hội còn quá lớn. Mục đích ra đời của tổng hội chính là kết nối lại các hội, hiệp hội trong các hoạt động riêng lẻ đó. Mặt khác, với nhu cầu phát triển mới, đặc biệt là công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiệm vụ có tính chiến lược và lâu dài là nhanh chóng chuyển nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá công nghệ cao, nhiều nhu cầu đặt ra liên kết các hội, địa phương trong toàn ngành thực sự là câu hỏi lớn đặt ra. Và vì thế cần thiết phải ra đời Tổng hội.
Giải quyết nhiều chính sách về “tam nông”
Xây dựng NTM ở địa phương đang gặp khó khăn về nâng cao tiêu chí nâng cao thu nhập, Tổng hội sẽ đóng góp ra sao để cùng xây dựng chương trình này?
- Nhiệm vụ quan trọng hiện nay vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài của ngành nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung là xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng NTM có một số vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục làm rõ cả về lý luận và thực tiễn xung quanh bộ tiêu chí quốc gia. Vừa rồi, 2 tiêu chí được quan tâm nhất là tiêu chí thu nhập và tiêu chí cơ cấu lao động, Ban soạn thảo đã tiếp thu để trình lên Thủ tướng và đã sửa.
Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí ấy còn cả một quá trình phải phấn đấu. Thậm chí, có tiêu chí đã đạt rồi nhưng không tiếp tục vận động xây dựng có thể đã đạt rồi lại đánh mất. Tổng hội NNPTNT ra đời mong muốn góp phần thúc đẩy thêm các tiêu chí, xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Tổng hội
|
Nông dân xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội chăm sóc hoa. |
Thưa ông, có một thực tế, xuất khẩu nông sản tăng cả kim ngạch và sản lượng nhưng nhìn chung thu nhập của người ND lại không được hưởng lợi nhiều. Vậy sau khi ra đời, Tổng hội NNPTNT sẽ có những đề xuất về chính sách như thế nào?
- Năm 2012, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 27 tỷ USD là một con số kỷ lục. Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin ở tất cả các kênh truyền thông cho thấy, đúng là người ND chưa được hưởng lợi nhiều. Sau khi Tổng hội ra đời, chúng tôi cũng xác định đây là vấn đề cần quan tâm. Khi Chính phủ đã có chính sách, nhưng chưa tới được người dân thì chúng tôi sẽ góp phần giúp họ kiên trì kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ.
Ngay như xuất khẩu lúa gạo chẳng hạn, năm vừa rồi chúng ta xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD. Lợi nhuận của doanh nghiệp là không nhỏ, nhưng xây dựng quỹ để bảo hộ cho người dân thì không có doanh nghiệp nào tham gia. Nếu chờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua quỹ bảo hiểm thì chắc sẽ còn lâu lắm mới đến được người dân. Tổng hội khi chính thức đi vào hoạt động cũng sẽ quan tâm giải quyết vấn đề này.
Coi trọng tiếng nói của nông dân
Việc ra đời Tổng hội liệu có “bao trùm” hoặc“ lấn sân” lên các hội, hiệp hội khác trong ngành nông nghiệp không, thưa ông?
- Tổng hội không bao trùm mà hoạt động mang tính tự nguyện, hội nào, liên hiệp nào, cá nhân nào có nguyện vọng tự nguyện tham gia thì Tổng hội chấp nhận. Sau khi hoạt động, nếu các hội, hiệp hội thấy được lợi ích của Tổng hội mang lại cho mình thì họ sẽ tự nguyện tham gia.
"Những thành viên nào tham gia và lựa thấy khả năng của mình có thể tham gia được, thấy hiệu quả mà Tổng hội mang lại cho mình thì có thể phải đóng lệ phí, nhưng không nhiều. Khi thành lập, chúng tôi đã tính toán để đủ kinh phí hoạt động, chứ không phải dựa vào phí để duy trì hoạt động tổng hội."
Ông Hồ Xuân Hùng
Thưa ông, thực tế, trong các hiệp hội ngành nghề, mối liên kết giữa doanh nghiệp và ND, việc chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro giữa doanh nghiệp chưa chặt chẽ trong các hiệp hội. Tổng hội sẽ tham gia vào việc xây dựng mối liên hệ này như thế nào?
- Đây là vấn đề bản thân tôi đã trăn trở lâu nay. Chúng ta chưa có luật hội. Các tổ chức hội ở nước ta hiện nay, có hội hoạt động tốt, có thể tham gia những vấn đề lớn về mặt xã hội. Tuy nhiên, nhiều hội ngành nghề thành viên chủ yếu là các doanh nghiệp, vai trò của ND không có nhiều.
Một trong những nhiệm vụ chúng tôi nghiên cứu khi ra đời Tổng hội là phải gia tăng được mối liên hệ hữu cơ, có tiếng nói phản biện chính sách để đề xuất từ khâu chính sách đảm bảo doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro với người ND. Trong khi hệ thống bảo hiểm của chúng ta chưa đầy đủ tới ND thì cần phải làm rõ được vai trò của không chỉ hội ngành nghề, hội xã hội mà cả Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ND.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Thông- Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.